Khó khăn cơ sở vật chất triển khai chương trình mới: Cần kế hoạch rất cụ thể để tháo gỡ

GD&TĐ - Chuẩn bị cơ sở vật chất là một nội dung quan trọng được trao đổi tại Hội nghị trực tuyến giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các địa phương về việc tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sáng 11/3.

Học sinh Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Ban Mai-Hà Đông, Hà Nội.
Học sinh Trường Trung học cơ sở-Trung học phổ thông Ban Mai-Hà Đông, Hà Nội.

Bên cạnh những nỗ lực bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để triển khai chương trình mới, vẫn còn những khó khăn được địa phương đề cập xung quanh nội dung này.

Một số khó khăn tiêu biểu theo chia sẻ của địa phương, như tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô học sinh/lớp, quy mô lớp/trường một số địa phương chưa đạt theo quy định; tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày chưa đat 100%; phòng học xuống cấp không được cải tạo, sửa chữa.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học, thiết bị thí nghiệm... còn thiếu, một số trường chưa có phòng học bộ môn; nhiều trường thiết bị dạy học không đầy đủ, không đồng bộ do điều kiện kinh tế xã hội khó khăn của địa phương chưa thể đáp ứng kịp thời.

Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học của địa phương hạn hẹp. Như tại Hà Tĩnh, nguồn ngân sách trung ương thực hiện Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và phổ thông giai đoạn 2017-2025 của Chính phủ chưa được bố trí, trong đó có kinh phí mua sắm trang thiết bị dạy học.

Một số địa phương như Sơn La, Điện Biên, Nghệ An cho biết, thiết bị dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới chưa được cung cấp.

Tại Yên Bái, nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở thiếu máy tính nên chưa đảm bảo việc tổ chức dạy học môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo). 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất trong triển khai Chương trình dục dục phổ thông 2018, phát biểu tại hội nghị, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đồng thời nhận định: không thể chỉ ngày một, ngày hai có thể đáp ứng được các cơ sở vật chất, thiết bị trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Cần kế hoạch rất cụ thể để tháo gỡ từng năm một cho vấn đề này.

Đi vào vấn đề cụ thể với Quyết định số 1436/QĐ-TTg phê duyệt Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, ông Mai Văn Trinh cho biết: Giai đoạn 2017-2020, cơ cấu nguồn vốn gồm 4 nguồn chính:

Nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 để thực hiện kiên cố hóa trường, lớp học chiếm 20,9% tổng nhu cầu vốn của giai đoạn;

Nguồn vốn hỗ trợ thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 để hỗ trợ xây dựng bổ sung phòng học và khối phòng phục vụ học tập, chiếm 22,8% tổng nhu cầu vốn của giai đoạn;

Nguồn vốn ngân sách trung ương cho sự nghiệp giáo dục (chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục đào tạo) để hỗ trợ mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học được ưu tiên cân đối, bố trí từng năm, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước và không vượt quá 8,9% tổng nhu cầu vốn của giai đoạn;

Nguồn vốn ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác chiếm 47,6% tổng nhu cầu vốn của giai đoạn.

Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019, nguồn trái phiếu Chính phủ hòa chung vào nguồn ngân sách Nhà nước, nên giai đoạn 2021-2025 sẽ không còn nguồn của trái phiếu Chính phủ riêng nữa.

“Vậy chúng ta sẽ lấy nguồn từ những đâu?”. Trả lời câu hỏi này, ông Mai Văn Trinh dẫn Quyết định số 1535/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Theo Quyết định này, nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của các địa phương chiếm khoảng 73%, nguồn vốn từ Trung ương chỉ còn khoảng 27%.

Tổng hợp nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học của 63 tỉnh, thành phố giai đoạn 2021-2025 chiếm 223 ngàn tỷ đồng; chiếm 13% trong đầu tư vốn trung hạn từ ngân sách nhà nước.

Từ đó, ông Mai Văn Trinh đề nghị cần có một kế hoạch rất cụ thể cho xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học giai đoạn trung hạn, trước mắt là 2021-2025. Hằng năm, Hội đồng nhân dân phải có tính toán, phê duyệt nội dung này.

Ông Mai Văn Trinh đồng thời nhấn mạnh cần khai thác triệt để 2 nguồn vốn từ 2 Chương trình mục tiêu quốc gia; có thể tính toán đến các phương thức như BT, BOT, PPP trong giáo dục; các tỉnh, thành phố lớn có thể đi đầu để khơi nguồn kinh phí.

Ngoài ra, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất cũng đề nghị các địa phương, cùng với việc rà soát, kế thừa các thiết bị cũ, cần có kế hoạch mua sắm để bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nhấn mạnh vai trò của phòng học bộ môn, đặc biệt khi triển khai dạy học tự chọn trong chương trình lớp 10 từ năm học 2022-2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ