Trăn trở với nông nghiệp
Tốt nghiệp loại giỏi ngành Kinh tế nông nghiệp tại Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, anh Nguyễn Việt Hùng (sinh năm 1993) đã sớm bén duyên với nghề báo và chọn nơi dừng chân đầu tiên ở Cơ quan báo chí đối ngoại thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Với anh, may mắn cũng là thử thách khi được phân công tác nghiệp ở các địa phương, theo dõi lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Ở mỗi nơi đi qua, anh chịu khó nghiên cứu và bổ sung bản thân kiến thức về ngành chế biến sâu các sản phẩm từ nông nghiệp, cũng như kỹ năng đàm phán, thương mại.
Cuối tháng 10/2017, anh quyết định tham gia Công ty khởi nghiệp TriVie, hoàn thiện quy trình sản xuất và thương mại sản phẩm Bột trái cây Việt Nam, giữ vai trò mới là CMO - giám đốc Marketing.
Anh Hùng từng dành nhiều thời gian tìm hiểu, đối thoại với các ban ngành và đại diện cơ quan Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn ở nhiều tỉnh miền Trung và Nam Bộ, đi thực tế tại nhiều công ty thực phẩm, cơ sở sản xuất.
Anh nhận thấy trên 50% hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ là nền tảng để phục vụ cho công nghiệp chế biến. Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp vốn nhỏ lẻ lại đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra khủng hoảng thừa dẫn đến nghịch lý “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Anh Hùng dẫn ra một số “khúc mắc” kìm hãm sự phát triển chung: “Khi giá nông sản lên cao, nông dân theo nhiều cách mà phá vỡ hợp đồng đã cam kết với doanh nghiệp thu mua. Khi giá nông sản xuống thấp, nông dân trở lại tìm kiếm doanh nghiệp để bán tháo, dẫn đến tình trạng dư thừa trong khi khả năng thu mua của cơ sở có hạn, giá thấp lại càng thấp hơn. Nhà nước vẫn chưa dự phòng nhiều phương án để giải quyết triệt để “thất bại thị trường” này.
Bên cạnh đó, rào cản thứ hai là sản xuất theo phong trào. Ví dụ như nông dân tỉnh này thấy nông dân tỉnh khác trồng một loại cây nào đó được mùa thì sẽ trồng theo mà bất chấp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu có nhiều khác biệt”.
Hướng đi tiềm năng
Hiện tại, các nhà sản xuất công nghiệp trên thế giới rất ưa chuộng trái cây nhiệt đới trong khi Việt Nam có lợi thế là trồng được nhiều loại trái cây.
Nhu cầu sử dụng trái cây nguyên liệu làm bánh, nhân kem đang tăng mạnh mà nhà sản xuất chưa tìm được nguồn trong nước để thay thế hương liệu tổng hợp ngoại nhập.
Nguồn nguyên liệu chất lượng vẫn đang được nhập khẩu đều đặn từ nước ngoài. Từ thực tế đó, anh Hùng cùng công ty khởi nghiệp lên ý tưởng xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng bột trái cây nhằm giải quyết một phần vướng mắc của nền sản xuất nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu của thị trường về mặt hàng này.
Bột trái cây là phương pháp chiết xuất trái cây tươi thành nguyên liệu bột hòa tan với độ ẩm đạt đến mức tối thiểu, triệt tiêu được vi sinh vật, cho thời gian bảo quản tự nhiên lên đến 3 năm.
Về cơ bản, các loại trái cây đều có thể chế biến thành dạng bột. Đầu tiên, họ tìm đến những vùng nguyên liệu trái cây cam kết bảo đảm tiêu chuẩn VietGap trở lên và ký hợp đồng thu mua những sản phẩm trái cây đạt chất lượng mà không đủ tiêu chuẩn hình thức để xuất khẩu.
Đơn cử như sầu riêng Đắk Lắk vỏ xù xì hơn sầu riêng miền Tây nhưng béo, nhiều cơm, hạt lép. “Khác với hình thức sản xuất của các cá thể kinh doanh từng làm là phơi nắng và sấy cho rồi nghiền (đối với khoai, gấc…), chúng tôi áp dụng công nghệ cao để sản xuất bột. Công nghệ này từng áp dụng để chiết xuất nước hầm xương, rau củ hầm thành dạng cô đặc và dạng bột.
Phương pháp truyền thống thường làm hao hụt vitamin, làm khô chứ không giảm độ ẩm nên tuổi thọ của bột chỉ từ 3 - 6 tháng, nếu không qua xử lý sẽ rất khó để phối hợp với các loại bột khác trong công nghiệp chế biến”, anh Hùng lý giải.
“Mục tiêu trọng tâm của chúng tôi là đa dạng hóa các sản phẩm, cho ra thị trường hàng chục loại bột trái cây khác nhau. Không chỉ sản xuất phục vụ công nghiệp mà còn đóng gói cho tiêu dùng cá nhân. Hiện tại, Việt Nam có nhiều nhà máy sản xuất trái cây thành si rô, nước cốt nhưng chưa có nơi nào đầu tư công nghệ làm nguyên liệu bột.
Bột trái cây lên kệ siêu thị. |
Bột nguyên chất trái cây thường có giá bán cao hơn, từ 25.000 - 30.000/gói, trong khi sản phẩm tương tự chỉ có giá 5.000 đồng/gói nhưng thành phần hương liệu pha trộn chiếm đa số”, anh Hùng nói thêm.
Sau một thời gian phát triển và thuyết phục thị trường bằng sự khác biệt, Công ty TriVie đã tìm được đối tác là các hệ thống cung cấp nguyên liệu làm bánh (sầu riêng, bơ, xoài…), các nhà máy sản xuất bánh kẹo với nhu cầu hàng tạ bột/1 tháng, các siêu thị cao cấp tại các chung cư.
Theo anh Hùng, tính thuyết phục của sản phẩm bột trái cây đối với hệ thống bán kem tươi là nguồn nguyên liệu sạch, không hóa chất.
Tuy nhiên, hướng phát triển của TriVie vẫn là theo đuổi phân khúc trung cao cấp, tập trung vào nhu cầu và tiêu chuẩn, còn phân khúc trung cấp trở xuống rất khó cạnh tranh về giá nên nhóm vẫn ưu tiên lựa chọn lợi thế so sánh.