Khoảng trống trong hệ sinh thái khởi nghiệp

GD&TĐ - Giữ vai trò quan trọng nhưng cho đến nay, số lượng trường đại học thành lập được các trung tâm ĐMST và khởi nghiệp còn khiêm tốn...

Một dự án của sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM lọt vào tốp 20 dự án xuất sắc của Chương trình Phát triển Dự án Khởi nghiệp quốc gia năm 2024. Ảnh: HUIT
Một dự án của sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM lọt vào tốp 20 dự án xuất sắc của Chương trình Phát triển Dự án Khởi nghiệp quốc gia năm 2024. Ảnh: HUIT

Các trung tâm đổi mới sáng tạo (ĐMST) và khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp… trong trường đại học đóng vai trò quan trọng để nhà trường có thể trở thành một trụ cột trong hệ thống ĐMST quốc gia.

Không chỉ nuôi dưỡng văn hóa ĐMST, tinh thần khởi nghiệp, các trung tâm/doanh nghiệp còn tạo ra môi trường để ý tưởng của sinh viên, giảng viên có thể phát triển và trở thành các giải pháp cụ thể có giá trị thực tiễn. Đây còn là nơi thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp bên ngoài, các trường đại học khác và thu hút nhân tài…

Giữ vai trò quan trọng nhưng cho đến nay, số lượng trường đại học thành lập được các trung tâm ĐMST và khởi nghiệp còn khiêm tốn. Theo đại diện Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), hiện chỉ có 50 cơ sở giáo dục đại học (chiếm 25% số cơ sở giáo dục đại học) thành lập được các trung tâm hoặc bộ phận hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.

Nhiều trường chưa xây dựng trung tâm khởi nghiệp riêng mà chỉ có Phòng Quản lý khoa học hoặc Phòng Khoa học công nghệ. Nghiên cứu của tác giả Đoàn Thị Vân, Khoa Kinh tế - Quản trị (Trường Đại học Văn Hiến) cũng cho thấy giai đoạn 2016 - 2022 ở Việt Nam, chưa tới 10% doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST được thành lập từ các trường đại học.

Nhằm tăng cường tham gia vào hệ sinh thái ĐMST quốc gia với tư cách một chủ thể quan trọng, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã chủ trương tập trung thúc đẩy nhanh những thành phần cơ bản còn trống trong hệ sinh thái như: Trung tâm khởi nghiệp và ĐMST, doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN), vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp KHCN… Tuy vậy, quá trình này triển khai không hề dễ dàng khi các trường gặp nhiều khó khăn về nguồn lực đầu tư và rào cản về pháp lý.

Để thành lập các trung tâm khởi nghiệp và ĐMST, doanh nghiệp KHCN… đòi hỏi các trường đại học phải có tiềm lực tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất, không phải đơn vị nào cũng đủ lực để lo các nội dung này. Thực tế cho thấy các trường thành lập và vận hành tốt trung tâm khởi nghiệp và ĐMST, chăm lo được cho vườn ươm công nghệ… trong thời gian qua là những trường có tiềm lực tốt về tài chính hoặc nhận đầu tư lớn từ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thủ tục để các vườn ươm hay không gian làm việc chung… được công nhận bởi chính quyền hiện còn nhiều vướng mắc. Các văn bản pháp luật cụ thể điều chỉnh vấn đề liên quan trực tiếp đến mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp trong đại học còn thiếu, chỉ có quy định chung, dẫn đến khó khăn cho các trường trong việc thành lập, quản lý và chuyển giao nguồn lực.

Chẳng hạn như chưa có quy định về hỗ trợ cho các tổ chức khởi nghiệp ĐMST, khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào doanh nghiệp KHCN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp, đặc biệt việc chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm KHCN. Một số trường thành lập được trung tâm khởi nghiệp theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì bài toán cân đối tài chính rất căng thẳng.

Thực tế bất cập, khó khăn trong thành lập và hoạt động của các trung tâm khởi nghiệp và ĐMST, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong trường đại học thời gian qua đòi hỏi cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý và có chính sách đặc biệt để hỗ trợ nhóm đơn vị này.

Song song với dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) đang được xúc tiến, hy vọng tới đây, Chính phủ tiếp tục ban hành một đề án kế thừa Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” phù hợp với giai đoạn mới, trong đó đặc biệt quan tâm đến các trung tâm khởi nghiệp và ĐMST, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nhà trường.

Pháp luật hoàn thiện, cùng các chương trình hỗ trợ tài chính, đào tạo, tư vấn sẽ giúp trường đại học và các trung tâm, doanh nghiệp khởi nghiệp trực thuộc vượt qua những khó khăn ban đầu, có điều kiện phát triển bền vững, góp phần đẩy mạnh quốc gia khởi nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

EU trên đường 'cai' khí đốt Nga

GD&TĐ - Kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hơn 3 năm trước, khối EU đã thực hiện lộ trình 'cai dần' nguồn khí đốt Nga.

Bệnh nhi được chẩn đoán ung thư tuyến giáp, chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp, nạo vét hạch cổ hai bên. Ảnh: BVCC

Trẻ 12 tuổi mắc ung thư tuyến giáp

GD&TĐ - Các bác sĩ Khoa Ung bướu 2, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phẫu thuật thành công cho trẻ 12 tuổi mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ.