Khó chấp nhận kiến nghị 5 điểm của VIPUA

GD&TĐ - Kiến nghị 5 điểm do Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (VIPUA) gửi Bộ GD&ĐT, trong đó có đề xuất những thay đổi trong mùa tuyển sinh 2014, đã khiến dư luận xã hội, các nhà giáo dục và các bậc phụ huynh không thể hiểu được, kiến nghị đó vì lợi ích của người học, vì sự phát triển của xã hội hay nhằm mục đích khác?

Chất lượng nguồn tuyển sinh là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo
Chất lượng nguồn tuyển sinh là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo

Bỏ qua lợi ích chung

Đi kèm những kiến nghị được đưa ra là những dẫn chứng xem ra rất có lý, nhưng các lý do được đưa ra - nói như một chuyên gia tuyển sinh - rằng: 

Quan điểm, nhận xét của một số người là đại diện cho các trường ngoài công lập khó tuyển sinh mấy năm nay, chứ không đại diện cho tất cả các trường ngoài công lập và càng không vì lợi ích của người học và xã hội. 

Vì thực tế không phải các trường ngoài công lập đều gặp khó khăn trong tuyển sinh, vấn đề là chất lượng đào tạo thế nào, uy tín với xã hội có hay không. Nếu đưa ra nhận xét võ đoán, đại diện cho một lợi ích cục bộ thì không khác nào “thầy bói sờ voi!”.

Hay như kiến nghị bỏ tuyển sinh theo khối ngay trong năm 2014, không được sử dụng điểm thi của các trường khác (tự chủ tuyển sinh), các trường không phải nộp đề án tự chủ, bỏ khối thi .... cũng đều được coi là những kiến nghị thiếu thực tế của VIPUA.

Nói về kiến nghị thiếu thực tế này, PGS.TS Trần Đắc Sử - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải - cho rằng: Tuyển sinh theo khối có những đặc thù riêng nhằm mục đích tuyển chọn người học với những yêu cầu khối kiến thức hết sức cơ bản. 

Đây là yêu cầu tối thiểu bắt buộc người học phải có để học ở bậc đại học. Ông nhấn mạnh: Sinh viên theo học các ngành Kỹ thuật Giao thông, Vận tải phải có kiến thức tốt về Toán, Vật lí, Hóa học. 

Sau này, khi triển khai tuyển sinh riêng theo lộ trình thì trường chúng tôi cũng bắt buộc thí sinh phải có thế mạnh những môn liên quan đến khoa học tự nhiên.

Còn theo TS Lê Văn Thanh – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội, đề xuất 5 điểm hoàn toàn không mới, như kiến nghị bỏ điểm sàn, bỏ khối thi, không cần nộp phương án tuyển sinh riêng, các trường thi riêng được lấy kết quả thi chung, gộp kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một. 

Không cần tinh ý có thể thấy tính thuyết phục không có, kiến nghị chỉ thể hiện mong muốn giúp các trường ngoài công lập đang gặp khó khăn trong tuyển sinh những năm qua.

Quyền và lợi cho ai?

Ngay sau khi thông tin về kiến nghị 5 điểm được VIPUA đưa ra, trên nhiều trang báo mạng đã có bài viết về việc này, và ngay lập tức đã có nhiều ý kiến phản hồi, trong đó đồng tình thì hiếm mà phản bác thì nhiều. 

Rất nhiều ý kiến cho rằng kiến nghị trên chỉ nhằm cứu các trường ĐH, CĐ ngoài công lập mà quên mất rằng chân lý chỉ có một: Muốn có người học, mệnh lệnh hành chính không thể thay bằng việc các trường phải tự tạo dựng thương hiệu cho mình, phải khẳng định chất lượng đào tạo, uy tín của mình với người học và xã hội.

Nhớ lại mùa tuyển sinh năm 2013, VIPUA cũng đã có kiến nghị bỏ điểm sàn. Ngay khi kiến nghị được đưa ra, đại đa số các ý kiến của các nhà khoa học, giáo dục, các chuyên gia tuyển sinh đều không đồng tình khi cho rằng đến thời điểm này, điểm sàn là ngưỡng cần thiết để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển. Kiến nghị bỏ điểm sàn ở mùa tuyển sinh năm 2014 này, sẽ lại khó có thể được chấp nhận vì tính thiếu thuyết phục của nó.

Kiến nghị 5 điểm của VIPA được đưa ra đang khiến cho xã hội hiểu rằng, họ đang cố gắng tìm mọi cách để giúp các trường có người học, chứ không phải vì quyền lợi của người học và xã hội. 

Một phụ huynh năm nay có con thi đại học, khi được hỏi ý kiến đã thẳng thắn trả lời, dù có nhàn hơn nhưng tôi không mong sáp nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ vào làm một, rồi lại đơn giản hóa kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ – là kỳ thi mà xã hội đánh giá là có uy tín nhất. Năm 2014 này, con tôi thi đại học, tôi chắc chắn cháu sẽ không chọn 1 trong số 16 trường có ý kiến tuyển sinh riêng.

Không thể đốt cháy giai đoạn

Kỳ thi “3 chung” kéo dài hơn 10 năm và đã được xã hội đánh giá cao. Tuy nhiên, để phù hợp với thực tế, với Luật Giáo dục Đại học và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, lộ trình chuyển đổi từ “3 chung” sang phương án tuyển sinh riêng do từng trường đã được lên kế hoạch.

Theo đó bảo đảm các tiêu chí trật tự, nghiêm túc, không gây xáo trộn lớn trong xã hội, Bộ GD&ĐT chỉ còn giữ vai trò quản lý Nhà nước trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh của các trường.

Một lộ trình thay đổi theo đúng tinh thần Luật Giáo dục Đại học và Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bàn, toàn diện giáo dục – đào tạo đã được đưa ra là hợp lý.

Tự chủ là điều Luật định, nhưng tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm, việc gửi phương án tuyển sinh riêng của các trường về Bộ không phải là để Bộ duyệt mà để thấy tính trách nhiệm của nhà trường với người học, với xã hội. 

Kiến nghị không gửi phương án tuyển sinh về Bộ GD&ĐT khiến cho dư luận xã hội hiểu rằng, làm vậy khác nào buông lỏng quản lý, để các trường muốn làm gì thì làm.

Những tưởng lộ trình cho đổi mới tuyển sinh đã được các trường và xã hội đồng thuận sau Hội nghị quán triệt Nghị quyết T.Ư 8 khóa 11 và Tổng kết năm học 2012 - 2013 các trường ĐH, CĐ, nhưng nhiều bậc phụ huynh, các nhà trường hết sức ngạc nhiên vì kiến nghị 5 điểm của VIPUA, với yêu cầu: Bỏ điểm sàn - khi đây là ngưỡng an toàn tối thiểu, cho các trường tự xây dựng phương án tuyển sinh riêng; yêu cầu sáp nhập 2 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ và tốt nghiệp THPT làm một - khi kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ vẫn là kỳ thi được xã hội tin tưởng nhất... 

Những hoài nghi hoàn toàn có cơ sở vì những kiến nghị trên của VIPUA chắc chắn cũng không thể giúp các trường ngoài công lập đang khó khăn trong tuyển sinh vượt qua được thác ghềnh mùa tuyển sinh 2014 này.

Luật Giáo dục Đại học cho phép các trường tự chủ tuyển sinh, nhưng chắc chắn Luật cũng không giúp các trường đang khó khăn về nguồn tuyển những năm qua lại dễ dàng trong mùa tuyển sinh 2014 này. 

Không thể đốt cháy giai đoạn, chỉ có một cách duy nhất là thời gian, các trường phải dần dần tạo dựng uy tín, vị thế cho mình bằng chính chất lượng đào tạo, còn không khó khăn sẽ vẫn xảy ra, kể cả có trường phải đóng cửa vì uy tín xã hội giảm sút.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thắng cử dễ, cầm quyền khó

GD&TĐ - Những nghi lễ nhậm chức trang trọng không còn lạ lẫm với ông Vladimir Putin khi chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 5 ở nước Nga.