“Chợ di động” ở vùng cao

Trong không gian trùng điệp giữa non ngàn, hình ảnh “chợ di động” càng tô đậm thêm không khí chộn rộn sắc xuân.

Ngày qua ngày, chị Gần cùng “chợ di động” rong ruổi khắp thôn, làng của xã Vĩnh Kim để cung ứng các loại thức ăn, nhu yếu phẩm cho đồng bào dân tộc Bana.
Ngày qua ngày, chị Gần cùng “chợ di động” rong ruổi khắp thôn, làng của xã Vĩnh Kim để cung ứng các loại thức ăn, nhu yếu phẩm cho đồng bào dân tộc Bana.
Mỗi độ tết đến, xuân về nhu cầu mua sắm Tết của đồng bào Bana các xã Vĩnh Kim lại tăng vọt. Nắm bắt nhu cầu đó, những ngày này, chị Mai Thị Gần (ngụ thôn Định Hiền, thị trấn Vĩnh Thạnh) đều đặn mỗi ngày chở theo hàng chục mặt hàng trong 2 chiếc giỏ thồ, từ bánh mứt, hạt dưa đến các mặt hàng lương khô, cá, thịt…trên chiếc “ngựa sắt” vượt dốc, thẳng hướng về các làng bản xa xôi, vùng cao huyện Vĩnh Thạnh.

Khởi hành từ 3 giờ, đến trung tâm xã Vĩnh Kim cũng là trời vừa sáng, nghỉ ngơi ít phút, chị tiếp tục chở hàng lên thôn bản 05, Kon Trú nằm ở phía Đông, trung tâm xã Vĩnh Kim. 

Đối với chị Gần, 2 chiếc giỏ thồ hàng đã gắn bó hơn 15 năm nay. Bất kể ngày nắng hay mưa, ngày nào chị cũng vượt cung đường cheo leo, trơn lầy lội này để thồ hàng lên bán…

“Cuộc sống đồng bào mình giờ đã khấm khá hơn trước rồi. Bây giờ ngày Tết họ cũng mua sắm bánh mứt, hạt dưa, cá hộp… xôm tụ lắm” - Chị Gần cho hay.

12 giờ trưa! Mặt trời đứng bóng. Hàng hóa trên 2 chiếc giỏ thồ cũng thưa dần, lúc này dòng chữ ghi trong cuốn sổ của chị Gần dài thêm các mặt hàng Tết mà dân bản dặn mua cho những chuyến sau như bình hoa, chén bát, xoong rồi.

Chị Đinh Liếc (thôn 03), cho biết: “Có người đem thức ăn, quần áo đến tận thôn để bán rồi, đồng bào chúng tôi không phải chạy cả trăm cây số, xuống chợ thị trấn để mua con cá, mớ rau nữa...”.

Chị Dương Thị Bảy (thôn 05) đang mua cá nói: “Cá ở đây tươi, ngon lắm! Tôi mua nửa cân, cả nhà ăn tuần mới hết… Hết rồi các chị lại lên bán nữa”.

Giá bán các mặt hàng ở “chợ di động” như gạo, rau, củ quả, thịt heo, cá chênh lệch từ 2.000 - 5.000 đồng/kg so với giá bán tại các chợ. Với những người dân vùng cao Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn quanh năm gắn bó với nương rẫy thì những giỏ hàng như của chị Gần là nguồn sống hằng ngày, bởi đường xa và phương tiện đi lại rất khó khăn. Những ngày cận Tết, giỏ hàng ấy như tăng phần quan trọng hơn.

Chị Nguyễn Thị Phượng (ngụ xã Tây Sơn), cho biết cuộc sống đồng bào ở đây còn lắm khó khăn nên chủ yếu giao dịch theo kiểu “hàng đổi hàng”. Biết được giờ giấc chị Phượng lên đến nơi nên bà con thường mang hàng chờ sẵn bên đường để đổi lấy bánh kẹo, muối, thịt. Bởi vậy, lúc về xe chị Phượng bao giờ cũng chở nặng hơn khi lên vì còn phải đèo thêm chuối, rau rừng…

Nhiều lúc đang chở hàng nặng mà xe bị lủng lốp hoặc bị hỏng máy thì chỉ có “khóc”. “Nghề này vất vả nhưng lại vui. Khi mới đi mấy chuyến đầu, tôi kiệt sức, tưởng như không thể cố gắng thêm được nữa. Thế mà, đi miết rồi cũng quen, giờ thì một ngày không vào bản bán hàng là bồn chồn chẳng yên”, chị Nguyễn Thị Xuân (thị xã An Nhơn), một chủ “chợ di động” khác trên đất Vĩnh Sơn, bộc bạch.

Những chuyến hàng “chợ di động” của chị Gần, chị Phượng hay chị Xuân dẫu còn rất vất vả, hiểm nguy nhưng nhờ đó họ vừa có thể cải thiện thu nhập, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng cao.

Lại một cái Tết nữa đang đến gần, những giỏ hàng từ “chợ di động” vượt hàng chục cây số không chỉ mang theo hàng hóa mà còn mang cả hơi ấm tình người, góp thêm sắc xuân chộn rộn, tươi vui nơi những vùng cao biên ải Vĩnh Thạnh.

Theo Vietnamnet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.