Nhờ đó, trẻ tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và sẵn sàng vào lớp 1.
Trang bị đủ kiến thức và kỹ năng
Trường Mầm non xã Nậm Chà đóng chân tại vùng đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Nhùn (Lai Châu). Song không vì thế mà chất lượng giáo dục, đặc biệt là nhóm trẻ mầm non 5 - 6 tuổi của nhà trường bị thụt lùi.
Trường có 380 trẻ đang theo học tại 8 điểm (114 trẻ 5 tuổi) là người Mông, Cống, Dao. Theo cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Vân Anh, đa số trẻ có tâm lý lo sợ, bỡ ngỡ khi chuyển sang môi trường mới. Vì vậy, nhà trường đã vận dụng các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trong đó, tập trung trang bị kiến thức và kỹ năng cho trẻ trước khi bước vào lớp Một.
“Với trẻ mầm non, hoạt động vui chơi giữ vai trò chủ đạo. Nhưng khi vào lớp Một, hoạt động chủ yếu là học tập, mang tính chất bắt buộc. Vì thế, nhà trường tập trung giáo dục kiến thức và kỹ năng để trẻ tự tin bước vào môi trường học tập mới”, cô Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ đồng thời thông tin:
Trẻ được rèn kỹ năng tự lập như: Tự chuẩn bị sách vở, đồ dùng, quần áo, tự đi vệ sinh. Hướng dẫn trẻ giúp cô giáo dọn đồ chơi, học liệu; thu dọn bát, đĩa sau khi ăn… Cùng với đó, thông qua hoạt động giao lưu ngoài lớp học (tham quan, dã ngoại, trò chơi dân gian), giáo viên giúp trẻ có kỹ năng trò chuyện với các bạn, thầy cô và người xung quanh.
“Chúng tôi thống nhất với phụ huynh cố gắng đưa trẻ đến lớp đúng giờ để tạo thói quen chấp hành giờ giấc, quy định của nhà trường. Trong các hoạt động yêu cầu trẻ chú ý nghe giáo viên gợi ý, góp ý; tạo cho trẻ biết phân biệt giữa giờ giải lao, thư giãn và giờ học… Qua đó giúp trẻ hiểu được những quy tắc nhất định mà mọi người đều phải thực hiện” – cô Nguyễn Thị Hòa chia sẻ.
Bên cạnh đó, điểm trường chính gần với trường tiểu học nên giáo viên Trường Mầm non xã Nậm Chà thường xuyên cho trẻ sang tìm hiểu, giao lưu với anh chị lớp 1 - 2. Từ đó, kích thích lòng mong mỏi, háo hức được đến trường của trẻ.
Trường Mầm non Thanh Kim, thị xã Sa Pa (Lào Cai) hiện có 48 trẻ 5 tuổi. Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Đối với trẻ 5 tuổi, chúng tôi tập trung dạy các em nhận biết bảng chữ cái và số. Trẻ biết thêm, bớt trong phạm vi 10. Đồng thời, các cô rèn trẻ cách cầm bút, tư thế ngồi học để sẵn sàng bước vào lớp Một”.
Bên cạnh trang bị kiến thức, nhà trường cũng tạo cơ hội để trẻ được mạnh dạn thể hiện quan điểm, suy nghĩ của bản thân. Theo đó, trẻ biết cách nói ra nhu cầu hay mong muốn khi cần sự hỗ trợ của cô giáo, bạn bè.
Tăng cường tiếng Việt
Đối với trường mầm non ở vùng cao, đa số trẻ đều là người dân tộc thiểu số. Rào cản lớn nhất với trẻ là ngôn ngữ. Khi đi học, phần lớn trẻ mới bắt đầu học và sử dụng tiếng Việt. Vốn từ ít, khả năng nghe nói tiếng Việt hạn chế dẫn đến tình trạng bất đồng ngôn ngữ giữa cô và trò.
Ảnh minh họa/ INT |
Từ thực tế tại địa phương, Trường Mầm non Nậm Chà đã chủ động tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với gia đình và cộng đồng trong giáo dục trẻ. Đặc biệt là phổ biến mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết về tăng cường tiếng Việt.
“Được giáo viên tuyên truyền về dạy tiếng Việt cho con nên khi ở nhà, lúc dạy cháu học đến các sinh hoạt hằng ngày, chúng tôi thường nói tiếng phổ thông. Với từ khó hiểu, chúng tôi mới sử dụng tiếng Dao để giải nghĩa. Sau mỗi ngày như thế, cháu quen dần với việc giao tiếp tiếng Việt”, chị Chảo Thị Mế Lụa, phụ huynh em Chảo Thị Nguyệt Hương, Trường Mầm non Nậm Chà bộc bạch.
Trường Mầm non Búng Lao, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) có 4 điểm bản và 1 điểm trung tâm. Thông tin từ cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Mai Hương, Ban giám hiệu đã chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch mỗi tuần có 2 tiết tăng cường tiếng Việt. Để trẻ tiếp cận với tiếng Việt hàng ngày, giáo viên sử dụng bảng chữ cái để trang trí trong và ngoài lớp.
Theo cô Hương, muốn dạy tốt tiếng Việt cho trẻ, giáo viên phải biết sử dụng hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng dân tộc). Muốn vậy, cần thường xuyên tập huấn, hướng dẫn giáo viên về kỹ năng và các biện pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số. Cùng với đó, nhà trường tích cực tạo môi trường tiếng Việt cho trẻ.
Với 236 trẻ (66 trẻ 5 tuổi), Trường Mầm non Mường Lạn, huyện Mường Ảng đã xây dựng thư viện thân thiện để hình thành thói quen xem sách, hướng cho trẻ tự kể chuyện theo tranh để phát triển ngôn ngữ. Bên cạnh đó, thông qua trò chơi, buổi sinh hoạt, nhà trường đã tăng cường rèn tiếng Việt cho trẻ.
“Trường có các góc chợ quê và góc hoạt động để trẻ có thể trải nghiệm, đóng vai các nhân vật... Giáo viên cũng thường xuyên sưu tầm đồ dùng dạy học gần gũi với cuộc sống, tận dụng nguyên vật liệu sẵn có của địa phương để làm hình ảnh minh họa. Từ đó, các em có thể dùng tiếng Việt để gọi tên những vật dụng tại nhà”, cô Hiệu trưởng Lò Thị Vang chia sẻ.
Thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, Trường Mầm non Nậm Chà đã huy động các nguồn lực để xây dựng môi trường tiếng Việt trong và ngoài lớp học phong phú, đa dạng, phù hợp với độ tuổi, nhận thức của trẻ. Đồng thời, trường tổ chức các tiết học lồng ghép tăng cường tiếng Việt với phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”, giúp trẻ được học tập, vui chơi, chuyên cần đến lớp và tự tin trong giao tiếp.