Cần quan tâm đầu tư kinh phí nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây phòng học, phòng dạy học trực tuyến cho các nhà trường; bởi vì hạ tầng công nghệ thông tin của đa số các trường chưa bảo đảm, thiết bị thiếu đồng bộ; nhiều gia đình, học sinh không có máy tính kết nối Internet, nên việc dạy, học trực tuyến hiệu quả chưa cao. Một số học sinh chưa được tiếp cận thiết bị, đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nhiệm vụ đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp của các địa phương do địa phương chủ động bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương (Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, bao gồm cả ngân sách Trung ương phân bổ cho các địa phương) và lồng ghép thực hiện thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn.
Thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ GD&ĐT đã ký ban hành Kế hoạch 3667/KH-BTTTT-BGDĐT ngày 21/9/2021 về việc phối hợp thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để hỗ trợ máy tính và sim 4G cho học sinh học trực tuyến.
Tại buổi Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” ngày 12/9/2021 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ 1.000.840 máy tính. Số lượng máy tính đã huy động được mới chỉ đáp ứng 46,1% tổng nhu cầu đề xuất của các địa phương.
Bộ GD&ĐT đã thực hiện kế hoạch phân bổ cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo và học sinh có bố hoặc mẹ bị tử vong do Covid-19 tại 36 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu các tỉnh phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên.
Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện các công việc để sớm hỗ trợ địa phương: Phân bổ máy tính bảng đợt 2 cho các tỉnh còn lại, trong đó có tỉnh Thái Bình (dự kiến 4.985 máy tương đương 12,46 tỷ đồng);
Hướng dẫn các địa phương tổ chức mua sắm bằng nguồn kinh phí huy động được tại địa phương từ các nhà sản xuất trong và ngoài nước, bàn giao cho cơ sở giáo dục để trao cho học sinh.
Tiếp tục phối hợp với nhà tài trợ để làm thủ tục tiếp nhận, lên phương án điều phối máy tính cho các địa phương còn thiếu, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng.
Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và quốc tế tham gia ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để phấn đấu tất cả học sinh không có điều kiện mua sắm máy tính sẽ được cấp để học tập trực tuyến.