Mỗi nơi mỗi khó
Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang) có 1 trường chính và 15 điểm lẻ. Thầy Phạm Văn Tường, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Do điều kiện cơ sở vật chất tại trường chính chưa đảm bảo nên mới dồn được hơn 80% học sinh lớp 3 các điểm lẻ về học tập. Gần 20% học sinh lớp 3 còn lại vẫn phải bố trí học tại 4 điểm lẻ.
Song điều đó không đồng nghĩa học sinh điểm lẻ sẽ bị “bỏ rơi” khi triển khai Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc. Trường đã lên giải pháp tháo gỡ phù hợp thực tế để 100% học sinh lớp 3 ở trường chính hay điểm lẻ vẫn được tiếp cận 2 môn học bắt buộc này từ năm học 2022 - 2023.
Tại huyện vùng khó Si Ma Cai (Lào Cai), việc “dồn điền đổi thửa” cũng được bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT Si Ma Cai chia sẻ: Toàn huyện vẫn còn hơn 18% học sinh lớp 3 đang học điểm lẻ, song ngành Giáo dục đã lên kế hoạch dồn về trường chính năm học 2022 - 2023. Như vậy 100% học sinh lớp 3 sẽ học tập tại trường chính với các điều kiện cơ sở vật chất thiết yếu để triển khai 2 môn Tiếng Anh, Tin học.
Thầy Trần Đình Hòa, Hiệu trưởng Trường PTDTNT THCS Bố Trạch (Quảng Bình) bày tỏ: “Cơ sở vật chất còn thiếu nhiều, trường có 10 lớp nhưng chỉ có 6 phòng học. Các phòng chức năng còn “trắng”, thiết bị dạy học chưa đảm bảo theo yêu cầu tối thiểu. Trường đang bố trí 4 lớp học trong phòng tạm, số tiết còn thiếu phải tăng cường qua tiết bổ trợ, hoạt động ngoại khóa…”.
Tuy nhiên, khó khăn mà nhiều trường tiểu học của huyện vẫn phải đối diện đó là thiếu phòng học chuyên dụng, máy tính, giáo viên Tiếng Anh, Tin học theo quy định của CT GDPT 2018, đòi hỏi ngành Giáo dục, nhà trường tìm giải pháp tháo gỡ.
Với Trường THCS Hợp Tiến (Nam Sách, Hải Dương), cơ sở vật chất phòng, lớp học đã đầy đủ song bước sang năm thứ 2 triển khai CT GDPT mới với lớp 6, trường vẫn thiếu thiết bị dạy học dù đã đăng ký xin cấp phát theo quy định.
“Năm học này nếu tiếp tục triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 7 trong tình trạng thiếu trang thiết bị sẽ rất khó khăn cho giáo viên bởi nhiều môn học mang tính thực hành cao, không thể mãi dạy “chay”. Nhà trường dù tận dụng thiết bị dạy học cũ và nỗ lực khai thác công nghệ thông tin vào bài giảng cũng chỉ bù lấp phần nào. Giáo viên cần triển khai bài giảng với thiết bị giảng dạy, học sinh phải được trải nghiệm trực tiếp trên đồ dùng thiết bị thì dạy và học mới đạt hiệu quả tối đa…”, cô Trần Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS Hợp Tiến trao đổi.
Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang) đã dồn được 80% học sinh lớp 3 về trường chính. Ảnh: NTCC |
Linh hoạt tháo gỡ
Để đảm bảo điều kiện tối thiểu triển khai Chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 3, đặc biệt với 2 môn Tiếng Anh, Tin học bắt buộc trước thềm năm học mới, một mặt ngành Giáo dục Si Ma Cai yêu cầu các trường thực hiện rà soát thường xuyên số máy tính hỏng hóc, còn thiếu để báo cáo phòng GD&ĐT. Trên cơ sở đó, phòng sẽ có kế hoạch bổ sung ngân sách hoặc trang thiết bị dần dần khi có nguồn từ xã hội hóa, kinh phí huyện và ngân sách của tỉnh cấp.
Mặt khác, huyện Si Ma Cai sẽ đầu tư cho 10 xã, mỗi xã 1 phòng họp trực tuyến (hiện đang trong quá trình hoàn thiện, mua sắm lắp đặt trang thiết bị) để cả 3 cấp học dùng chung. Như vậy, trường hợp vào năm học các trường không hợp đồng được giáo viên Tiếng Anh, Tin học thì phòng sẽ tận dụng phòng họp trực tuyến này để tổ chức dạy học Tiếng Anh, Tin học trực tuyến cho nhiều trường, lớp.
“Huyện đang cố gắng dành nguồn lực để xây dựng thêm nhà bán trú tại trường chính để thuận tiện cho việc dồn học sinh lớp 3 từ điểm lẻ về học tập trung. Điều này không chỉ nhằm tăng cường cơ sở vật chất mà còn là cách tạo niềm tin, thuyết phục phụ huynh yên tâm cho con về trường chính học tập…”, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng phòng GD&ĐT Si Ma Cai (Lào Cai) bày tỏ.
Với Trường PTDTBT Tiểu học xã Mậu Long (Yên Minh, Hà Giang), để đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu triển khai Tin học, Tiếng Anh bắt buộc, trường đã dồn hơn 90% học sinh lớp 3 các điểm lẻ về trường chính. Với 40 học sinh lớp 3 (gần 20%) đang phân bố tại 3 điểm lẻ, trường lên kế hoạch sắp xếp thời khóa biểu hợp lý để giáo viên có thể đến bản giảng dạy.
“Các điểm lẻ không có phòng học chuyên dụng, máy móc, thiết bị cho môn Tin học, trường huy động giáo viên văn hóa dạy kiêm cả dạy lý thuyết Tin học, huy động máy tính cá nhân của giáo viên cho học sinh làm quen, thực hành cơ bản. Lên lớp 4, toàn bộ số học sinh điểm lẻ được dồn về trường chính, nhà trường sẽ tăng cường khâu thực hành, củng cố lại cả kiến thức, kỹ năng trên máy”, thầy Phạm Văn Tường cho hay.
Với Trường THPT Đồng Văn (Hà Giang) triển khai CT GDPT mới trong điều kiện trường lớp, trang thiết bị thiếu thốn: 14 phòng học/17 lớp học. Thiếu phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học và khoảng 100 bộ sách giáo khoa các lớp… Trường có 1 phòng học đa năng Tiếng Anh, Tin học 25 máy tính.
Trước khó khăn trên, trường đã bố trí toàn bộ học sinh khối 10 học ca 2 vào buổi chiều. Cùng đó lên danh sách cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu để đăng ký cùng sở GD&ĐT. Thầy Nông Thế Huân, Hiệu trưởng cho biết thêm, trong khi đợi trang cấp từ ngành, để đáp ứng các thiết bị dạy học thiết yếu trước mắt, trường tiếp tục tận dụng thiết bị cũ có sẵn, mặt khác huy động giáo viên tự tạo đồ dùng dạy và học; tăng cường xin sách giáo khoa cũ từ các trường vùng xuôi…
Tại Trường PTDTNT THCS Bố Trạch (Quảng Bình), giải pháp tháo gỡ là yêu cầu giáo viên lên kế hoạch giảng dạy có sử dụng thiết bị dạy học từ sớm để bố trí hợp lý giữa các lớp; Khuyến khích giáo viên tự tạo đồ dùng dạy học đơn giản. Đặc biệt thúc đẩy giáo viên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học để học sinh tạm thời thực hiện những thí nghiệm ảo, bài giảng có video minh họa…
Trong điều kiện khó khăn chung, Trường PTDTNT THCS Bố Trạch không có cách nào khác là tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học… theo từng năm, giai đoạn. Hơn thế phải tích cực phát huy nội lực, tình yêu nghề từ giáo viên để vượt khó, nâng cao hiệu quả dạy học... - Thầy Trần Đình Hòa