Nghiên cứu khoa học trong trường học thúc đẩy trò sáng tạo

GD&TĐ - Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong trường học giúp học sinh tự tin giải quyết vấn đề trong tương lai.

Thầy Trang Minh Thiên, giáo viên môn Công nghệ của Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ hướng dẫn thí nghiệm.
Thầy Trang Minh Thiên, giáo viên môn Công nghệ của Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ hướng dẫn thí nghiệm.

Thầy và trò được rèn luyện

“Một số học sinh tham gia nghiên cứu đề tài thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện, điện tử từ những năm đầu tiên tôi hướng dẫn (năm 2014, 2015), đến nay đã trở thành kỹ sư chuyên ngành điện, điện tử và có việc làm ổn định. Năm 2017, tôi hướng dẫn đề tài thuộc lĩnh vực hệ thống nhúng và các em sau đó theo học ngành Công nghệ thông tin, nay có việc làm theo đúng sở thích”, thầy Thiên chia sẻ.

Thầy Trang Minh Thiên, giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ, cho biết, học sinh tham gia nghiên cứu khoa học có nhiều lợi ích. Từ hoạt động này, các em thêm hứng thú trong học tập và định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn. Ngoài ra, học sinh còn tích lũy thêm nhiều kỹ năng như: Lược khảo, trích lục tài liệu, đặt câu hỏi phản biện, thiết kế ấn phẩm, phân tích số liệu, thuyết trình và đặc biệt là theo đuổi ước mơ nghề nghiệp.

Đẩy mạnh mô hình giáo dục STEM, STEAM, nghiên cứu khoa học trong nhà trường vừa là thử thách vừa là cơ hội để phát triển chuyên môn giảng dạy của giáo viên, nâng cao tinh thần hợp tác giữa các đồng nghiệp.

Chia sẻ điều này, thầy Lê Thanh Liêm, giáo viên phụ trách môn Công nghệ của Trường PTDTNT Him Lam (Hậu Giang), cho hay: Các mô hình này còn giúp học sinh chủ động học tập, tăng khả năng kết nối kiến thức liên quan trong quá trình giải quyết vấn đề, chế tạo sản phẩm. Đồng thời các em cũng tăng cường năng lực giao tiếp, hợp tác trong quá trình thảo luận, phân công nhiệm vụ, phản biện, chia sẻ ý kiến… để cùng nhau hoàn thành sản phẩm của nhóm.

Em Nguyễn Hữu Trung, học sinh lớp 12a5 Trường THPT Vĩnh Xuân (Vĩnh Long), cho biết: Từ khi được giáo viên bộ môn Công nghệ giao cho các dự án để nghiên cứu, bản thân được rèn luyện rất nhiều. Từ học sinh với học lực trung bình, qua các dự án nghiên cứu, Trung được tiếp xúc với công nghệ thông tin, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề, biết vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

“Có nhiều lúc gần như bế tắc nhưng em đã rèn luyện sự bền bỉ, kiên trì và có được thành công nhất định. Sau khi đoạt giải Ba cuộc thi Nghiên cứu KHKT cấp quốc gia với đề tài Xe máy chạy hai dạng năng lượng sạch, được tuyển thẳng đại học, em chọn Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ở đại học, em tiếp tục nghiên cứu và cải thiện sản phẩm Xe máy chạy hai dạng năng lượng sạch để làm phương tiện đi lại trong quá trình học, ứng dụng ý tưởng để cải tiến lắp vào xe cho người già và người khuyết tật sử dụng khá hiệu quả”, nam sinh kể.

Theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong nhà trường đã góp phần tích cực vào việc đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng phát huy năng lực người học, hình thành phương pháp học tập hiệu quả.

Qua quá trình thực hiện các dự án, cùng với sự dìu dắt của thầy cô hướng dẫn, học sinh sẽ hình thành, phát triển nhiều năng lực quan trọng như tư duy độc lập, biết vận dụng kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống; vừa có giải pháp thích ứng với hoàn cảnh sống, vừa kiến tạo ra những giá trị sống tích cực, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Khuyến khích tinh thần sáng tạo

Để đẩy mạnh mô hình giáo dục STEM, STEAM, nghiên cứu khoa học trong trường học không chỉ cần đội ngũ giáo viên đam mê, vững vàng mà nhà trường phải thường xuyên tổ chức các hoạt động và khuyến khích thầy cô cùng học sinh tham gia nghiên cứu, các cuộc thi… để có thể học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau.

Tại Trường THCS TT Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), để khuyến khích học sinh và giáo viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, ngoài việc khen thưởng sản phẩm đạt kết quả trong các cuộc thi, trường còn ghi nhận “thành tích” giáo viên hướng dẫn tương đương với thành tích “giáo viên giỏi”, học sinh được công nhận và thưởng tương đương với “học sinh giỏi văn hóa”.

Theo thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lộc, thời gian qua trường không những chủ động trong việc giảng dạy, nâng cao chất lượng, mà còn chú trọng đến công tác đẩy mạnh mô hình giáo dục STEM, STEAM, nghiên cứu khoa học cho học sinh bằng cách khuyến khích cách làm hay trong đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, trường ứng dụng tốt giáo dục hành động WINDY, tận dụng vật liệu phế thải tạo ra những sản phẩm tiện ích như tranh, dụng cụ học tập, vật dụng trong gia đình, sản phẩm dự thi các cuộc thi…

Thầy Trần Quang Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Vĩnh Long), trao đổi: Để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nhà trường cho giáo viên và học sinh tham gia các cuộc thi về nghiên cứu khoa học kỹ thuật để kiểm nghiệm thực tế, học hỏi kinh nghiệm, kiến thức từ bạn bè, đồng nghiệp và giám khảo chấm thi.

Trường cũng thường xuyên cung cấp trang web hay về những thành tựu khoa học kỹ thuật để học sinh và giáo viên nghiên cứu, ứng dụng vào việc dạy và học; phát thanh dưới cờ, đọc thông tin tuyên truyền trong 15 phút đầu giờ, lồng ghép trong cuộc họp giao ban giáo viên chủ nhiệm về phát động, đôn đốc học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu. Ngoài ra để động viên và khuyến khích giáo viên, học sinh tham gia, nhà trường tổ chức vinh danh dưới cờ những tập thể và cá nhân đoạt giải trong các cuộc thi.

Từ góc nhìn người hướng dẫn, theo thầy Lê Thanh Liêm, để khuyến khích học sinh tham gia nghiên cứu khoa học, giáo viên phải giúp học sinh hiểu đúng, rõ về tầm quan trọng trong nghiên cứu khoa học, từ đó các em có động lực chính đáng để tham gia vào các hoạt động. Đồng thời, giáo viên hướng dẫn phải gần gũi, thân thiện, hiểu được những áp lực học tập của học sinh; tạo điều kiện tốt nhất về tâm lý, thời gian và trang thiết bị nghiên cứu, sáng tạo khi các em cần.

Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, nhìn nhận: Nhiều dự án khoa học của học sinh có ý tưởng mới, sáng tạo, tính thực tiễn, góp phần giải quyết những vấn đề thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh toàn xã hội đang dần thích ứng với dịch bệnh và những biến đổi về môi trường sinh thái. Điều đó cho thấy khả năng nắm bắt vấn đề cũng như tư duy sáng tạo của các em. Một số dự án đã thể hiện quá trình nghiên cứu, đầu tư một cách nghiêm túc, tinh thần quyết tâm trong việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng của phong trào nghiên cứu khoa học ở một số đơn vị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ