Khởi sắc giáo dục trên vùng ATK Định Hóa

GD&TĐ - Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên còn được gọi là vùng quê cách mạng, là “đại bản doanh” của chiến khu ATK (An toàn khu) trong những năm kháng chiến chống Pháp. Tự hào là vùng đất cách mạng, trong những năm qua cùng với sự khởi sắc của các lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội, giáo dục là lĩnh vực được Định Hóa quan tâm và có nhiều khởi sắc, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của địa phương…  

Khởi sắc giáo dục trên vùng ATK Định Hóa

Tự hào vùng quê cách mạng

Định Hóa là nơi cách đây 70 năm Bác Hồ và Bộ Chính trị chọn xây dựng căn cứ kháng chiến, là trung tâm chỉ huy quan trọng của vùng ATK Việt Bắc. Hai bên đường, vẫn còn đó dáng hình của Việt Bắc xưa kia. Những nếp nhà sàn chon von bên sườn đồi, những rừng cọ xen lẫn những nương chè và cánh đồng lúa đang trổ đòng như báo hiệu một cuộc sống thanh bình nơi vùng quê này.

Đến nay, tại huyện Định Hóa đã có đến gần 100 di tích lịch sử còn nằm khắp núi rừng Định Hóa được nhà nước xếp hạng bảo tồn cấp Quốc gia đó là di tích Tỉn Keo, xã Phú Đình từng là nơi Bác Hồ đã ở và làm việc từ 1947 - 1948, cũng là nơi Hồ Chủ Tịch cùng Bộ chính trị quyết định chiến dịch Đông Xuân 1953 - 1954. Rồi di tích Đồi Nà Đình - xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình nơi Hồ Chủ tịch ở và làm việc cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Khởi sắc con chữ

Khi đất nước được hòa bình, độc lập, cùng với bao vùng quê khác trên cả nước, Định Hóa bước vào công cuộc xây dựng, kiến thiết với bộn bề những khó khăn, thử thách. Vốn là một huyện miền núi, cách xa trung tâm, đường xá đi lại khó khăn, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, mức sống của người dân còn thấp nên quá trình phát triển nền giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân các dân tộc trong huyện đầu những năm 80 còn vô vàn khó khăn.

Bước vào công cuộc đổi mới (1986 - 2010), bằng sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Định Hóa, bằng truyền thống hiếu học đã được hun đúc từ bao đời nay ở vùng quê cách mạng, sự nghiệp giáo dục ở vùng ATK Định Hóa đã khởi sắc từng ngày. Mặc dù, có những giai đoạn, hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học còn thiếu thốn, nhất là các điểm trường, các trường mầm non, tiểu học, đường xá đi lại còn khó khăn nhưng các nhà trường, đội ngũ các thầy cô giáo đã nỗ lực từng bước đẩy lùi những khó khăn để hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Toàn huyện Định Hóa có 23 xã và 1 thị trấn, địa hình khá rộng, địa hình đồi núi, hiểm trở. Nơi đây có 8 dân tộc anh em cùng chung sống. Trong đó đông nhất là dân tộc Tày, Nùng. Cùng với huyện Võ Nhai, Định Hóa là một trong hai địa phương khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên. Trừ thị trấn Chợ Chu, 23/23 xã của huyện đều nằm trong diện xã đặc biệt khó khăn. Khu vực thị trấn và các xã ở phía nam do địa hình bằng phẳng, gần trung tâm nên thuận lợi hơn về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. Còn các xã ở khu vực phía bắc do địa hình hiểm trở, đường xá đi lại khó khăn nên chậm phát triển hơn.

Hiện nay, toàn huyện Định Hóa có 24 trường Mầm non, 24 trường Tiểu học, 23 trường THCS, 3 trường THPT, 1 TTGDTX, 1 trung tâm dạy nghề. Cơ sở vật chất như trường lớp, thiết bị dạy và học được tăng cường. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 100%. Đến năm 2010 toàn huyện Định Hóa có 33/73 trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (đến năm 2012 có 40/73 trường đạt chuẩn, đến nay đã có gần 50 trường đạt chuẩn). Số học sinh tốt nghiệp và thi vào các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học năm sau cao hơn năm trước. Hoạt động khuyến học, khuyến tài, công tác xã hội hóa giáo dục được quan tâm đạt được một số kết quả tích cực. Công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn đã từng bước được chú trọng.

Mạng lưới trường học được phát triển rộng khắp trên địa bàn toàn huyện, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của con em nhân dân. Ngoài các trường học ở khu trung tâm huyện, xã thì các điểm trường được xây dựng tại các thôn bản xa ở các xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em đồng bào dân tộc được học tập. Trong đó, điểm trường xa nhất cách trung tâm xã 10 cây số.

Hiện nay, các điểm trường đã được đầu tư xây dựng về phòng học, bàn ghế, đường đi để giáo viên và học sinh vơi đi những khó khăn. Tại điểm trường bản Cà Đơ (xã Lam Vỹ), nơi học tập của con em đồng bào dân tộc Dao, cô giáo Trương Thị Huyên (dân tộc Dao), người đã gắn bó với sâu nặng với điểm trường này chia sẻ:

“Trước đây, đường đến điểm trường Cà Đơ khó khăn lắm, nay lớp học đã được xây dựng khang trang, đường đi đã được công đoàn Phòng Giáo dục Định Hóa phát động trong toàn ngành chung tay làm đường nên đã bớt đi khó khăn. Trẻ em ở bản rất ngoan và chăm học”.

Để nâng cao chất lượng và dạy học, ngành giáo dục Định Hóa những năm qua đã đẩy mạnh các cuộc vận động, các phong trào thi đua trong toàn ngành. Bằng những hoạt động thi đua đổi mới sáng tạo trong dạy và học, giáo dục Định Hóa đã đạt được những kết quả đáng tự hào.

Năm học 2016 - 2017, huyện đã tổ chức Hội thi giáo viên Tiểu học kể chuyện với 45/58 giáo viên dự thi đạt giải, tỷ lệ 77,59%. Thành lập đội tuyển gồm 14 giáo viên THCS dự thi giáo viên dạy giỏi các môn khoa học tự nhiên cấp tỉnh, có 11 giáo viên được vào vòng dự thi thực hành, có 09 giáo viên đạt.

Tổ chức và tham gia cuộc Thi Tiếng Anh qua mạng Internet cấp huyện và cấp tỉnh cho học sinh từ lớp 3 đến lớp 9, với 253 học sinh dự thi cấp huyện đạt giải từ khuyến khích trở lên. Thi giải Toán bằng Tiếng Anh qua mạng Internet cấp huyện; cấp tỉnh cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 có 188 học sinh dự thi đạt giải; có 166 học sinh dự thi cấp tỉnh.

Thi giải Toán bằng Tiếng Việt qua mạng Internet cấp huyện; cấp tỉnh cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 với 363 học sinh dự thi đạt giải cấp huyện; vòng thi cấp tỉnh có 345 học sinh tham gia…

Điều dễ nhận thấy trong sự phát triển của giáo dục Định Hóa là trong những năm qua, tuy là một huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn nhưng học sinh Định Hóa luôn chăm ngoan, học tốt, hiếu học.

Trong những năm học qua, tỷ lệ học sinh đỗ đại học ngày càng tăng. Đặc biệt là đỗ các trường tốp cao như Ngoại thương, Thương mại, Ngân hàng… Hằng năm, Định Hóa còn có học sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp quốc gia, nhiều em đang học THPT đã thi vượt để đỗ du học, có học sinh đạt giải Nhì hội thao quốc phòng toàn quốc.

Tự hào là một vùng quê cách mạng, trong những năm học qua, các nhà trường trên địa bàn huyện Định Hóa đã đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống nhằm giáo dục các thế hệ con em Định Hóa am hiểu về truyền thống dân tộc, tự hào về quê hương mình.

Bằng những hoạt động cụ thể như giáo viên ở một số nhà trường đã biên soạn lịch sử địa phương để giảng dạy cho học sinh, tổ chức cho học sinh thăm, chăm sóc các di tích lịch sử trong quần thể di tích ATK.

Đồng thời, trong các năm học, các nhà trường ngoài nhận và chăm sóc các di tích còn tổ chức cho học sinh giỏi, học sinh đạt thành tích cao trong học tập và rèn luyện tổ chức báo công với Bác Hồ tại đền thờ Bác trên đỉnh đèo De. Các nhà trường cũng tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo tại các điểm di tích.

Về Định Hóa hôm nay, cuộc sống nơi đây đã mang một diện mạo mới. Đường xá phong quang, nhà cửa trang khang. Đặc biệt, những ngôi trường cao tầng giữa “Thủ đô gió ngàn” được xây dựng ngày càng nhiều là nơi chắp cánh ước mơ cho con em đồng bào các dân tộc Định Hóa. Giáo dục nơi đây đã khởi sắc từng ngày, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của vùng quê cách mạng.n

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.