Khởi nghiệp thành công từ trường nghề

GD&TĐ - Một công ty khởi nghiệp dù còn non trẻ và ở quy mô nhỏ, nhưng sự nỗ lực vươn lên của những người sáng lập là điều đáng được ghi nhận. Đáng chú ý, những doanh nhân trẻ này đều bắt đầu lập nghiệp từ học nghề.

Giám đốc Phan Trung Nghĩa, doanh nhân khởi nghiệp từ học nghề
Giám đốc Phan Trung Nghĩa, doanh nhân khởi nghiệp từ học nghề

Ưu thế và sự khác biệt

Kể về quá trình khởi nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Phan Anh Phan Trung Nghĩa cho biết: Công ty được thành lập năm 2016, ban đầu một trong những khó khăn thường gặp là vấn đề nhân lực. Vì vậy, chính những người sáng lập và các kỹ thuật viên cùng bắt tay vào làm việc. Giải pháp này không chỉ góp phần giải quyết bài toán nhân lực mà còn tạo ra những sản phẩm có chất lượng và ưu thế khác biệt, khi được đúc kết từ kinh nghiệm của nhiều năm làm việc trong môi trường kỹ thuật.

Mảng kinh doanh chủ lực của công ty là lắp đặt tủ, bảng điện cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp, các tòa nhà và làm các giải pháp tự động hóa cho doanh nghiệp. Trong lĩnh vực này, công ty đã mạnh dạn đưa công nghệ mới, áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào thi công để tối ưu hóa sản phẩm. Với những kiến thức được học và thực tế làm việc, công ty đã thiết kế, trực tiếp lắp đặt những thiết bị đào tạo mới để giúp cho học sinh có thể nhanh chóng nắm được nguyên lý hoạt động của các thiết bị điện, từ đó giải quyết những vấn đề liên quan đến lắp đặt, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng…

Sau thời gian làm việc, công ty dần nhận được sự tin tưởng của khách hàng, đối tác cũng như sự ủng hộ từ nhà cung cấp. Công việc được duy trì và có tiềm năng phát triển, công ty đang thực hiện một số hợp đồng cung cấp thiết bị và lắp đặt điện. Do sớm tiếp cận công nghệ mới nên các giải pháp của công ty đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng, tăng khả năng thắng thầu.

Đến nay công ty đã thu được những thành công ban đầu, bảo đảm được thu nhập và được chủ động trong công việc đúng với sở thích, đam mê. Định hướng công ty sẽ duy trì sản xuất thiết bị điện công nghiệp, thiết bị đào tạo, đưa công nghệ mới vào sản xuất, lắp đặt hệ thống điện tòa nhà thông minh…

Đỗ Trọng Hùng giới thiệu về sản phẩm của công ty
  • Đỗ Trọng Hùng giới thiệu về sản phẩm của công ty

Phát huy phẩm chất nghề nghiệp

Là người đồng sáng lập công ty, Phó Giám đốc Đỗ Trọng Hùng tốt nghiệp trung cấp Điện từ năm 2003. Anh xin vào làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh thiết bị điện, chuyên tiếp nhận và tư vấn kỹ thuật, lắp đặt điện cho khách hàng. Tại đây, Hùng đã gặp và quen Nghĩa cũng mới tốt nghiệp một trường trung cấp nghề ở Phú Thọ đến làm việc. Sau đó, Hùng tiếp tục làm việc ở một vài doanh nghiệp lớn hơn, kinh qua các vị trí quản lý thi công lắp đặt hệ thống điện, trưởng phòng kỹ thuật… Đến năm 2016, “bộ đôi” này đã tự đứng ra khởi nghiệp với ngành điện.

Khi mới ra trường chưa đặt mục tiêu kinh tế, mà vì đam mê kỹ thuật, làm thiết kế kỹ thuật điện công nghiệp, lắp đặt thiết bị điện, tự động hóa… Công việc rất đa dạng, mới mẻ nên ngoài những vấn đề kỹ thuật cơ bản, còn phải tự nghiên cứu những giải pháp mới để giải quyết những vấn đề phát sinh từ thực tế thi công. “Những kiến thức, kỹ năng được học đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong công việc, bởi vì qua trường nghề học sinh được đào tạo sâu về kỹ năng thực hành chuyên ngành gắn liền với thực tế. Đây là một thế mạnh của cá nhân được doanh nghiệp đánh giá cao khi tuyển dụng, và cũng là cơ sở vững chắc để có thể khởi nghiệp thành công” - Hùng chia sẻ.

Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết: Đỗ Trọng Hùng là cựu học sinh của trường. Học nghề sớm đã giúp Hùng tiếp cận với thị trường lao động một cách hiệu quả và nhanh chóng tiến tới khởi nghiệp thành công. Đến nay anh đã trở thành một đối tác tin cậy của nhà trường. Cùng với Phan Trung Nghĩa, các anh được xem là tấm gương mới trong việc lựa chọn con đường học nghề - lập nghiệp. 

Nói về cơ duyên với nghề, Hùng cho biết: Sau khi tốt nghiệp THPT, nhận thấy khả năng của mình nếu học đại học sẽ rất khó khăn, trong khi bản thân lại yêu thích nghề Điện nên quyết định chọn học nghề… Cho đến nay, sự lựa chọn này là đúng, bởi thời điểm đó chỉ học 2 năm trình độ trung cấp là đi làm, việc làm đúng với nghề đã học, những kỹ năng, kiến thức được đưa vào việc làm hàng ngày, trên cơ sở đó tích lũy được thêm nhiều kinh nghiệm quý báu để phát triển tương lai với nghề.

Chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp thành công, Hùng cho rằng: Phải có sự đam mê, thì mới có thể dồn hết tâm sức vào học tập, sáng tạo trong công việc. Môi trường học nghề sẽ mang trang bị cho người lao động những kỹ năng cơ bản, còn môi trường làm việc sẽ là nơi ứng dụng và phát huy những phẩm chất nghề nghiệp. Đi lên từ người thợ, doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều cơ hội thành công, bởi họ đã nắm bắt vững chắc mọi “ngóc, ngách” của nghề, từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu cho khách hàng, mang lợi nhuận về cho doanh nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ