Khó khăn trong tuyển dụng giáo viên ở Thanh Hoá

GD&TĐ - Tỉnh Thanh Hóa đang thiếu hàng chục nghìn viên chức ngành giáo dục, nhưng lại không dễ tuyển dụng đủ số lượng giáo viên, vì thiếu nguồn tuyển.

Thầy và trò ở điểm trường bản Tân Sơn - Trường Tiểu học Thanh Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng.
Thầy và trò ở điểm trường bản Tân Sơn - Trường Tiểu học Thanh Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Ảnh: Thế Lượng.

Thiếu hàng chục nghìn giáo viên

Ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết: Bước vào năm học 2023-2024, tỉnh Thanh Hóa thiếu hơn 10.000 giáo viên các cấp học theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT. Nếu kịp tuyển hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao năm 2023, thì vẫn còn thiếu gần 8.000 giáo viên.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, nguyên nhân của việc thiếu nhiều giáo viên như đã nêu, là do Trung ương giao biên chế cho Tỉnh thấp hơn so với nhu cầu tính theo định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ. Đồng thời, hàng năm vẫn phải cắt giảm biên chế theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương.

Cũng theo ông Thức, để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo ngành GD phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tập trung khắc phục tình trạng thiếu giáo viên bằng việc thực hiện các giải pháp.

Đó là, yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, Sở GD&ĐT khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết số chỉ tiêu biên chế đã được tỉnh giao năm 2023 theo Quyết định số 4670/QĐ-UBND ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh.

Đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Chính phủ giao đủ biên chế cho các cơ sở GD, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng...

Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng, triển khai kế hoạch bồi dưỡng ngắn hạn đội ngũ GV để đảm bảo điều kiện dạy liên môn, liên cấp. Động viên GV các bộ môn còn thiếu nhiều GV dạy tăng tiết, tăng buổi, liên trường.

Hợp đồng lao động với giáo viên đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề và số sinh viên sư phạm ra trường chưa được tuyển dụng để giảng dạy các bộ môn còn thiếu nhiều giáo viên trong các nhà trường.

Giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) vượt sông Mã để vào điểm trường. Ảnh: Thế Lượng.

Giáo viên Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa, Thanh Hóa) vượt sông Mã để vào điểm trường. Ảnh: Thế Lượng.

Cũng theo đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Tài chính, các địa phương trong tỉnh, cơ sở đào tạo GV trong, ngoài tỉnh triển khai thực hiện tốt kế hoạch đào tạo GV gắn với nhu cầu sử dụng theo quy định tại Nghị định số116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, để tạo nguồn tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục của tỉnh giai đoạn 2025-2030.

“Riêng khối các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT, thì Sở chỉ đạo các trường THPT xây dựng phương án bố trí đội ngũ GV hợp lý. Đảm bảo có đủ giáo viên dạy các môn bắt buộc, các môn lựa chọn, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chuyên đề và hoạt động giáo dục địa phương theo chương trình GDPT mới.

Đối với môn Nghệ thuật, thì căn cứ vào nhu cầu thực tế, có phương án chủ động hợp đồng hoặc thuê giáo viên dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS có đủ trình độ chuyên môn theo yêu cầu để dạy môn Nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh...”, ông Thức thông tin.

Khó tuyển đủ chỉ tiêu

Đầu tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định ban hành “Kế hoạch phát triển sự nghiệp giáo dục tỉnh Thanh Hóa năm học 2023 – 2024”.

Theo đó, năm học 2023-2024, tỉnh Thanh Hóa có 2.005 trường học, từ mầm non đến THPT và Trung tâm GDNN-GDTX, với hơn 940.000 học sinh (HS) và trẻ mầm non.

Theo kế hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu đảm bảo số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Thực hiện tuyển dụng kịp thời biên chế được giao trong từng năm học. Trong đó, ưu tiên tuyển dụng trước số giáo viên thuộc các bộ môn còn thiếu nhiều, khắc phục triệt để tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy theo định mức quy định.

Trong trường hợp chưa kịp tuyển dụng, thì bố trí giáo viên dạy liên trường, dạy tăng tiết, hợp đồng giáo viên các trường công lập, cơ sở giáo dục ngoài công lập nhằm đảm bảo có đủ giáo viên dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp hợp đồng giáo viên theo quy định tại Nghị quyết số 111/2022/NQ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng với một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với đặc điểm từng cơ sở giáo dục, từng địa phương để khắc phục tình trạng thiếu GV, nhất là những môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Tập trung bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, năng lực quản lý, năng lực giảng dạy và giáo dục, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin.

Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ về thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực HS. Đổi mới phương pháp dạy học tích hợp, dạy học liên môn; cách thức, phương pháp tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo và kiểm tra, đánh giá, nhất là việc tập huấn, bồi dưỡng các modul trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Giáo viên chăm sóc trẻ ở Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Giáo viên chăm sóc trẻ ở Trường Mầm non Thành Sơn (Bá Thước, Thanh Hóa). Ảnh: TL.

Ông Hà Tự Nhiên - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết, ngày 21/7 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản chấp thuận Kế hoạch tuyển dụng viên chức GV tiểu học tại huyện Bá Thước.

Trong văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nội vụ, UBND huyện Bá Thước thực hiện việc xét tuyển viên chức theo quy định tại Nghị định số 115/2020 của của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; Thông tư số 6/2020/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành Quy chế tổ chức thi tuyển, xét tuyển công chức, viên chức, thi nâng ngạch công chức, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức...

Theo đó, UBND huyện Bá Thước sẽ thực hiện tuyển dụng 18 chỉ tiêu GV tiểu học. Trong đó, GV Văn hóa 11 người; GV Tiếng Anh 2 người; GV Tin học 4 người và 1 GV Âm nhạc.

Theo ông Nhiên, hiện nay ngành giáo dục của huyện Bá Thước đang thiếu hơn 230 giáo viên từ Mầm non đến THCS.

“Trên thực tế, tình trạng thiếu GV của huyện đang diễn ra rất nghiêm trọng. Mặc dù UBND tỉnh Thanh Hóa có kế hoạch giao UBND huyện Bá Thước thực hiện việc tuyển dụng viên chức đảm bảo theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Tuy nhiên, có thời điểm không đủ nguồn tuyển.

Đó cũng là một vấn đề “nan giải” trong việc tuyển dụng GV hiện nay không chỉ ở Bá Thước nói riêng, mà nhiều địa phương trong tỉnh cũng chung tình trạng này”, ông Nhiên thông tin.

“Về lâu dài, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với Sở Nội vụ là đơn vị chủ trì, tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kiến nghị với Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT tham mưu cho Chính phủ giao đủ biên chế cho các cơ sở giáo dục, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng.

Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét việc thực hiện giảm biên chế mỗi năm 2% là không phù hợp với thực trạng biên chế sự nghiệp của tỉnh Thanh Hoá, đặc biệt là đối với ngành giáo dục”, ông Trần Văn Thức - Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.

Tin đăng tuyển dụng hà nội tại Vieclam24hBí quyết tìm việc nhanh