Khởi nghiệp ngay trên giảng đường

GD&TĐ - Việt Nam đang trở thành một “quốc gia khởi nghiệp” với những con số ấn tượng về cả số lượng và mật độ khởi nghiệp (start-up), trong đó con số sinh viên khởi nghiệp không hề nhỏ.

Khởi nghiệp ngay trên giảng đường

“Bán” những thứ được học

Khi còn trên giảng đường, nhiều bạn trẻ đã chọn những mô hình bán hàng online hoặc take away để giải quyết vấn đề tài chính cho bản thân và gia đình. Như trường hợp của Phạm Hoàng Thu Uyên, sinh viên năm 3 Trường ĐH FPT cực thích kinh doanh. Cô gái sinh năm 1997 này lựa chọn bán mỹ phẩm online và khá thành công khi doanh thu mang lại đủ cho Uyên tự trang trải cuộc sống của mình.

Điều ấn tượng là nhiều sinh viên còn biến những thứ mình học thành mặt hàng để “bán”. Mọi thứ xung quanh đều được họ đưa ra phân tích đánh giá, và đều nhận thấy có khả năng “kiếm được tiền” như câu chuyện của cựu sinh viên ĐH FPT Trần Trung Hiếu (Founder & CEO Công ty cổ phần TopCV Việt Nam).

Khi nhận thấy có quá nhiều sinh viên không biết cách làm CV khoa học, thiếu kinh nghiệm tiếp xúc với các nhà tuyển dụng, chàng sinh viên công nghệ ĐH FPT đã cùng các bạn trong lớp lên ý tưởng từ chính khoảng thiếu hụt này. Khi lên kế hoạch xây dựng phần mềm cũng là lúc phải làm đồ án tốt nghiệp, Trung Hiếu đã tận dụng cơ hội, biến đồ án tốt nghiệp thành dự án khởi nghiệp. TopCV ra đời!

TopCV Việt Nam với sản phẩm là nền tảng hỗ trợ tạo CV online một cách đơn giản và nhanh chóng nhất. Ứng dụng kết nối với nhà tuyển dụng để gián tiếp trao cho ứng viên cơ hội nghề nghiệp. Hàng ngày, TopCV có hơn 10.000 CV được cập nhật. Trung nhận định khi bước vào thời kỳ 4.0, những người học CNTT càng có nhiều thứ để bán!

Được nhiều hơn… mất

Nhiều sinh viên chia sẻ: Khởi nghiệp lúc còn là sinh viên, bạn không những chẳng lo thất bại, mà còn được rất nhiều! Khởi nghiệp khi còn là sinh viên đôi khi không phải để kiếm càng nhiều tiền càng tốt, mà có thể chỉ vì những kinh nghiệm sẽ nhận được trong quãng thời gian này như câu chuyện của Đỗ Tiến Hưng.

Trước khi trở thành CEO Công ty GVN Technology, Đỗ Tiến Hưng thất bại nhiều lần, có lúc nợ lên tới 200 triệu, nhưng với cậu tất cả vẫn là “chiến tích”.

Hưng thành thật chia sẻ: “Mình từng mang đồ án lúc bảo vệ tốt nghiệp xây dựng website sổ liên lạc điện tử. Để bán được sản phẩm, mình đã phải gõ cửa từng trường học mời chào, tiếp thị về những lợi ích của một cuốn sổ liên lạc điện tử. Tuy nhiên, chỉ nhận được những cái lắc đầu, duy nhất có một trường mẫu giáo tư thục nhận mua vì... bị làm phiền quá nhiều!

Còn nhiều lần vấp ngã trên hành trình khởi nghiệp. Sau mỗi lần lại rút ra được một bài học xương máu. Cho đến giờ khi Facebook nhắc kỷ niệm ngày này năm xưa, nhìn thấy những hình ảnh của mình ở những cột mốc thất bại, mình lại có cảm giác vui hơn là buồn vì nhờ có những trải nghiệm đó mình mới có được các thành quả như ngày hôm nay”.

Đừng để ra trường rồi tiếc rẻ!

Khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường không phải lựa chọn của số đông, không phải là con đường tới thành công của tất cả mọi người, nhưng trường học chính là mảnh đất đầy màu mỡ để… khởi nghiệp và mang tới cho bạn nhiều bất ngờ thú vị. Đừng để tuổi trẻ qua đi trong nuối tiếc, trong những hoạt động gói gọn ăn –học – game - ngủ…

“Nếu được quay trở lại thời sinh viên, mình sẽ kết hợp với một số bạn học thiết kế để tự thiết kế và bán thiệp online, vừa thỏa mãn sở thích sưu tầm thiệp vừa tích thêm được nhiều kinh nghiệm hơn, và quan trọng biết đâu đấy mình lại thành công và trở thành bà chủ nhỏ, tuổi trẻ sẽ có nhiều chuyện để nói hơn so với việc tập trung chỉ biết học với học” - Trần Thị Thu Hiền (Trưởng nhóm tư vấn, bộ phận Tư vấn quốc tế, Tập đoàn KPMG) ao ước.

Còn Đinh Cường (cựu sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội), ra trường gần 10 năm lăn lộn “làm thuê” cho các công ty lớn nhỏ, đến tuổi 33 mới quyết tâm start-up với công ty về công nghệ chuyên thiết kế website, cung cấp platform OTT và các ứng dụng trên nền tảng di động…

Anh tâm sự: “Ở tuổi mình khởi nghiệp không còn là sớm nữa. Nhiều bạn sinh viên khởi nghiệp dù dự án nhỏ thôi cũng đã mang lại dấu ấn cá nhân, những kinh nghiệm thực tế, những mối quan hệ. Còn giờ mình vừa đi, vừa lần đường, và phải cực kì thận trọng, không thể giống các bạn sinh viên quá táo bạo, liều lĩnh. Nếu được, chắc thời sinh viên mình cũng thử một lần start-up xem sao”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ