Thanh Hóa truy thu phụ cấp, gần 900 giáo viên gặp khó

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hàng trăm giáo viên ở vùng cao, biên giới huyện Quan Hóa đang lo lắng vì nhận được quyết định của huyện về việc truy thu phụ cấp.

Thầy trò ở điểm trường Tân Sơn, xã Phú Xuân (Quan Hóa).
Thầy trò ở điểm trường Tân Sơn, xã Phú Xuân (Quan Hóa).

Tổng số tiền truy thu lên tới gần 11 tỉ đồng.

Truy thu gần 11 tỉ đồng

Ngày 5/7 vừa qua, ông Nguyễn Đức Dũng – Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa ký quyết định về việc phê duyệt danh sách đối tượng và số tiền truy thu 5 tháng (từ tháng 1 - 5/2021) chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ, đối với khối giáo dục.

Quyết định của Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cũng giao Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Kho bạc Nhà nước huyện Quan Hóa, các đơn vị trường học căn cứ danh sách đối tượng, số tiền thực hiện truy thu kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Nộp tiền vào ngân sách Nhà nước trước ngày 20/7/2023, đồng thời hạch toán và thanh, quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Sau khi có quyết định của UBND huyện Quan Hóa, nhiều giáo viên lo lắng, bởi số tiền bị truy thu có người lên tới vài chục triệu đồng. Trong khi đó, theo quyết định của UBND huyện Quan Hóa yêu cầu phải hoàn tất việc truy thu để nộp tiền vào ngân sách Nhà nước trước ngày 20/7/2023.

Do đó, nhiều giáo viên ở các trường học trên địa bàn huyện này có nguyện vọng đề nghị huyện phân kỳ việc truy thu số tiền trên. Bởi vì, số tiền lương trong 1 tháng của đa số giáo viên tại các trường đều không đủ để nộp tiền truy thu trong 1 lần. Bên cạnh đó, họ còn phải trả nợ ngân hàng, nuôi con ăn học và chi phí sinh hoạt cho cả gia đình.

Cô Trịnh Thị Gấm - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học thị trấn Hồi Xuân - cho biết: Sau khi có quyết định về việc truy thu 5 tháng phụ cấp, một số đoàn viên công đoàn nhà trường cũng có ý kiến đề xuất huyện phân kỳ truy thu, để họ đỡ khó khăn. Vì vậy, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường cũng đã tổng hợp các ý kiến, gửi lên Liên đoàn Lao động huyện Quan Hóa, để đề nghị Chủ tịch UBND huyện xem xét về vấn đề này.

Ngoài ra, một số giáo viên cũng đề nghị UBND huyện Quan Hóa thanh toán cho họ số tiền chế độ ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, mà huyện đang còn giữ lại 50% của họ. Giáo viên nêu phương án là hạch toán trừ trực tiếp vào số tiền truy lĩnh ra khỏi vùng đối với những người đang còn tiền chế độ như đã nêu.

Điểm trường Tân Sơn – Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa) nhận quà từ thiện do Báo GD&TĐ trao tặng.

Điểm trường Tân Sơn – Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa) nhận quà từ thiện do Báo GD&TĐ trao tặng.

Khó khăn chồng chất

Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ cho thấy, từ khi Quyết định 861/QĐ-TTg của Chính phủ có hiệu lực (ngày 4/6/2021), nhiều địa phương ở Thanh Hóa đã bị điều chỉnh từ vùng III thành vùng II hoặc vùng I (tức là không còn thuộc diện đặc biệt khó khăn).

Tuy nhiên, trên thực tế, ở nhiều thôn, bản của một số huyện vùng cao, biên giới, như: Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh... (Thanh Hóa) mặc dù đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhưng đời sống của người dân vẫn đang còn rất khó khăn. Chính vì vậy, đội ngũ giáo viên, học sinh ở những địa phương này cũng bị ảnh hưởng rất lớn, vì không còn được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước như trước đây.

Trong năm học, nhiều giáo viên phải di chuyển hàng chục km đường rừng để đến các điểm trường xa xôi truyền đạt kiến thức cho học trò. Chuyện đi sớm, về muộn hằng ngày đối với giáo viên là một lẽ đương nhiên, do quãng đường xa, đi lại khó khăn và chủ yếu là di chuyển bằng xe gắn máy.

Để có phương tiện đi làm, nhiều giáo viên đã phải thế chấp sổ lương của mình, vay tiền ngân hàng mua xe máy, hoặc sửa chữa nhà cửa, ổn định cuộc sống để cống hiến cho ngành. Vì thế, khi nhận được quyết định của Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa về việc truy thu 5 tháng phụ cấp (trong 1 lần, PV), thì giáo viên khá lo lắng do cuộc sống đã khó khăn, giờ đây lại càng khốn khó hơn.

Thầy Hắc Xuân Phúc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn (Quan Hóa) - cho biết, theo danh sách thống kê thì trường này có 20 cán bộ, giáo viên nằm trong diện phải truy thu tiền phụ cấp vùng khó khăn. Trong đó, người bị truy thu nhiều nhất là 14.975.000 đồng; người có mức bị truy thu thấp nhất là 7.316.000 đồng.

“Có một số giáo viên mới được biên chế từ năm 2020, nên hệ số lương và phụ cấp hiện nay khá thấp. Bởi, với hệ số lương khởi điểm và các phụ cấp khác, thì mỗi tháng sau khi trừ các khoản bảo hiểm, tổng thu nhập cũng chỉ còn khoảng hơn 5 triệu đồng mà thôi. Bây giờ, nếu phải nộp số tiền truy thu 5 tháng, thì họ không thể đủ để nộp ngay 1 lần”, thầy Phúc nói.

Cũng như thầy Phúc, thầy Đặng Xuân Viên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân (Quan Hóa) - cho hay, theo danh sách, nhà trường có 25 cán bộ, giáo viên và nhân viên thuộc diện phải truy thu 5 tháng phụ cấp. “Có giáo viên của nhà trường phải truy thu gần 35 triệu đồng. Vì vậy, nếu phải nộp tiền 1 lần, thì những giáo viên này rất khó khăn. Bởi lẽ, sau khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, thì tổng thu nhập hàng tháng của họ bị tụt xuống khá thấp”, thầy Viên nói.

Cũng theo thầy Viên, một thực tế hiện nay, đa số giáo viên đều phải thế chấp sổ lương vay ngân hàng để mua sắm xe máy làm phương tiện đi làm, hoặc sửa chữa nhà cửa... Vì thế, hàng tháng, lương và phụ cấp của họ đã phải trừ một phần vào nợ ngân hàng. “Giáo viên tha thiết được cấp trên truy thu số tiền ra khỏi vùng theo hình thức phân kỳ ra vài tháng, để họ còn có thể chắt chiu lo cho cuộc sống của bản thân và con cái”, thầy Viên chia sẻ.

Theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, có 886 cán bộ, giáo viên, nhân viên các trường bậc mầm non, tiểu học, THCS của huyện Quan Hóa thuộc diện phải truy thu. Trong đó, các trường mầm non là 359 người; các trường tiểu học 344 người và 183 người ở các trường THCS, với tổng số tiền truy thu là: 10.983.606.000 đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ