Để khắc phục tình trạng này, nhiều giải pháp mạnh đã được Bộ GD&ĐT đưa ra.
Nhận diện nguyên nhân
Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong bộ phận HSSV, theo nhận định của Bộ GD&ĐT, trước hết từ tác động của mặt trái kinh tế thị trường, dẫn tới những thay đổi trong đời sống xã hội, thay đổi những giá trị truyền thống, trong đó có môi trường giáo dục.
Bản thân HSSV đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất, tâm lý, hình thành và hoàn thiện nhân cách, luôn muốn thể hiện, muốn tự khẳng định mình, sự đề kháng trước cái xấu hạn chế nên dễ bị ảnh hưởng bởi tác động tiêu cực bên ngoài xã hội.
Bên cạnh đó, sự phát triển của khoa học, công nghệ thông tin tạo điều kiện HSSV có nhiều cơ hội sử dụng, khai thác Internet; các thông tin xấu độc, hình ảnh và nội dung bạo lực, kích động ngày càng nhiều trên mạng xã hội, báo chí, truyền hình... tiềm ẩn nhiều nguy cơ về văn hóa phẩm độc hại, đã "ngấm" dần một cách vô thức vào nhận thức, hành vi của thế hệ trẻ.
Việc xét xử các vụ việc thanh niên vi phạm pháp luật còn chưa kịp thời, chưa nghiêm minh nên sức răn đe đối với xã hội còn rất hạn chế.
Chính quyền các cấp chưa quan tâm, chưa đưa công tác giáo dục đạo đức, lối sống của thế hệ trẻ vào chương trình, tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. Quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách pháp luật và quy định của ngành Giáo dục tại địa phương kém, nhiều chính sách bị "bỏ quên", làm hình thức. Quá trình thanh tra, kiểm tra các cơ quan quản lý tại địa phương chưa quyết liệt, chưa thường xuyên.
Đối với gia đình còn thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục; một số gia đình chiều chuộng con thái quá dẫn đến sự vô cảm, dựa dẫm, thiếu trách nhiệm trong các hoạt động tại nhà trường, cộng đồng; có cha mẹ lại can thiệp thô bạo vào việc học của con cái, gây sức ép về kết quả học tập. Nhiều bậc phụ huynh có tâm lý "khoán trắng" con em cho thầy cô, nhà trường.
Nhìn về nguyên nhân trong ngành Giáo dục, có thể thấy, hiện công tác và tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HSSV còn hạn chế, còn mang tính áp đặt. Chương trình môn Đạo đức, Giáo dục công dân còn mang tính hàn lâm, nặng về giáo dục pháp luật, chính trị, nhẹ về giáo dục đạo đức, giáo dục giá trị sống, kĩ năng sống, coi trọng lý thuyết, nhẹ thực hành.
HSSV chưa được trang bị các kỹ năng sống cơ bản để thích nghi với đời sống kinh tế - xã hội biến đổi nhanh chóng. Các mâu thuẫn, khó khăn phát sinh của HSSV chậm được phát hiện, chậm được giải quyết thấu đáo, triệt để... dẫn đến phát sinh bạo lực học đường khi giải quyết mâu thuẫn... Có trường hợp học sinh quyên sinh do chỗ dựa tinh thần, giá trị sống, thế giới quan không có hoặc mong manh.
Tiếp tục giải pháp hạn chế thấp nhất vi phạm
Để khắc phục tình trạng xuống cấp đạo đức, lối sống của HSSV, Bộ GD&ĐT đã và đang thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; tăng cường giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; ban hành Đề án Tăng cường giáo dục lý tưởng, cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015 - 2020 và phối hợp với các bộ ngành, UBND các tỉnh/thành phố trong cả nước tổ chức thực hiện.
Năm 2017, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định về chương trình hành động phòng chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên giai đoạn 2017 - 2021; trong đó chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục lập đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh liên quan đến nội dung này.
Cũng năm đó, Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông được ban hành. Thông tư đưa mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 90% trường trung học, trung cấp, CĐ, ĐH thành lập bộ phận tư vấn, hỗ trợ HSSV.
Bộ cũng đã hoàn thiện Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, xây dựng bộ khung quy tắc ứng xử trong trường phổ thông để thực hiện từ năm học 2018 - 2019; chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các nội dung về đạo đức, quy tắc ứng xử vào trong quy chế làm việc, phát huy dân chủ trường học.
Cùng với việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đạo đức, tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, Bộ GD&ĐT chú trọng phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Trung ương Đoàn THCS Hồ Chí Minh trong giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống, các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc cho thế hệ trẻ; giáo dục HSSV khai thác, sử dụng Internet, mạng xã hội một cách hiệu quả.
Đồng thời, chỉ đạo xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới, trong đó chú trọng nội dung môn Đạo đức, Giáo dục công dân và dạy đạo đức, lối sống thông qua việc giáo dục chuyển đổi hành vi và trải nghiệm cho học sinh; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Chỉ đạo các địa phương xây dựng trường học văn hóa, an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường hiệu quả; "nhà trường mở" - là đầu mối, phối hợp chặt chẽ, khai thác thế mạnh của các lực lượng (gia đình, cộng đồng, xã hội) với sự phân công, phân trách nhiệm rõ ràng trong giáo dục đạo đức, lối sống HSSV...
Bộ GD&ĐT cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nhà giáo, giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh; thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; tăng cường nắm bắt các thông tin xử lý tại địa phương.
Đặc biệt, kịp thời tôn vinh, tuyên dương khen thưởng và tuyên truyền rộng rãi trong toàn ngành các tấm gương người tốt, việc tốt.