Hàng giả công khai

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Mua một hộp kem đánh răng giả, bạn có thể ấm ức một chút rồi cho qua vì giá trị của nó không lớn và mức độ nguy hại không đáng kể.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Vì bạn không biết hộp kem ấy giả nên mua nhầm, lỗi không thuộc về bạn. Nhưng cố tình đi mua hàng giả để phục vụ cho “công việc thật” thì lỗi đó thuộc về cả người bán lẫn người mua. Có cầu ắt có cung. Không ngạc nhiên khi thấy các “dịch vụ” làm giả đủ thứ vẫn rao bán hàng ngày trên mạng.

Cứ dăm ba hôm, thế nào bạn cũng nhận một tin nhắn qua điện thoại: “Bên em nhận làm các loại bằng đại học, giấy phép lái xe, chứng chỉ học nghề… Anh/chị có nhu cầu xin liên hệ theo số ĐT….”. Rất công khai, cả số máy điện thoại lẫn giao kèo chắc nịch của bên bán hàng: “Nhận bằng xong, anh/chị kiểm tra đúng như cam kết thì mới thanh toán”. Chẳng khác gì bán hàng online hiện nay.

Vào Google chỉ cần gõ từ khóa “làm bằng giả”, lập tức sẽ hiện lên gần 100 nghìn từ khóa về chủ đề này. Mới đây nhất, hôm 2/11, công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá nhóm làm bằng giả ở địa phương này với số “hàng” lên đến hàng trăm loại bằng.

Còn trước đó, hôm tháng 7/2022, Công an Hà Nội đã triệt phá 5 nhóm làm các loại giấy tờ giả với hàng chục đối tượng bị bắt. Hoạt động chỉ hơn một năm, từ tháng 4/2021 đến tháng 7/2022, các nhóm này đã “sản xuất” 2.500 bằng giả, thu lợi hơn 20 tỷ đồng.

Mua phải hàng giả, có thể chỉ mỗi mình người mua bị thiệt, nhưng dùng bằng giả để hành nghề thì tác hại khôn lường. Một người ở tỉnh An Giang, sau khi có tấm bằng bác sĩ giả trong tay, anh ta mở ngay dịch vụ… làm răng.

Ai cũng biết, tuy là làm “răng giả” nhưng chất lượng thì phải thật do một “bác sĩ thật”, lại có tay nghề vững vàng chứ răng giả không phải là thứ trẻ con chơi đồ hàng. Thế mà vẫn làm răng với tấm bằng giả và chữa các bệnh về răng ngon ơ!

Trong hàng nghìn giấy tờ được làm giả ấy, có lẽ nguy hiểm nhất là bằng lái xe. Học ngành nghề gì thì còn lớt phớt để lấy tấm bằng chứ học lái xe thì không thể xuê xoa được.

Vì nó không chỉ quyết định đến sinh mạng của chính người cầm lái mà còn gây nguy hại đến sinh mạng của nhiều người khác khi tham gia giao thông nữa. Ấy thế mà có hàng nghìn giấy phép lái xe giả được “lưu hành” trên thị trường thì quá nguy hiểm.

Mua bằng lái xe là để làm tài xế, nó khác với một số văn bằng khác là bằng cấp ấy chỉ là tấm giấy thông hành đề người mua bằng phục vụ cho những mục đích khác.

Mới đây, trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đề xuất ý kiến là nên thanh tra toàn bộ các loại bằng tiến sĩ của những cán bộ đương chức cấp cao hiện nay. Sở dĩ có chuyện đề xuất này là vì, hàng loạt các vụ án được phanh phui gần đây liên quan đến các đề tài luận án tiến sĩ và cấp bằng tiến sĩ ở những địa chỉ “uy tín”.

Nếu chỉ mua danh để “lấy le” với họ hàng thì đó chỉ là vấn đề danh dự của cá nhân nhưng tấm bằng ấy lại mang đi phục vụ cho một mục đích khác mà nếu đạt được thì sẽ ảnh hưởng đến nhiều người thì việc làm rõ sự thật của các văn bằng như đề xuất của vị đại biểu nọ cũng là một việc nên làm.

Nói đến giả đã là một điều không tốt và thường thì được che giấu, nhưng bây giờ, cả những chuyện tày trời cũng được làm giả, còn được bày biện công khai thì đáng sợ thật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ