Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á – Thái Bình dương ra Tuyên bố Hà Nội

GD&TĐ - Chiều nay (19/10), hơn 200 đại biểu tham gia Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á – Thái Bình dương (INWES-APNN) nhất trí thông qua Tuyên bố Hà Nội.

Các đại biểu dự Hội nghị lắng nghe nội dung Tuyên bố Hà Nội
Các đại biểu dự Hội nghị lắng nghe nội dung Tuyên bố Hà Nội
Tuyên bố Hà Nội thể hiện sự cam kết của các thành viên Mạng lưới INWES-APNN trong việc tăng cường mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp giữa các nhà nữ khoa học khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của khu vực và thế giới, góp phần thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hiệp Quốc.

Tuyên bố Hà Nội gồm 16 điểm, trong đó điểm qua các thành tựu của Mạng lưới các nhà khoa học nữ khu vực châu Á – Thái Bình dương; những thách thức; khẳng định sự cam kết và hợp tác đối tác và đưa ra lời kêu gọi.

Nhận diện thách thức

Tuyên bố Hà Nội nhận định những thách thức hiện nay gồm: Những vấn đề cấp thiết mà nhân loại đang đối đầu như: Chiến tranh, đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thực phẩm… có tác động trực tiếp đến sự phát triển của các nhà khoa học nữ. 

Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư được kỳ vọng sẽ tăng năng suất, biến đổi phương thức kết nối các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, song cũng góp phần làm gia tăng bất bình đẳng trong việc phân phối thành quả của tăng trưởng và toàn cầu hóa. 

Mặc dù các lĩnh vực liên quan tới khoa học và công nghệ đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế nhưng hầu hết trong khu vực và trên thế giới chưa đạt được bình đẳng giới trong STEM. Việc tham gia của phụ nữ, nhất là các nhà nữ khoa học trong quản lý cấp cao trong khoa học công nghệ và các lĩnh vực khác vẫn còn rất thấp.

GS.TS Chia-li Wu - Chủ tịch APNN trình bày Tuyên bố Hà Nội trước Hội nghị
 GS.TS Chia-li Wu - Chủ tịch APNN trình bày Tuyên bố Hà Nội trước Hội nghị

Khẳng định sự cam kết và hợp tác đối tác

Tuyên bố Hà Nội khẳng định trong một khu vực vực ngày càng kết nối và năng động hơn, sứ mệnh của APNN - tăng cường sự tham gia của các nhà nữ khoa học trong những lĩnh vực khác nhau vì lợi ích phát triển chung - có vai trò rất quan trọng. 

INWES-APNN cam kết sẽ tiếp tục triển khai sứ mệnh của APNN và xây dựng quan hệ đối tác có trách nhiệm hướng tới tương lai của một cộng đồng các nhà nữ khoa học khu vực châu Á-Thái Bình dương ngày càng sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững. 

Các nhà nữ khoa học cần được khuyến khích, tạo điều kiện để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội trong khu vực trong bối cảnh toàn cầu hóa. 

INWES-APNN khẳng định cam kết thúc đẩy hợp tác trên tinh thần đối thoại thẳng thắn, xây dựng, bao dung, hòa hợp, hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau và ủng hộ các nỗ lực và khuyến khích các thành viên APNN triển khai các hoạt động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường liên kết giữa các thành viên của Mạng lưới. 

INWES-APNN kêu gọi các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và toàn xã hội quan tâm hơn nữa, tạo môi trường luật pháp chính sách, cơ chế thuận lợi và nguồn lực nhằm khuyến khích các nhà nữ khoa học, trí thức phát triển và đóng góp hơn nữa cho sự phát triển bền vững của khu vực trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. 

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam phát biểu bế mạc Hội nghị
 GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Việt Nam phát biểu bế mạc Hội nghị
Các thành viên tham dự Hội nghị APNN 2018 đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, tích cực và đón tiếp nồng hậu, hiếu khách của phía chủ nhà, cụ thể là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Nữ Trí thức Việt Nam - góp phần quan trọng tạo nên thành công của Hội nghị APNN lần thứ 8 tại Hà Nội . Các đại biểu tham dự Hội nghị bày tỏ sự trân trọng trước sự quan tâm, tạo điều kiện của Việt Nam đối với sự phát triển của phụ nữ nói chung và các nhà khoa học nữ nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ