Khởi nghĩa Nam Kỳ: Dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam

Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TPHCM phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng dành độc lập của dân tộc Việt Nam”.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên (giữa) trò chuyện các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Minh Quân
Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên (giữa) trò chuyện các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Minh Quân

Kỷ niệm 80 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2020), ngày 22/11, Ban Tuyên giáo Trung ương, Thành ủy TPHCM phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức buổi hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng dành độc lập của dân tộc Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng,khẳng định, cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã để lại dấu ấn không thể phai mờ của miền Nam - thành đồng Tổ quốc. Đây là một trong những cơ sở để Đảng đưa ra những quyết sách đúng đắn, dẫn dắt nhân dân đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (1945), đại thắng mùa xuân năm 1975 và thống nhất đất nước.

“Dù Khởi nghĩa Nam Kỳ chưa thành công nhưng tinh thần đấu tranh và ý chí kiên cường, đấu tranh bất khuất, dám chấp nhận hy sinh giữa những người cộng sản và nhân dân miền Nam vẫn mãi mãi trường tồn với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam” – ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam”. Ảnh: Minh Quân
Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Nam Kỳ - Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam”. Ảnh: Minh Quân

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng - Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương khẳng định, từ cuối thế kỷ 19 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, có thể nói chưa từng có cuộc khởi nghĩa nào có thời gian chuẩn bị kỹ, có lực lượng đông đảo và toàn diện tham gia như Khởi nghĩa Nam Kỳ.

Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra đã làm rung chuyển chính quyền cai trị của thực dân Pháp và tay sai ở Nam Bộ, trở thành tiếng súng báo hiệu cho thắng lợi tất yếu của cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc.

Tuy Khởi nghĩa Nam Kỳ chưa đi đến thắng lợi cuối cùng và bị thực dân Pháp đàn áp, nhiều chiến sĩ, đồng bào ngã xuống oanh liệt nhưng phong trào cách mạng tại Nam Bộ không bị thoái trào.

“Sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, Nam Bộ trở thành nơi mở đầu cuộc kháng chiến khi thực dân Pháp quay lại xâm lược năm 1945. Nam Bộ cũng tiến hành đồng khởi cuối năm 1959 đầu năm 1960, chuyển cách mạng từ thế giữ gìn lực lượng sang tiến công. Với tinh thần, bài học xương máu từ Khởi nghĩa Nam Kỳ, toàn quân, dân Nam Bộ đã tiến tới thắng lợi, đặc biệt là cuộc tổng tiến công làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975” – ông Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ.

Tại Hội thảo, gần 70 tham luận khoa học đã tập trung làm rõ bối cảnh lịch sử, chủ trương và sự chuẩn bị cuộc khởi nghĩa của Xứ ủy và các Đảng bộ ở Nam Kỳ; làm rõ quy mô, tính chất và thành quả của cuộc khởi nghĩa; đồng thời, khẳng định truyền thống bất khuất, kiên cường của nhân dân Nam Kỳ và dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

Theo laodong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ