Gertrude Elion: Nhà khoa học nữ làm thay đổi thế giới

GD&TĐ - Cách đây 50 năm, rất ít nhà khoa học tin rằng có một loại thuốc với khả năng chống lại virus mà ít có tác dụng phụ. Nhưng nhà khoa học nữ Gertrude Elion đã chứng minh cho mọi người thấy rằng điều này là có thể.

Vượt qua định kiến

Nhà khoa học nữ Gertrude Elion (1918 - 1999).
Nhà khoa học nữ Gertrude Elion (1918 - 1999).

Vào tháng 4/2020, khi những thông tin cho rằng thuốc Remdesivir đã được chứng minh có khả năng giúp tăng tốc độ hồi phục ở những bệnh nhân mắc Covid-19, Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, đã ca ngợi phát hiện này là “một bằng chứng quan trọng về khái niệm” trong cuộc chiến chống đại dịch.

Không giống như vắc-xin, khiến cơ thể tăng cường khả năng bảo vệ chống lại virus xâm nhập, Remdesivir là một loại thuốc kháng virus, ngăn cản khả năng tái tạo và lây lan của chúng.

Tuy nhiên, chỉ cách đây vài thập niên, hầu hết các nhà khoa học còn nghi ngờ về một hạt ký sinh nhỏ bé hoàn toàn dựa vào tế bào chủ để sinh sản lại có thể bị ức chế mà không gây hại cho chính tế bào đó. Nhưng hiện nay, đã có thuốc kháng virus trong điều trị mụn rộp, viêm gan, HIV, Ebola...

Và có thể nói, nhân loại sẽ thiệt hại nhiều nếu không có Gertrude “Trudy” Elion.

Elion tốt nghiệp Cử nhân Hóa học tại Trường ĐH Hunter năm 1937 khi mới 19 tuổi. Cha mẹ bà, những người nhập cư từ Đông Âu, bị phá sản bởi cuộc Đại suy thoái, không đủ khả năng lo cho việc học sau đại học của con gái. Tệ hơn nữa, dù bà có học giỏi đến đâu, các phòng thí nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu cũng không thuê phụ nữ làm việc. 

Tuy nhiên, Elion vẫn không nản lòng. Bà nhận công việc phân tích thực phẩm cho một chuỗi cửa hàng tạp hóa, trả lời điện thoại tại văn phòng bác sĩ và dạy hóa học ở các trường trung học, trong khi theo đuổi bằng thạc sĩ tại Đại học New York vào các buổi tối và cuối tuần. Cuối cùng, nhờ tình trạng thiếu lao động do Thế chiến thứ Hai, cơ hội làm việc bắt đầu đến với bà, đầu tiên tại Johnson & Johnson và sau đó là Burroughs Wellcome.

Ngay sau khi thuê Elion làm việc ở phòng thí nghiệm, George Hitchings đã giao cho bà nghiên cứu chất purine. Elion chưa hề biết purine là gì, nhưng sau nhiều tháng nghiền ngẫm tài liệu, bà bắt đầu tạo ra các hợp chất “chưa từng được mô tả trước đây” và “cảm thấy sự phấn khích của nhà phát minh tạo ra một thành phần mới của vật chất”.

Elion và Hitchings đi tiên phong và thành công trong việc thiết kế, sử dụng thuốc hợp lý. Trong khoảng thời gian 20 năm, họ đã phát minh các loại thuốc mới cho một số bệnh nghiêm trọng như: Bạch cầu, sốt rét, gout, viêm khớp dạng thấp, đào thải nội tạng, nhiễm vi khuẩn…

Những thành tựu quan trọng

Sinh năm 1918 tại Manhattan, New York, Mỹ, Elion đã sớm vượt qua khó khăn tài chính và nạn phân biệt giới tính để giành giải Nobel Sinh lý học hoặc Y học năm 1988, trở thành người phụ nữ thứ 5 có thành tựu này.
Bà đã chia sẻ giải thưởng với người cộng tác lâu năm của mình là George Hitchings, nhà khoa học đã thuê bà vào năm 1944 vào làm việc ở phòng thí nghiệm hóa sinh của ông tại Công ty dược phẩm Burroughs Wellcome (nay là một phần của GlaxoSmithKline).

Loại thuốc đầu tiên của họ, 6-mercaptopurine (6-MP), ra đời năm 1951, thông qua sự hợp tác với các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Memorial Sloan-Kettering ở New York.

Vẫn là phương pháp chính trong liệu pháp kết hợp cho trẻ em bị bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tính (ALL), 6-MP có thể trở thành một trong những thành công lớn trong điều trị ung thư, giúp tăng tỷ lệ chữa khỏi ALL ở trẻ em từ 10% trong những năm 1950 lên hơn 80% ngày nay.

Vài năm sau, Elion và Hitchings đã phát triển chất chống sốt rét pyrimethamine, hiện được sử dụng chủ yếu để điều trị một bệnh do thực phẩm có thể gây tử vong, được gọi là bệnh toxoplasma.

Và với sự phát triển của trimethoprim - vẫn thường được kê đơn như một phần trong điều trị kết hợp cho nhiễm trùng đường tiết niệu, đã bổ sung vào “kho vũ khí” ngày càng tăng các loại thuốc được sản xuất trong “thời kỳ vàng”của khám phá kháng sinh.

Tuy nhiên, công việc tìm kiếm các loại thuốc điều trị virus lại bị tụt hậu khá xa. Những loại thuốc kháng virus đầu tiên được phê duyệt đã không có mặt trên thị trường, cho đến đầu những năm 1960, nhưng tất cả đều không như mong đợi.

Với độc tính cao và hiệu quả thấp, chúng chỉ đơn thuần khẳng định điều mà hầu hết các nhà khoa học từ lâu đã tin tưởng: Bởi virus và tế bào gắn bó chặt chẽ với nhau nên các bệnh do virus thường là không thể điều trị.

Ở một thời điểm nào đó, Elion đồng ý với điều này. Vào năm 1948, bà nhận thấy một hợp chất mà bà đã tổng hợp để điều trị ung thư - 2,6- diaminopurine, có hoạt tính kháng virus rất ấn tượng. Tuy nhiên, do độc tính của loại thuốc này nên cuối cùng bà gác lại để tập trung vào công việc khác.

Năm 1968, sau khi Hitchings rời phòng thí nghiệm để trở thành phó chủ tịch nghiên cứu của công ty, Elion tình cờ thấy một báo cáo về một thứ tương tự như 2,6-diaminopurine, gần đây cho thấy có hoạt tính kháng virus. Sau này, bà nói rằng phát hiện trên đã “gióng lên một hồi chuông”, khiến bà và các cộng sự lục lại công trình đã gác lại hai thập niên trước.

Trong bốn năm sau đó, họ bí mật nghiên cứu một hợp chất mới đáng chú ý, gọi là acyclovir và làm sáng tỏ những bí ẩn về hoạt động cùng sự trao đổi chất của nó. 

Được trình bày vào năm 1978 tại một hội nghị ở Atlanta, Georgia, acyclovir không giống bất cứ thứ gì mà thế giới từng thấy. Là chất ức chế mạnh mẽ virus herpes với độc tính khá thấp, cũng như penicillin nửa thế kỷ trước, nó tiên đoán về một kỷ nguyên trị liệu mới. Keith Jerome, Giám đốc phòng thí nghiệm virus học phân tử tại Trường Y, Đại học Washington, cho biết: “Acyclovir là dược phẩm làm thay đổi mọi thứ trong nỗ lực phát triển thuốc kháng virus hiệu quả.

Nó chứng minh rằng, có thể phát triển các loại thuốc đặc hiệu cao nhắm mục tiêu virus mà không gây ra tác dụng phụ không mong muốn”.

Elion gọi acyclovir là “viên ngọc cuối cùng” của mình và thực sự, đó là loại thuốc cuối cùng mà bà phát triển trong thời gian làm việc tại Burroughs Wellcome. Bà nghỉ hưu vào năm 1983 và qua đời năm 1999, thọ 81 tuổi.

Theo Nationalgeographic

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ