Khi trẻ không chịu chào hỏi người lớn

GD&TĐ - Mỗi dịp gặp gỡ bạn bè hay họ hàng, một trong những nỗi khổ tâm của cha mẹ là con không chịu chào hỏi người lớn. Nhiều cha mẹ than phiền, họ đã làm mọi cách giáo dục con trẻ từ nhẹ nhàng tới răn đe, nhưng con vẫn không chịu chào hỏi. 

Khi trẻ không chịu chào hỏi người lớn

Không ít trong số đó lo lắng, nếu tình trạng này kéo dài, con sẽ trở thành đứa trẻ hư khi lớn lên?

Đừng trách oan con

Theo các chuyên gia giáo dục, nếu trẻ dưới 3 tuổi không chào người lớn thì đó là chuyện hết sức bình thường. Điều này không hề ảnh hưởng tới nhân cách của trẻ khi trưởng thành. Nếu cha mẹ nghĩ trẻ không chào hỏi người lớn là một hành vi ngang ngược thì đây là quy kết vô cùng oan uổng cho trẻ ở độ tuổi lên 3. Bởi ở giai đoạn này, trẻ chưa thể hiểu được thế nào là đúng, thế nào là sai một cách trọn vẹn.

Trẻ càng không thể hiểu được khái niệm về quy tắc ứng xử, xã giao, lễ phép trong xã hội, gia đình. Vì vậy, đừng ép trẻ phải chào hỏi khi trẻ không thích. Thông thường, khi trẻ từ 3-6 tuổi, trẻ mới nhận thức được vì sao mình phải chào hỏi người lớn và làm điều đó một cách tự nhiên nhất.

Đôi khi, cha mẹ sẽ thấy trẻ hào hứng chào hỏi người lớn hoặc không chào. Nguyên nhân là do cảm xúc của trẻ lên 3 rất ngẫu hứng, chúng có thể thích chào hoặc không thích chào mà không cần biết vì sao. Ngoài ra, theo bác sĩ Akehashi Daiji (bác sĩ thần kinh và tâm lý trẻ), tác giả của bộ sách “Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản” cho biết, trẻ lên 3 có những cảm xúc rất khó nắm bắt và cha mẹ cần phải quan tâm, chia sẻ để trẻ không rơi vào “khủng hoảng” tuổi lên 3.

Đó là trẻ đã biết khẳng định cái tôi cá nhân, nghĩa là coi mình là quan trọng, giá trị nhất. Với một số trẻ, cái tôi cá nhân cao, trẻ thường bướng bỉnh, thích làm ngược lại những gì người lớn dạy. Đây cũng chính là nền tảng cho hành vi, cảm xúc, nhân cách của trẻ sau này. Vì vậy, cha mẹ cần phải uốn nắn, nuôi dưỡng trẻ thật tốt trong giai đoạn từ 0-3 tuổi.

Dạy con các nguyên tắc cư xử lịch sự

Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ không nên ép con phải chào hỏi hay phải làm việc gì mà cha mẹ muốn khi đưa con ra ngoài mà gặp người khác. Hãy để con thoải mái cảm nhận sự an toàn khi giao tiếp với mọi người. Chúng sẽ dễ dàng giao tiếp hơn và câu chào sẽ bật ra một cách tự nhiên.

Khi con đã qua tuổi lên 6 mà vẫn chưa hình thành được thói quen cư xử lịch sự, cha mẹ hãy hoàn toàn lờ tịt đi nếu con cư xử bất lịch sự trước mặt người khác ngay thời điểm đó. Tuy nhiên, khi trở về nhà, hãy phạt con lỗi cư xử bất lịch sự đó.

Hãy tự phạt bản thân nếu như cha/mẹ đã trót làm sai hoặc quên. Luật pháp nghiêm minh dù chỉ ngay trong gia đình chính là nền tảng tốt nhất để hình thành thói quen sống văn minh.

Việc trẻ đã hình thành một thói quen chào hỏi nhưng sau đó không chịu thực hiện phần lớn là bởi hành vi đó của trẻ không được củng cố hoặc trẻ muốn sử dụng hành vi xấu để thu hút sự chú ý của cha mẹ.

Trong rất nhiều trường hợp ở những gia đình khác, khi trẻ mới hình thành một hành vi tốt (ví dụ như chào ông, bà, bác) cha mẹ và mọi người thường rất chú ý vào trẻ và khen là “con/cháu ngoan quá” một cách rất nồng nhiệt. Đây là điều củng cố cho hành vi chào của trẻ.

Dần dần, khi hành vi chào đã trở thành một thói quen, cha mẹ và người lớn thường có xu hướng ít thể hiện cảm xúc hơn với trẻ bằng lời và bằng cử chỉ, thậm chí còn không chú ý đến việc trẻ chào hỏi người khác. Điều này làm cho trẻ cảm thấy hụt hẫng và không thực hiện hành vi này nữa. Thường thì đây là một biểu hiện bình thường ở các em thể hiện nhu cầu muốn được bố mẹ quan tâm, chú ý.

Nó hay xảy ra vào các giai đoạn như có một biến cố nào đó trong gia đình làm cho trẻ cảm thấy mất an toàn hoặc mất sự quan tâm (điển hình là trường hợp mẹ có thêm em bé, bố mẹ chuyển công tác nên lịch làm việc thay đổi, bé phải đi nhà trẻ hoặc gia đình có người thân mới mất). Cách thức để giúp trẻ có lại được thói quen tốt trước hết là phải gần gũi, tạo cảm giác an toàn và thoải mái. Thứ đến là phải luôn chú ý đến hành vi tích cực của trẻ để khen thưởng kịp thời.

Làm gương cho con

Cha mẹ cần hiểu rằng, dạy con chào hỏi không phải bằng voi rọt hay quát mắng mà cần bằng những hành động và cam kết thiết thực như: cha mẹ chào con trước chẳng hạn. Trẻ lên 3 thường có xu hướng thích bắt chước người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Nếu cha mẹ thường xuyên chào hỏi trẻ khi gặp thì trẻ sẽ nhanh chóng chào lại trong niềm vui thích.

Thông thường, trẻ con rất ghét bị cha mẹ mắng, và càng ngang bướng hơn nếu cha mẹ sử dụng đòn roi. Chúng có thể làm nhưng làm trong chống đối. Cách tốt nhất để trẻ học chào hỏi và hiểu được ý nghĩa của quy tắc ứng xử này là cha mẹ nên chào bé trước. Sau đó, đừng quên nhờ người quen tới nhà chào bé trước để bé bắt chước và tạo thành thói quen. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần phải kiên nhẫn trong quá trình dạy trẻ, bởi không phải cha mẹ làm lần đầu trẻ đã ghi nhớ ngay. Trong giai đoạn này, trí nhớ của trẻ rất ngắn, chúng sẽ nhanh chóng quên nếu cha mẹ không thường xuyên lặp lại. Vì vậy, hãy kiên trì làm gương cho con cho tới khi tạo thành thói quen của trẻ.

Theo Family

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ