Định hướng nghề dựa vào sở thích, năng lực của học sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiểu được sở thích, năng lực, hoàn cảnh của học sinh, giáo viên sẽ có thể tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh một cách đúng đắn nhất.

Định hướng nghề dựa vào sở thích, năng lực của học sinh

Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng

Định hướng nghề nghiệp cho học sinh cần phải có sự tham gia của không chỉ gia đình mà giáo viên chủ nhiệm cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Việc chọn đúng nghề nghiệp là nền tảng đầu tiên để học sinh có được công việc tốt, phù hợp để xây dựng cuộc sống của mình trong tương lai.

Theo thầy giáo Dương Minh Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cù Chính Lan (TP Thanh Hoá), thời điểm “vàng” của cấp THCS để có thể định hướng nghề nghiệp cho học sinh chính là thời điểm học sinh bước vào lớp 9. Đây là lúc học sinh đã có đủ nhận thức để hiểu và lựa chọn.

Đặc biệt, cũng là lúc học sinh sẽ phải lựa chọn 2 hướng đi, hoặc là sẽ thi lên lớp 10 THPT hoặc có thể chuyển sang học nghề kết hợp học văn hoá tại các trường nghề, TT GDTX.

Cũng theo thầy Minh Anh, trong công tác hướng nghiệp, giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò chủ đạo. Giáo viên phải nắm được từng học sinh có sở thích như thế nào, năng lực ra sao, có năng khiếu gì hay không để có thể định hướng một cách đúng đắn và phù hợp. Làm sao để sau khi tư vấn, định hướng, học sinh lựa chọn được trường, lựa chọn được ngành, và quan trọng nhất là các em hạnh phúc với lựa chọn đó. Đây là một việc không hề đơn giản.

Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề cho học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nghề cho học sinh.

Cùng quan điểm với thầy Minh Anh, thầy giáo Hà Duy Tùng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hoá cũng cho rằng, nhiều khi giáo viên sẽ nắm được sở thích, năng lực của học sinh hơn cả phụ huynh. Đặc biệt, đối với những học sinh đặc thù như ở trường nội trú. Phần lớn học sinh của trường là con em dân tộc, hoàn cảnh khó khăn. Thời gian các thầy cô giáo gần gũi các em nhiều hơn bố mẹ.

“Ngay khi học sinh vào lớp 10, giáo viên chủ nhiệm bắt đầu tìm hiểu sở thích ngành nghề của học sinh. Ngoài ra, trong quá trình dạy thầy cô sẽ phát hiện ra năng lực của các em đạt ở mức độ nào, sẽ hướng nghiệp cho các em ngành nghề phù hợp với năng lực.

Nhà trường có đặc thù là phần lớn học sinh người dân tộc, hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc căn cứ vào sở thích, năng lực thì giáo viên cũng sẽ định hướng học sinh đi các trường mà Nhà nước bao cấp như an ninh, quân đội, sư phạm…”, thầy Tùng chia sẻ.

Là giáo viên có thâm niên gần 20 năm với vai trò là giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Nguyễn Thị Yên, giáo viên Trường THPT Hoàng Lệ Kha (Hà Trung) cũng cho biết, vì được chủ nhiệm cả 3 năm cấp III nên giáo viên chủ nhiệm nắm rất rõ sở thích, năng lực cũng như hoàn cảnh của từng học sinh vì thế việc định hướng cho các em theo đúng nghề, đúng năng lực không khó khăn. Cái khó là giáo viên sẽ phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về các ngành nghề sẽ thu hút nguồn lao động trong tương lai để định hướng làm sao vừa phù hợp với học sinh mà sau khi ra trường học sinh cũng dễ dàng tìm việc làm đúng ngành học.

Giáo viên phải có kỹ năng khi định hướng

Hầu hết phụ huynh đều mong muốn cho con mình vào đại học. Tuy nhiên, mỗi học sinh có một năng lực và sở thích riêng. Thế nên, khi hướng dẫn cho học sinh chọn lựa con đường tương lai của mình, giáo viên cần phải có kỹ năng.

“Vào học kỳ 2 của lớp 9, nhà trường sẽ tổ chức nhiều kỳ thi đánh giá năng lực của học sinh. Từ kết quả đánh giá đó, giáo viên chủ nhiệm sẽ gửi cho phụ huynh và phối hợp cùng phụ huynh định hướng cho học sinh nên thi vào lớp 10 THPT công lập hay định hướng học nghề.

Trong những năm gần đây, nhiều học sinh đã chấp nhận đi học nghề song song với học văn hoá ngay sau khi học hết cấp 2. Việc học ngành nghề và bậc học phù hợp với năng lực và năng khiếu của học sinh là cách tốt nhất để các em tiếp tục phát triển nghề nghiệp, công việc, cuộc sống của mình trong tương lai chứ không phải việc thi đại học là con đường duy nhất. Giáo viên vẫn hướng cho phụ huynh và học sinh hiểu, nếu các em chọn học nghề, sau này vẫn có cơ hội học liên thông cao đẳng hay đại học”, thầy Minh Anh cho biết.

Cũng theo thầy Minh Anh, mỗi năm trung bình nhà trường có hơn 30 % học sinh rẽ sang con đường học nghề và qua theo dõi thấy rằng các em sau khi học nghề có công việc rất ổn định.

“Học sinh mà không thích mà ép là thất bại hoàn toàn. Quyền lựa chọn là quyền của học sinh, giáo viên chỉ là người định hướng, vậy thì phải định hướng như thế nào để học sinh hiểu và phụ huynh cũng đồng tình”, thầy giáo Hoàng Duy Tùng nêu quan điểm.

Thầy Hoàng Duy Tùng đánh giá cao giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình bổ ích này sẽ giúp học sinh hiểu biết về nghề nghiệp. Từ việc được trải nghiệm, học sinh sẽ rút ra rằng, mình có hợp với lĩnh vực nghề nghiệp đã được tư vấn không; có phù hợp với những yêu cầu của thị trường lao động hay không? Từ đó học sinh sẽ đưa ra được quyết định lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sự tư vấn của thầy cô và gia đình một cách nhanh nhất.

Thầy Tùng cũng khẳng định việc học sinh được định hướng nghề nghiệp ngay từ ban đầu đã cho kết quả những năm gần đây tỷ lệ học sinh của nhà trường đậu đại học ra trường làm đúng nghề tương đối cao.

“Học sinh được định hướng nghề nghiệp theo đúng năng lực và sở thích thì sẽ phát triển tốt trong ngành nghề của mình sau này cũng như phục vụ đúng nhu cầu của xã hội một cách tốt nhất”, thầy Hoàng Duy Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hoá khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ nhập viện do uống vitamin quá liều. Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương

'Con dao hai lưỡi' mang tên vitamin

GD&TĐ - Theo chuyên gia y tế, chỉ nên sử dụng một lượng vitamin cân đối vừa đủ cũng như phù hợp với tình trạng sức khỏe và nhu cầu của cơ thể.
“Tiết 0” môn Ngữ văn tại Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm. Ảnh: NTCC

Nhiều mô hình hay hỗ trợ học sinh

GD&TĐ - Mô hình “tiết 0” hay “trường giúp trường” đã và đang phát huy hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực trong việc hỗ trợ HS lớp 9 ở Hà Nội ôn thi vào lớp 10.