Vườn ươm doanh nghiệp
Theo PGS.TS Phạm Hồng Chương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, trường đại học là cái nôi lớn nhất cho các hoạt động khởi nghiệp. Bởi vì, trường đại học là nơi tập hợp lực lượng trẻ nhất của xã hội. Lực lượng này vào đúng vào độ chín để bắt đầu giai đoạn khởi nghiệp.
Đồng thời, trường đại học cũng là nơi cung cấp những điều kiện cần thiết cho tuổi trẻ từ kiến thức, kĩ năng cho đến môi trường khởi nghiệp.
PGS.TS Phạm Hồng Chương cho biết: Toàn bộ chương trình đào tạo của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và các hoạt động của nhà trường đều hướng tới việc vun đắp, hỗ trợ và xây dựng tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên.
Trước hết nhà trường có riêng một chương trình chuyên về khởi nghiệp. Ngoài ra, các môn học về khởi nghiệp cũng được đưa vào giảng dạy, đào tạo cho sinh viên.
Hiện nay, nhà trường luôn hướng đến gắn kết giữa đào tạo với thực tiễn. Cho nên tất cả những dự án khởi nghiệp của sinh viên đều xuất phát từ kiến thức thực tiễn mà các em thu được trong quá trình học tập, nghiên cứu, trải nghiệm.
“Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có mạng lưới cựu sinh viên rất lớn. Trong số cựu sinh viên của nhà trường, có nhiều người là những doanh nhân thành đạt, những nhà lãnh đạo, quản lý xuất sắc. Nhà trường luôn tổ chức các hoạt động gắn kết giữa cựu sinh viên và sinh viên đang học tập trong trường để có những trao đổi từ thực tiễn. Chính vì vậy, tinh thần khởi nghiệp được lan truyền từ những thế hệ đi trước đến những thế hệ sau này.
Tôi cho rằng, một trong những con đường tốt nhất và cách giáo dục tốt nhất về tinh thần khởi nghiệp là có sự kết nối giữa các thế hệ. Điều này càng phù hợp hơn với các trường đại học” - PGS.TS Phạm Hồng Chương trao đổi.
Cũng theo PGS.TS Phạm Hồng Chương, hiện Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã có Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo vì xã hội. Về dài hạn, trong chiến lược phát triển, nhà trường sẽ chú trọng đến ươm tạo doanh nghiệp và trở thành vườn ươm doanh nghiệp cho xã hội.
PGS.TS Phạm Hồng Chương mong muốn, tất cả các trường đại học đều hướng tới hoạt động này. Bởi lẽ nếu chúng ta muốn tiến nhanh hơn nữa, tiến xa hơn nữa thì tinh thần khởi nghiệp phải được thấm nhuần trong tất cả các thế hệ sinh viên và chính họ sẽ là những người thay đổi tương lai của đất nước.
Tạo nền tảng cho sinh viên khởi nghiệp
Từ thực tiễn của các quốc gia khởi nghiệp trên thế giới cũng như ý kiến phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Techfest 2018 tại Đà Nẵng cho thấy, các trường đại học có vai trò hết sức quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, trước hết trường đại học phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường, tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên. Đồng thời cung cấp những kiến thức cơ bản, xây dựng những chương trình đào tạo tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp.
Quan trọng là tạo nền tảng cho sinh viên khởi nghiệp. Theo đó, mỗi trường phải có bộ phận làm công tác hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Bộ phận đó phải giúp nhà trường tạo lập được các nhóm và đội ngũ giáo viên làm công tác tư vấn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Trong các trường đại học phải có không gian, nơi để ươm tạo, hỗ trợ các em khởi nghiệp. Từ ý tưởng của sinh viên, các trường sẽ kết nối với doanh nghiệp để hỗ trợ các em hoàn thành ý tưởng và biến ý tưởng thành hiện thực.
Ngoài ra, các trường còn cung cấp các kiến thức cần thiết để thế hệ trẻ có thể đối mặt với các vấn đề của thực tiễn một cách tích cực nhất.
Từ đó, các em có thể nhìn thấy trong các khó khăn những cơ hội mang tính thách thức, để có niềm tin và động lực giải quyết khó khăn, mang lại giá trị cho bản thân, cộng đồng và xã hội. Đó cũng là cách để sinh viên tạo lập sự nghiệp của mình.
Cùng với đó, các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng và trường trung cấp chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn thu hợp pháp của nhà trường để hỗ trợ các hoạt động, các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên trong trường.
Đồng thời xây dựng quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các nhà trường từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Mặt khác, hỗ trợ tìm kiếm nguồn kinh phí, kết nối, thu hút đầu tư từ các cá nhân, tổ chức đối với các dự án được hình thành từ các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.