Phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ sổ sách đối với giáo viên

GD&TĐ - Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu, thăm và làm việc tại Vương Quốc Anh; Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 – 2025; Bộ GD&ĐT ra chỉ thị chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ sổ sách đối với giáo viên,… là những thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Diễn đàn giáo dục thế giới và Triển lãm giáo dục toàn cầu
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Diễn đàn giáo dục thế giới và Triển lãm giáo dục toàn cầu

Chuyến thăm và làm việc tại Vương Quốc Anh của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Đoàn Bộ GD&ĐT Việt Nam do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ dẫn đầu, thăm và làm việc tại Vương Quốc Anh từ ngày 20-26/1/2019.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc hội đàm với Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục Anh, ông Nick Gibb.

Tại cuộc họp, hai bên đã thảo luận hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học như hợp tác tập huấn bồi dưỡng cho cán bộ quản lý giáo dục, tập huấn nâng cao năng lực quản trị đại học cho cán bộ quản lý giáo dục, tăng cường ứng dụng CNTT (các phần mềm chuyên dụng) trong quản trị đại học, hợp tác trong lĩnh vực đào tạo giảng viên, tăng cường liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của hai nước.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng quà lưu niệm cho Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục Anh Nick Gibb
 Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tặng quà lưu niệm cho Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục Anh Nick Gibb

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có buổi làm việc với ông Ciaran Devane, Giám đốc điều hành (CEO) của Hội đồng Anh.

Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về hợp tác giáo dục đại học với các chủ để như đối thoại chính sách, quản trị và tự chủ đại học, đảm bảo chất lượng liên kết đào tạo, liên kết trường đại học-doanh nghiệp, thúc đẩy nghiên cứu đổi mới sáng tạo và trao đổi giảng viên, sinh viên, khởi nghiệp xã hội; Giảng dạy Anh ngữ, kiểm định chất lượng đào tạo Anh ngữ và các hoạt động tương lai của Hội đồng Anh sau năm 2019.

Bộ trưởng cũng thăm và làm việc với Viện Kiểm toán, Kế toán Hoàng gia Anh, thăm bộ Thương mại Quốc tế, tham dự cuộc gặp giữa Thứ trưởng Bộ Trẻ em và Gia đình, ông Nadhim Zahawi với các Bộ trưởng giáo dục của 5 nước trong khối ASEAN gồm Việt Nam, Campuchia, Myanmar, Malaysia và Thái Lan.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đã có cuộc gặp gỡ với đại diện các lưu học sinh Việt Nam tại Anh.

Tại Diễn đàn Giáo dục thế giới được tổ chức tại London từ 20-23/1/2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có bài phát biểu ấn tượng trước hơn 550 đại biểu tham dự phiên tham luận của bộ trưởng gồm các nhà lãnh đạo giáo dục, những người quản lý và chuyên gia giáo dục trên toàn thế giới.

Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thuyết trình về mối quan hệ giữa giáo viên, gia đình, học sinh và cộng đồng để tạo nên một nền giáo dục thiết thực, hiệu quả. Nói về giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng đã đề cập ba khía cạnh: bình đẳng, mức độ đầu tư vào giáo dục và tính hiệu quả.

Tham dự và phát biểu khai mạc diễn đàn Xúc tiến Đầu tư và Hợp tác Giáo dục Việt - Anh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định phát triển giáo dục đóng vai trò là một trong ba khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, “tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ.”

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn giáo dục thế giới và Triển lãm giáo dục toàn cầu đang diễn ra tại London, Vương quốc Anh với sự tham dự của hơn 1.200 đại biểu đến từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhắc đến bình đẳng, đầu tư vào giáo dục và tính hiệu quả.

Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Vương quốc Anh, ngày 25/1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có cuộc hội đàm với bà Kirsty Williams, Bộ trưởng Giáo dục xứ Wales.

Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Giáo dục xứ Wales ký Bản ghi nhớ hợp tác.
 Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Giáo dục xứ Wales ký Bản ghi nhớ hợp tác.

Diễn đàn Giáo dục thế giới EWF 2019 đã khép lại, đoàn Việt Nam đã có những ý kiến đóng góp cho sự thành công của hội nghị. Đồng thời trong những chuyến công tác đến với các trường đại học, các tổ chức của Vương Quốc Anh đã có những biên bản ghi nhớ, thoả thuận và hợp tác được kí kết trong đó có nội dung quan trọng là Thỏa thuận Hợp tác được ký kết giữa Hội đồng Anh và Đề án ngoại ngữ quốc gia.

Về sự bình đẳng, Việt Nam đã làm rất tốt trong việc mở rộng mạng lưới nhà trường. Phổ cập giáo dục cấp 1 và cấp 2. Không có sự khác biệt về kết quả ở cấp 1 đối với các vùng miền. Các địa phương cũng đã có những chính sách ưu tiên, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em dân tộc và có hoàn cảnh đặc biệt. Thống kê cũng cho thấy giáo dục Việt Nam không có sự bất bình đẳng về giới tính. Đặc biệt là về tiếp cận và kết quả giáo dục.

Nói về đầu tư của nhà nước, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Việt Nam chi 5,8% GDP cho giáo dục, là một trong những chính phủ có sự quan tâm lớn đối với giáo dục. Nếu tính cả đóng góp của gia đình thì con số này đạt 8% GDP, cho thấy sự quan tâm đến giáo dục trong mỗi gia đình Việt Nam. Đây cũng là một trong những lý giải cho sự thành công của giáo dục. Trong những năm vừa qua, đầu tư của chính phủ Việt Nam cho giáo dục ngày càng tăng, duy trì mức chi 20% tổng chi ngân sách.

Về tính hiệu quả, Việt Nam đã có sự đầu tư rất lớn nhưng con số tuyệt đối còn thấp so với các nước. Tuy nhiên Việt Nam vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. (Tóm lược phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Diễn đàn Giáo dục thế giới)

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025

Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của hệ thống giáo dục đại học...

Trong đó, Đề án lựa chọn, xây dựng và vận hành hiệu quả một số mô hình quản trị đại học phù hợp với điều kiện của Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đổi mới công tác quản trị, giảm can thiệp hành chính từ các cơ quan nhà nước, bảo đảm tăng cường minh bạch, công khai; chuyển từ mô hình quản lý sang quản trị có hiệu quả; đổi mới và hoàn thiện hệ thống đào tạo giáo viên, các tiêu chuẩn giảng viên đại học theo chức danh và trình độ. Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên, ưu tiên đầu tư cho một số trường đại học sư phạm trọng điểm.

Hình thành một số trung tâm thực hành, thí nghiệm hiện đại dùng chung cho các cơ sở giáo dục đại học; thí điểm xây dựng một số làng đại học quốc tế thu hút các cơ sở giáo dục đại học có uy tín của nước ngoài tham gia đào tạo và nghiên cứu quốc tế.

Về điều kiện bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục, Đề án phấn đấu 100% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ. 100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín. Trên 35% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài, trong đó 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu 100% cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Về hội nhập quốc tế, Đề án phấn đấu 100% cơ sở giáo dục đại học khai thác và sử dụng các chương trình đào tạo, học liệu mở được chia sẻ trực tuyến bởi các trường đại học có uy tín trên thế giới; có ít nhất 02 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 100 trường đại học tốt nhất Châu Á, 10 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 400 trường đại học tốt nhất Châu Á, 04 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong số 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.

Đề án phấn đấu 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.
 Đề án phấn đấu 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

Nhiệm vụ trong thời gian tới của Đề án là đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị giáo dục đại học gắn với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả; tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng và đẩy mạnh kiểm định chất lượng giáo dục đại học.

Đồng thời, đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đại học; xây dựng và triển khai Hệ thống thu thập thông tin, phân tích và dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ cao; xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh phát triển giáo dục đại học.

Đề án phấn đấu 100% sinh viên tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra kể cả chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động.

Phấn đấu 100% giảng viên đại học có trình độ thạc sĩ hoặc tương đương trở lên, trong đó ít nhất 35% có trình độ tiến sĩ. 100% cơ sở giáo dục đại học (đủ điều kiện) thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, trong đó khoảng 10% được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín. Trên 35% chương trình đào tạo được kiểm định trong nước hoặc nước ngoài, trong đó 100% chương trình đào tạo giáo viên ở tất cả các trình độ được kiểm định. Đề án cũng đặt ra mục tiêu 100% cơ sở giáo dục đại học thực hiện tốt cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Nhằm quyết liệt đẩy mạnh đổi mới quản trị giáo dục đại học gắn với cơ chế quản lý và giám sát hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sẽ rà soát và dừng tuyển sinh các chương trình đào tạo chậm đổi mới hoặc không còn đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Giảm áp lực hồ sơ sổ sách đối với giáo viên

Việc Bộ GD&ĐT ra chỉ thị chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ sổ sách nhằm giải tỏa áp lực đè nặng lên giáo viên thực sự là một tin vui cho nhà giáo.

Giáo viên sẽ được phép chọn hình thức trình bày, viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định. Đó là quy định mới trong Chỉ thị số 138/CT-BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường vừa được Bộ trưởng Bộ GS&ĐT Phùng Xuân Nhạ kí ban hành.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai các biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường nhưng đến nay vẫn còn tình trạng giáo viên phải sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường, làm mất nhiều công sức, gây áp lực và ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của giáo viên,.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu giám đốc sở GD&ĐT, trưởng phòng GD&ĐT và hiệu trưởng nhà trường tuyệt đối không được quy định thêm hoặc yêu cầu giáo viên có thêm các loại hồ sơ, sổ sách ngoài quy định.

Bộ GD&ĐT sẽ xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong nhà trường- Đó là khẳng định của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Vũ Đình Chuẩn về Chỉ thị chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách trong các nhà trường được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký, ban hành.

Tiếp tục sôi nổi với các ý kiến góp ý cho Luật GD (sửa đổi)

Góp ý về quy định học phí trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Hiệp hội các trường ĐHCĐ Việt Nam đồng ý có chỉnh sửa thêm. Khi sửa cần lưu ý: Thứ nhất, Điều 97 dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) quy định trẻ em mầm non 5 tuổi ở trường công lập không phải đóng học phí. Việc quy định cứng “trẻ em 5 tuổi” có thể gây phiền hà khi có trẻ là đối tượng trên nhưng không khớp tuổi quy định.

Nhiều ý kiến xây dựng về các nội dung của luật GD tiếp tục được các phương tiện truyền thông đăng tải như một kênh đóng góp ý kiến cho Luật GD (sửa đổi).

Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế tuyển sinh 2019: Ngành sư phạm, y khoa sẽ có điểm sàn riêng
Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế tuyển sinh 2019: Ngành sư phạm, y khoa sẽ có điểm sàn riêng 

Tuyển sinh 2019: Ngành sư phạm, y khoa sẽ có điểm sàn riêng

Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế tuyển sinh 2019 mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra thì các ngành đặc thù là sư phạm, y khoa sẽ có ngưỡng điểm chuẩn riêng để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Theo dự thảo, tuyển sinh 2019, đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng quy định thêm, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Cũng theo dự thảo, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tiếp nhận và lưu bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi, tổng hợp kết quả thí sinh xác nhận nhập học, cập nhật lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và quyết định dừng xét tuyển hay tiếp tục xét tuyển bổ sung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.