Đam mê với nghề sửa kiểng
Sinh ra trong một gia đình thiếu thốn mọi mặt nên những lúc được nghỉ học, anh Ngọc Anh thường theo cha đi sửa kiểng dạo khắp nơi. Nhờ lanh lẹ, tinh ý nên anh nhanh chóng nắm bắt được cách tạo dáng, thế cho cây. Nhận thấy anh có năng khiếu và tư duy sửa kiểng tốt nên cha anh đã chỉ dạy và truyền thụ hết kinh nghiệm.
Năm 2007, sau khi học xong phổ thông, Ngọc Anh theo học nghề sửa điện tử tại Trường Cao đẳng nghề Đồng Tháp nhưng niềm đam mê với nghề sửa kiểng vẫn luôn âm ỉ trong tâm trí. Sau khi ra trường, anh quyết định chọn nghề làm đẹp cho cây kiểng, bonsai để kiếm sống.
Đến năm 2017, trong một lần xem tivi, thấy các sản phẩm kiểng bonsai thu nhỏ, vừa sống động như thật, vừa bắt mắt nên anh quyết định áp dụng kinh nghiệm sẵn có từ nghề sửa kiểng, tạo ra những bonsai thu nhỏ bằng chất liệu dây nhôm, dây kim tuyến. N
hưng sau khoảng thời gian thử nghiệm, nhận thấy tỉ lệ bám bụi cao, khó vệ sinh nên anh lên mạng tìm mua các chất liệu khác thay thế. Năm 2018, anh chuyển sang sử dụng chất liệu dây đồng được sơn tĩnh điện với đủ màu sắc bắt mắt, dễ vệ sinh, có thể rửa bằng nước một cách dễ dàng.
Sản phẩm sau khi làm ra được nhiều bạn bè ủng hộ, đặt mua làm quà tặng nên anh Ngọc Anh vô cùng phấn khởi. Nhận thấy tại TP Sa Đéc đang thiếu những sản phẩm mang nét đặc trưng để làm quà tặng khi khách đến tham quan, du lịch nên anh quyết định chọn sản phẩm bonsai từ dây đồng để khởi nghiệp.
“Tôi muốn tạo ra một sản phẩm có nét riêng khi khách đến tham quan Sa Đéc. Giống như khách tham quan khi đến TP Vũng Tàu thì có vỏ sò, vỏ ốc làm quà lưu niệm; đến Bến Tre thì có các sản phẩm từ dừa…, tôi cũng muốn tạo ra được một sản phẩm đặc trưng riêng của địa phương mình”, anh Anh cho biết.
Cây mai vàng đẹp mắt. |
Những cây tùng thu nhỏ. |
Thăng hoa từng sản phẩm
Để tạo nên một tác phẩm bonsai từ dây đồng không hề đơn giản. Công đoạn tạo hình sản phẩm phải trải qua từng bước vô cùng tỉ mỉ, đòi hỏi sự khéo tay, tư duy hình ảnh tốt và am hiểu sâu rộng về kiểng bonsai… Ngoài ra phải có ý tưởng cụ thể về những gì mình sẽ làm và định hình cây khi làm hoàn thiện ra sao.
Đầu tiên, anh tiến hành cắt dây đồng thành từng sợi có cùng kích thước để bện vào nhau thật cứng để tạo phần thân cây, không thể sử dụng dây thép hoặc các loại dây khác để tạo tác vì nếu chất liệu quá cứng sẽ làm cây mất đi dáng vẻ mềm mại tự nhiên. Sau đó, định hình phần đế thật chắc chắn.
Tiếp sau, tiến hành se dây đồng thành từng lọn nhỏ và dùng nhíp để tạo hình phần lá cho cây. Riêng, hoa sẽ được tạo hình bằng hạt cườm.
Cây kiểng bonsai thu nhỏ bằng dây đồng cũng được tạo hình theo 4 dáng cơ bản như: dáng trực, dáng xiên, dáng hoành, dáng huyền... Sau đó tiến hành phá thế ra, nhưng vẫn phải tuân thủ theo quy tắc của bonsai thật. Cây đủ chuẩn đẹp phải hội đủ yếu tố cổ, kỳ, mỹ. Mỗi cây đều được “trồng” vào một chiếc chậu nhỏ bằng gốm sứ có hình dáng phù hợp.
Để những sản phẩm bonsai bằng dây đồng sống động như thật, Ngọc Anh còn sắp đặt một số vật mang tính trang trí như: tượng, nhà, mẫu đá hoặc cho rễ cây len lỏi theo từng gốc gỗ lũa. Riêng những khách hàng muốn đặt làm những sản phẩm phong thủy và “mệnh” sẽ phải chọn tỉ mỉ từng vật liệu và màu sắc phù hợp.
Theo Ngọc Anh, một sản phẩm làm ra tùy thuộc vào kích thước, mẫu mã thường mất khoảng 4 - 5 giờ để hoàn thiện. Riêng những cây cỡ lớn hơn hoặc có thiết kế cầu kỳ có thể mất cả tuần hoặc lâu hơn.
Đến nay, anh đã làm ra khoảng 700 - 800 chậu hoa lớn nhỏ các loại bán ra thị trường, giá bán từ vài trăm đến vài triệu đồng (tùy kích thước, mẫu mã, chất liệu). Phổ biến nhất là màu đỏ vì bắt mắt, sang và đẹp hơn khi sản phẩm thành hình nên được nhiều khách hàng ưa chuộng hơn.
Bên cạnh kinh doanh tại nhà, Ngọc Anh còn bán hàng online, ký gửi sản phẩm tại các khu du lịch trên địa bàn TP Sa Đéc và một số nơi trong tỉnh.
Để tăng thu nhập, anh mở thêm dịch vụ làm các tiểu cảnh bằng hoa bonsai đến tận nhà nếu khách có nhu cầu. Hiện anh còn nhận làm mô hình hoa bonsai treo tường... Đặc biệt, anh cũng không có ý định sẽ giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ kỹ năng cho những người có cùng đam mê.