Khó khăn khi hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Trong quá trình hướng nghiệp cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu không ít trường gặp khó khăn khi các em ngại đi xa.

Học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Kbang (Gia Lai) ít cơ hội trải nghiệm và tham gia vào những hoạt động hướng nghiệp.
Học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Kbang (Gia Lai) ít cơ hội trải nghiệm và tham gia vào những hoạt động hướng nghiệp.

Học sinh DTTS ngại đi xa nhà

Mặc dù trong những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã nỗ lực trong công tác hướng nghiệp, giúp học sinh có hướng đi đúng đắn. Thế nhưng ở những vùng sâu, vùng xa thì việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi đa phần các em là người dân tộc thiểu số, điều kiện sống khó khăn và phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con em mình.

Thầy Phan Danh - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Krong (huyện Kbang, Gia Lai) cho hay, học sinh của trường đa số là người dân tộc thiểu số. Cuộc sống khó khăn nên các em cũng thường xuyên phụ giúp gia đình để trang trải cuộc sống. Đặc biệt, những em học sinh lớp 8-9 hầu như là nguồn lao động chính của gia đình. Do đó, nhiều em sau khi tốt nghiệp lớp 9 quyết định bỏ dở việc học để đỡ đần cha mẹ làm nương rẫy. Ít trường hợp các em tiếp tục học lên THPT hoặc chọn ngành nghề phù hợp để học.

“Điều kiện sống và đường sá còn nhiều thiếu thốn nên học sinh ít cơ hội trải nghiệm và tham gia vào những hoạt động hướng nghiệp. Chính vì vậy học sinh nơi đây thiệt thòi hơn so với vùng thuận lợi. Còn thầy cô luôn mong các em tiếp tục học hoặc chọn ngành nghề phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, địa phương để cuộc sống bớt vất vả hơn”, thầy Danh nói.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kông Chro chia sẻ, mặc dù trong những năm qua các trường THCS đã cố gắng, nỗ lực trong công tác hướng nghề, hướng nghiệp. Thế nhưng học sinh người dân tộc thiểu số có tâm lý ngại đi xa nhà. Trong khi đó, địa phương lại chưa có cơ sở giáo dục nào nên một số em chọn học lên THPT, những em khác thì học nghề sửa xe, cắt tóc… để được gần gia đình.

Khó khăn khi dạy văn hóa kết hợp đào tạo nghề

Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai thực hành dịch vụ nhà hàng, khách sạn.

Sinh viên Trường Cao đẳng Gia Lai thực hành dịch vụ nhà hàng, khách sạn.

Còn tại Trường Cao đẳng Gia Lai trong quá trình thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018-2025” đã chú trọng điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo nhằm phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Đặc biệt là nhu cầu thị trường lao động trong tỉnh.

Theo đó, từ năm 2019-2021, nhà trường đã đào tạo 1.537 sinh viên Cao đẳng, 2.471 em Trung cấp và dạy nghề cho 989 lao động nông thôn cùng với 5.297 học sinh học nghề phổ thông. Tuy nhiên, số học sinh sau THCS và sau THPT tham gia học trung cấp, cao đẳng tại trường thì tỷ lệ còn khá thấp, lần lượt là 2,87% và 3,13%.

Trường Cao đẳng Gia Lai cho rằng, việc dạy văn hóa kết hợp với đào tạo nghề đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, các em tốt nghiệp THCS vừa tiếp cận chương trình trung cấp nghề, vừa muốn đăng ký học văn hóa THPT nhưng đa phần học lực yếu. Nếu thực hiện 2 chương trình, đồng nghĩa với việc khối lượng học tập tăng gấp đôi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập. Ngoài ra, chương trình thực tập doanh nghiệp của học sinh trung cấp nghề cũng sẽ gặp khó do trùng thời gian học văn hóa.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Gia Lai, giai đoạn năm 2019-2021, toàn tỉnh có 4.415/63.375 học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học nghề trình độ sơ cấp, trung cấp và chiếm tỷ lệ 6,97%. Bên cạnh đó, 9.922/36.263 học sinh sau khi tốt nghiệp THPT học cao đẳng và trung cấp nghề (chiếm 27,36%).

Tại hội nghị sơ kết 3 năm triển khai kế hoạch thực hiện Đề án 522 các Sở, ngành, đơn vị trường học đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến mục tiêu phân luồng chưa đạt. Cụ thể, công tác hướng nghiệp, dạy nghề ở trường phổ thông vẫn còn mang tính hình thức. Bên cạnh đó, giáo viên giảng dạy giáo dục hướng nghiệp đa phần kiêm nhiệm. Ngoài ra, một số nội dung trong chương trình giáo dục hướng nghiệp chưa đáp ứng được công tác giáo dục hướng nghiệp hiện nay. Không những vậy, vẫn còn trường hợp phụ huynh đặt nặng vấn đề bằng cấp và buộc con phải vào Đại học. Chính vì vậy, nhiều học sinh không được tự do lựa chọn ngành nghề phù hợp, đúng với sức học của bản thân và nhu cầu việc làm.

Thế nhưng cũng không thể phủ nhận, sau 3 năm triển khai, Đề án đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo và lồng ghép vào chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Qua đó, ngành GD&ĐT tỉnh cũng đã đạt được mục tiêu chung là tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT phù hợp với sở trường, năng lực học sinh và tình hình kinh tế của gia đình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ