Những kết quả tích cực
Sáng 20/12, trong phiên trình bày tham luận tại hội thảo "Thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên: Thực trạng và giải pháp chính sách" diễn ra tại TPHCM, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân An Việt nêu thực trạng và giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên.
Nhận thức được tầm quan trọng của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665).
Đồng thời, để có cơ sở pháp lý hình thành, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học với chủ thể hỗ trợ là sinh viên, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022, trong đó có định hướng các cơ sở giáo dục đại học tập trung xây dựng các thành tố chính của hệ sinh thái khởi nghiệp.
Theo ông Nguyễn Xuân An Việt, thời gian qua, các trường đại học có nhiều giải pháp triển khai các hoạt động khởi nghiệp, từ truyền thông đến công tác hỗ trợ đào tạo, tạo môi trường thực hành, thực tập, gắn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp.
Các yếu tố đổi mới sáng tạo, cải tạo xã hội đã được gắn với các hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên, sinh viên các cơ sở giáo dục đại học.
Về môi trường hỗ trợ khởi nghiệp, 110 cơ sở giáo dục đại học bố trí được các không gian chung hỗ trợ khởi nghiệp dành cho học sinh, sinh viên. Hầu hết các trường đại học đều có các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế.
Khoảng 60% cơ sở giáo dục đại học thành lập được câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của từng cơ sở giáo dục đại học.
Có 50 cơ sở giáo dục đại học (chiếm 25% số cơ sở giáo dục đại học) thành lập được các trung tâm hoặc bộ phận hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, trong đó có 10 trung tâm thực hiện việc ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên.
Số lượng dự án và doanh thu từ các hoạt động khởi nghiệp của giảng viên, sinh viên cũng có những tín hiệu tích cực qua các năm.
Trong giai đoạn 2020 - 2023, số lượng các dự án khởi nghiệp của sinh viên là 33.808, tính trung bình mỗi năm có 5.635 dự án. Số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn, khởi nghiệp do cơ sở giáo dục đại học ươm tạo từ năm 2020 đến nay xấp xỉ 300.
Ông Nguyễn Xuân An Việt cũng nêu những tồn tại, hạn chế trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên.
Trong đó, những tồn tại này chủ yếu ở cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn lực, nguồn vốn, việc tiếp cận thị trường và kinh nghiệm thực tế.
Với chủ đề "Xây dựng trường đại học đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp: Thực tiễn và định hướng", PGS.TS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học hiện đại phải đảm bảo vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Tác giả tham luận nêu quan điểm, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục không chỉ là một xu hướng mà còn là yêu cầu tất yếu đối với các cơ sở giáo dục đại học muốn duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.
Các quốc gia có hệ thống giáo dục khuyến khích sự đổi mới và khởi nghiệp thường đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết các vấn đề phức tạp của thế giới hiện đại.
Trong những tham luận khác đến từ đại diện các trường đại học, đại biểu đã chia sẻ những mô hình khởi nghiệp tại đơn vị, từ đó cho thấy bức tranh thực trạng triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của sinh viên trong các cơ sở đào tạo thời gian qua.
Tiêu biểu như mô hình vườn ươm khởi nghiệp của Trường Đại học Phenikaa; mô hình giảng dạy đổi mới sáng tạo gắn liền với hệ sinh thái khởi nghiệp của Trường Đại học Công nghệ TPHCM hay việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với thế mạnh nông - lâm -ngư nghiệp của Trường Đại học Nông Lâm TPHCM.
Những mô hình này cho thấy, nhiều trường đại học đã quan tâm, triển khai có hiệu quả và sinh viên ngày nay thực sự là những người tiên phong, đi đầu trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
Ngoài 25 tham luận trình bày được chọn trong kỷ yếu và 5 tham luận được trình bày trực tiếp, hội thảo nhận được 8 ý kiến thảo luận từ đại diện các trường đại học.
Hình thành, lan tỏa hệ sinh thái khởi nghiệp
Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi nêu một số quan điểm về việc thúc đẩy động lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng, cơ sở giáo dục đại học không chỉ là truyền đạt kiến thức, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mà đó phải là nơi khơi dậy được tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho các em.
Với sinh viên, muốn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, họ phải có tinh thần học tập suốt đời, hình thành được kỹ năng, thói quen tốt. Từ đó, sinh viên có được nền tảng tri thức cho chính mình, cũng chính là “tài sản” lớn nhất trong 4 năm đại học của mình.
Trong việc thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đánh giá cao vai trò của người thầy. Người thầy chính là người truyền cảm hứng, khơi dậy khát vọng, dẫn đường cho học trò, giúp các em không bị "lạc lối".
Cuối cùng, để các cơ sở đào tạo có những bước phát triển đột phá trong các hoạt động đổi mới sáng tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, cần xây dựng và lan tỏa hệ sinh thái khởi nghiệp: trung tâm, vườn ươm, những mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp…
Nhấn mạnh tinh thần, khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhắn nhủ: “Khởi nghiệp trong sinh viên 90% là thất bại, chỉ có 10% là thành công. Và tôi nghĩ 10% đó đã là một thành công lớn rồi. Phải xem những thất bại là những bài học quý giá để sau đó chúng ta tạo ra những dự án, kết quả có giá trị và bền vững hơn”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT thông tin, trong năm tới, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức hội nghị tổng kết Đề án 1665.
Thời gian qua, đề án đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các nhà trường. Đề án cũng tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ các em hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
"Kết quả hội thảo hôm nay là nguồn dữ liệu quan trọng từ góc nhìn của nhà khoa học, để các nhà quản lý tham mưu cho Chính phủ ban hành một đề án kế thừa Đề án 1665 trong một giai đoạn mới, kỷ nguyên mới", Thứ trưởng cho biết.