Trang bị kỹ năng đọc cho con

GD&TĐ - Nhiều phụ huynh thường phàn nàn, trẻ con bây giờ thích xem tivi hơn đọc sách. Tuy nhiên, để trẻ yêu thích việc đọc sách thì ngay từ nhỏ phụ huynh cần cho con tiếp cận với sách và dạy chúng các kỹ năng đọc sách.

Trang bị kỹ năng đọc cho con

Vì sao trẻ ngại đọc sách?

Đọc sách, là một kỹ năng rất quan trọng cho sự thành công của mỗi con người. Bởi vì nếu có kỹ năng đọc tốt, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt được kiến thức và biết vận dụng vào cuộc sống. Các chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng, việc đọc sách thường xuyên cho con nghe sẽ giúp con lĩnh hội được một số kiến thức đặc biệt là nâng cao vốn từ cũng như kỹ năng nói và viết.

Ở lứa tuổi tiểu học, cha mẹ nên tạo cho trẻ có thói quen đọc sách điều đó rất tốt cho quá trình hoàn thiện các kỹ năng của con.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh đã chia sẻ những băn khoăn: Mặc dù cha mẹ đã chú ý tìm mua những cuốn sách có hình ảnh đẹp phù hợp với lứa tuổi cho con, nhưng không phải lúc nào con cũng thích đọc. Thậm chí có những trẻ khi nhỏ thích đọc sách, nhưng càng lớn thì thói quen đọc sách giảm dần.

Tiến sĩ Trần Hương Quỳnh, giảng viên Trường ĐH SP Hà Nội đã chỉ ra những nguyên nhân khiến trẻ không thích đọc sách: Trước tiên trẻ không thích đọc sách vì trẻ chưa ý thức được lợi ích của việc đọc sách. Các con không có nhu cầu cần phải đọc sách bởi vì dường như các thông tin đưa ra cho các con đã khá đầy đủ.

Trẻ không thấy sự thiếu hụt về thông tin, nên không cảm thấy có nhu cầu cần phải tìm hiểu thêm. Bên cạnh đó, các con không tiếp cận được những sách hay nên thiếu động lực để đọc. Hiện nay nhiều trẻ mất quá nhiều thời gian đi học thêm, vì vậy cũng hạn chế thời gian đọc sách. Với những sách bằng tiếng Anh trẻ cũng khó khăn trong quá trình đọc. Nhiều trẻ chưa được khuyến khích đọc sách một cách đúng lúc.

Làm thế nào để trẻ ham đọc sách?

Tại Hội thảo của CLB Con tự học, nhiều phụ huynh đã bày tỏ mong muốn làm thế nào để trang bị cho trẻ các kỹ năng đọc sách. Với vai trò là Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Con tự học, chị Dương Thị Minh cho biết: Con chị và nhiều bạn nhỏ khác dù đã thích đọc, đọc khá nhiều, thậm chí rất nhiều sách, nhưng chưa thực sự có kỹ năng đọc tốt.

Nhiều bạn trả lời các câu hỏi đọc hiểu đạt điểm cao nhưng gặp khó khăn khi tổng hợp những thông tin đọc được, khi kết nối những gì vừa đọc với những gì đã biết. Vì vậy chất lượng đọc, hay các kỹ năng đọc, chứ không chỉ là có sách hay để đọc, cần phải được bố mẹ đặc biệt quan tâm.

Đó cũng là lý do dự án Read and Connect - dự án phát triển kỹ năng đọc do Con tự học, Kids Need Books đồng phối hợp thực hiện do TS Trần Hương Quỳnh làm cố vấn chuyên môn ra đời. Với dự án này, các phụ huynh được tư vấn cách làm thế nào để trẻ thích đọc sách, cách chọn sách cho con như thế nào. Tham gia dự án này, các em nhỏ được hướng dẫn về các kỹ năng đọc sách và quan trọng là giúp các em có hứng thú với việc đọc sách.

Theo TS Trần Hương Quỳnh, để tạo được thói quen cho trẻ đọc sách thì bố mẹ cần có thói quen này. Vì vậy phụ huynh phải để các con nhìn thấy bố mẹ đọc sách ở nhà. Ngoài việc đọc để làm bài tập, để trả lời câu hỏi còn có nhiều kỹ năng đọc khác. Đọc còn để hiểu, đọc để thảo luận. Nhưng để các con thích đọc thì cần phải tạo cho con sự tự tin khi đọc sách.

Kỹ năng đọc và đọc hiểu cho con có rất nhiều phần. Ví dụ như kỹ năng hướng dẫn trẻ sử dụng những kiến thức đã học để hiểu văn bản hơn thì có thể tách ra rất nhiều phần như dùng những trải nghiệm của mình để hiểu về cảm xúc của một nhân vật trong một tình huống nào đó. Khi trẻ đã được trải nghiệm thì trẻ sẽ cảm nhận tốt hơn nội dung văn bản. Mỗi một kỹ năng nhỏ đều có những quyển sách đi kèm để giúp cho trẻ biết được cách làm. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên để cho trẻ tự chọn sách để đọc.

Tiến sĩ Cần Trần Hương Quỳnh cũng cho rằng, cần có sự kết nối của việc đọc sách với các hoạt động trong gia đình. Bố mẹ có thể cùng con đi mua sách và lựa chọn thời gian đọc sách cùng nhau. Cha mẹ nên đọc cùng con mỗi ngày, có thể đọc to hoặc đọc nhỏ. Cha mẹ không nên vội vàng tăng độ khó về ngôn ngữ khi chọn những cuốn sách cho con. Bố mẹ nên cho con đọc nhiều cuốn sách khác nhau nhưng có cùng độ khó về ngôn ngữ để con dễ dàng tiếp cận hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ