Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết: Trong thời gian qua, các Tạp chí khoa học Việt Nam đang có sự phát triển mạnh mẽ với những ấn phẩm đẹp, chất lượng các bài viết ngày càng nâng cao, rất nhiều tạp chí lựa chọn con đường định hướng Tạp chí quốc tế.
Đứng trước những yêu cầu mới đặt ra nhằm hướng đến phát triển bền vững, các Tạp chí Việt Nam đã và đang có chiến lược phát triển của các Tạp chí khoa học trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với hoạt động nghiên cứu khoa học trong khu vực và trên thế giới.
Để đáp ứng mục tiêu này, cần thiết phải có đội ngũ nhân sự luôn vững vàng tư tưởng, lập trường, đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ về báo chí và lĩnh vực chuyên sâu. Thêm nữa cần đổi mới chất lượng hoạt động của Tạp chí trong bối cảnh hội nhập trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học; Đa dạng hoá các hoạt động chuyên môn, truyền thông nhằm tham gia sâu rộng vào mạng lưới các Tạp chí khoa học trong khu vực và trên thế giới.
PGS, TS Bùi Anh Tuấn cho rằng hội thảo này sẽ là một diễn đàn mở để các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản, lãnh đạo các tạp chí cùng chia sẻ những kinh nghiệm tốt, những bài học quý báu, từ đó đề xuất những giải pháp đổi mới liên tục, đột phá, từng bước đưa Tạp chí hội nhập với cộng đồng Tạp chí khoa học quốc tế và hướng đến phát triển bền vững trong thời gian tới.
Đại diện cơ quan quản lý nhà nước, TS Vũ Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ & môi trường, Bộ GD&ĐT cho biết: Bộ GD&ĐT dành sự quan tâm rất lớn đến việc nâng cao chất lượng của các Tạp chí khoa học trực thuộc. Để nâng tầm các Tạp chí khoa học trong nước cần phải có quyết tâm cao, động lực lớn và sự phối hợp của nhiều bên. Ưu tiên đầu tư thích đáng nguồn lực tài chính và con người để tạo động lực phát triển lâu dài cho các Tạp chí;
Cần có cơ chế, chính sách thu hút các nhà khoa học quốc tế tham gia hội đồng biên tập; Đổi mới cả hình thức, nội dung, quy trình biên tập các bài đăng trong Tạp chí phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ của các Tạp chí quốc tế; Quan tâm hơn nữa công tác xây dựng, hoàn thiện website, phần mềm quản lý, quảng bá truyền thông... Bộ GD&ĐT tiếp tục hỗ trợ tối đa để các Tạp chí khoa học trong nước có thể nhanh chóng gia nhập các hệ thống chỉ mục quốc tế.
Bộ GD&ĐT cũng có dự định trong thời gian tới sẽ tiến tới thành lập Trung tâm trích dẫn, biên soạn Sổ tay kinh nghiệm gia nhập các hệ thống chỉ mục quốc tế để các Tạp chí khoa học trong nước có thể tham khảo, sử dụng.
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã cùng chia sẻ những kinh nghiệm hay, đề xuất những giải pháp thiết thực xoay quanh một số vấn đề quan trọng như: Vai trò của các cơ quan Nhà nước, cơ quan chủ quản trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ các Tạp chí khoa học; Nhận thức tự thân của các Tạp chí về nhu cầu cấp thiết cần phải đổi mới; Xác lập mô hình hoạt động của các Tạp chí; Đầu tư nguồn lực tài chính và con người;
Thu hút nguồn bài có chất lượng của các nhà khoa học trong nước và quốc tế để đăng trong các Tạp chí; Đổi mới các quy định, quy chế, quy trình nhận bài, phản biện, biên tập phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; Phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của Hội đồng biên tập; Chia sẻ và kết nối nguồn lực giữa các Tạp chí khoa học trong nước; Xây dựng các số đặc biệt; Liên kết xuất bản với các Nhà xuất bản uy tín trong nước và quốc tế...
Hội thảo tập trung vào 4 tham luận chính gồm: "Tạp chí QL&KTQT: Đổi mới chính sách hướng tới gia nhập ACI" (PGS, TS Từ Thúy Anh - Tổng biên tập Tạp chí QL&KTQT, Trường ĐH Ngoại thương); "Quản lý công tác phản biện và xuất bản số đặc biệt của Tạp chí khoa học" (GS, TS Lê Quốc Hội - Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Phát triển, Trường ĐH Kinh tế quốc dân); "Một số quy định nhằm nâng cao chất lượng Tạp chí khoa học trong nước" (PGS, TS Đinh Văn Thuật - Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học công nghệ và xây dựng, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội); "Kinh nghiệm xuất bản quốc tế" (TS. Đoàn Thị Yến Oanh - Phó Giám đốc Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).