Theo đó, 7 huyện gồm: Đăk Tô, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đăk Hà, Sa Thầy, Đăk Glei, Tu Mơ Rông sẽ được thành lập các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên, trên cơ sở sát nhập Trung tâm dạy nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên các huyện.
Các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên sau khi được thành lập là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND các huyện. Các trung tâm chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND các huyện và sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh.
Về nhân sự được chuyển giao nguyên trạng số lượng biên chế, nhân sự hiện có của Trung tâm dạy nghề và Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Biên chế của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên sẽ nằm trong tổng biên chế sự nghiệp của UBND các huyện.
Trước đó, từ năm 2010 đến năm 2014, tỉnh Kon Tum đã xây mới 6 Trung tâm dạy nghề ở các huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei, Sa Thầy, Đăk Hà, Kon Rẫy và Tu Mơ Rông. Nhiều Trung tâm dạy nghề ở Kon Tum được đầu tư xây dựng tiền tỷ, nhưng chưa phát huy hết công năng. Trường lớp khang trang nhưng chỉ được sử dụng số ít, số còn lại phải đóng cửa cài then, gây ra lãng phí rất lớn.
Do vậy, để tránh lãng phí cơ sở vật chất của các Trung tâm dạy nghề, trong khi nhiều Trung tâm Giáo dục Thường xuyên các huyện còn thiếu trường lớp nên tỉnh Kon Tum đã sớm có quyết định cho việc sát nhập 2 trung tâm này lại.