Mọi người đến chợ để mua sắm hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Cũng giống như các phiên chợ vùng cao khác, đa phần quần áo, giầy dép, bánh, kẹo, nước ngọt đều được dán nhãn mác màu sắc sặc sỡ, nhưng giá bán rẻ đến bất ngờ. Điểm đáng chú ý, trên tem nhãn hàng hóa thường ghi tên gần giống hàng hóa chính hãng, để đánh lừa người tiêu dùng cũng như “lách” luật.
Bánh Custard gần giống với Custas, nước khoáng Aquafina có mác Aqualav… Theo ghi nhận của phóng viên, có túi kẹo giá chỉ 15 nghìn đồng, chai nước ngọt dung tích 1 lít 25 giá chỉ 3 nghìn đồng.
Một tiểu thương tại chợ phiên Y Tý cho hay: “Ở đây xịn thì không bán được đâu vì đây là dân vùng cao mà. Nếu xịn thì về Lào Cai”.
Các tiểu thương ở chợ Y Tý khẳng định những hàng hóa gia công này đều có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và vệ sinh an toàn thực phẩm từ Hoài Đức (Hà Nội), Thổ Tang (Vĩnh Phúc), Đình Bảng (Bắc Ninh)?! Ông Lồ A Lử, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tý, cho biết: Bà con còn nghèo, nên vẫn mua hàng loại này vì giá rẻ.
“Cuối năm này xã cũng đã xây dựng kế hoạch nhưng cũng chưa dành nhiều thời gian kiểm tra. Trong tuần tới chúng tôi sẽ chỉ đạo kiểm tra hàng kém chất lượng trên địa bàn xã” - ông Lồ A Lử nói.
Không chỉ xuất hiện trong các phiên chợ vùng cao, hàng ngày những gian hàng di động được chở bằng xe máy, ô tô vẫn luồn lách tới từng thôn bản với đủ các mặt hàng được gắn mác sặc sỡ, nhưng giá bán cực rẻ. Đây cũng là cách để hàng giả, hàng nhái, quá hạn sử dụng dễ dàng trà trộn đến tay người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Lào Cai, cho biết: Mặc dù, các cơ quan chức năng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương xử lý hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, nhưng do lực lượng mỏng, nên không thể thường xuyên đến được các chợ ở vùng cao kiểm tra, xử lý vi phạm.
“Hàng giả mạo nhãn hiệu tương đối nhiều, xử lý không thể hết được. Hàng hóa giả mạo chủ yếu vận chuyển từ dưới xuôi lên. Nếu như cơ quan chức năng xử lý tốt từ gốc thì sẽ hạn chế đảm bảo cho sức khỏe người sử dụng” - ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Trong năm qua, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra liên ngành tại các phiên chợ vùng cao, tuyên truyền lưu động qua loa phát thanh tại các chợ ở 8 huyện thị xã, ký cam kết với 3.000 cơ sở kinh doanh không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, đấu tranh phòng chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng luôn là vấn đề khó khăn đối với lực lượng chức năng.
Ông Nguyễn Quang Hiểu, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lào Cai, cho biết: “Cũng một vụ việc chỉ có vài mặt hàng, số lượng ít xử phạt cũng theo giá trị hàng hóa. Nếu mang đi giám định, hoàn thiện hồ sơ thì chi phí rất lớn cũng là khó khăn cho lực lượng chức năng”.
Để kiểm soát tốt hàng hóa ở các phiên chợ miền núi, trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở rất quan trọng. Cùng với đó, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức tiêu dùng cho đồng bào dân tộc miền núi sẽ khiến cho hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng không còn đất sống tại các phiên chợ vùng cao.