Sau chủ trương khuyến khích dựng những kịch bản nội lên sân khấu của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, kịch nước ngoài đành nhường chỗ cho kịch nội lên sàn. Thế nhưng, vài năm trở lại đây sân khấu lại quay trở lại dựng kịch nước ngoài và đã có những vở diễn tìm cách “Việt hóa” kịch nước ngoài rất thành công, tạo những cơn gió mới lạ cho giới làm nghệ thuật đang loay hoay đi tìm những hình thức và nội dung mới cho sân khấu.
Vở "Âm mưu và tình yêu" |
Một cách làm hiệu quả?
Kịch bản là khâu đầu tiên quyết định sự thành công của vở diễn. Tuy nhiên, theo lời một giám đốc nhà hát, vở của tác giả VN thường phải biên tập, sửa chữa rất nhiều mà vẫn khó hay và khó đứng được trên sàn diễn vì không tạo nổi cao trào làm nền cho xung đột hoặc nếu có cao trào thì giả tạo, yếu ớt. Trong khi đó, chọn kịch bản nước ngoài rất ít bị cháy vở bởi tính văn học, triết lý cao và sự hấp dẫn, táo bạo về tư tưởng của nó.
Không chỉ thế kịch bản nước ngoài thường tạo cho đạo diễn, diễn viên nhiều cơ hội thử sức. Bởi thế, đạo diễn Xuân Huyền khi nhận được bi kịch Othello (Shakespeare) đã "tranh thủ" trổ tài xử lý không gian sân khấu ước lệ (tùy theo diễn xuất và lời thoại nhân vật mà sân khấu Nhà hát Tuồng VN lúc là lâu đài của Othello, lúc lại là núi non, thành quách). Còn vở kịch kinh điển Nơi cuộc đời ẩn náu (Nga) đã khiến Minh Vượng (người thủ vai Iulia) được tăng 2 bậc lương bởi nỗ lực truyền tải ý đồ tư tưởng kịch bản và nghệ thuật thể hiện diễn biến tâm lý tinh tế của chị.
Về thi pháp, ưu điểm của kịch phương Tây lại không sa vào những va chạm vụn vặt, những cuộc cãi vã nhỏ lặp đi lặp lại giữa nhân vật. Ở Shakespeares, hành động kịch không những phát triển về chiều sâu mà còn về chiều rộng và quy mô xung đột. Bên cạnh đó, các kịch bản nước ngoài luôn có sự cách tân về hình thức. Ngược lại, xung đột kịch VN chỉ bó hẹp trong phạm vi va chạm nhỏ, bản thân nó không có khả năng biểu hiện mâu thuẫn thời đại mà chỉ khơi gợi những tình huống phức tạp, éo le có tính chất hình thức, không tạo được mâu thuẫn giữa nhân vật với hoàn cảnh.
Cũng có ý kiến cho rằng dựng kịch nước ngoài là một trong những giải pháp nhằm gỡ rối tình hình khan hiếm kịch bản hay trong nước. Cũng đúng một phần, bởi lẽ việc tiếp thu và dựng những kịch bản sân khấu hay của nước ngoài là một xu hướng hàng chục năm nay của sân khấu, làm phong phú kịch mục của các đơn vị cũng như giúp sân khấu Việt Nam nhanh chóng hội nhập với nền sân khấu hiện đại của thế giới. Điều này đã minh chứng ở hàng loạt những vở diễn có thể gọi là “hàng ngoại – chất lượng cao” như: Người lính cầm súng, Chuông đồng hồ điện Kremlin, Khúc thứ ba bi tráng, Đêm Họa mi, Vụ án của Erotstat, Cuộc chia tay tháng 6, Othelo, Vòng phấn Capcadơ, Âm mưu và tình yêu, Nila – Cô gái đánh trống trận... rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam đã nổi danh nhờ vào các hình tượng nhân vật trong các vở kịch nước ngoài.
Những năm gần đây, một số nhà hát lớn đã tạo được dư luận tốt với những tác phẩm dựng từ kịch nước ngoài từ kịch kinh điển cho tới những kịch bản của các tác giả đương đại. Phải kể tới những vở diễn thành công như: Macbeth, Nhà búp bê, Con cáo và chùm nho, Đời cười (Nhà hát Tuổi Trẻ), Cậu Đồng, Cái tráp vàng, Trùm lừa (Sân khấu Kịch Idecaf), Điều thiêng liêng nhất, Một cuộc đời bị dánh cắp, Con cáo và chùm nho (NH Kịch Sân khấu nhỏ 5b Võ Văn Tần), Ả ca ve ở nhà hàng Macxim (Nhà hát Kịch Việt Nam)...
Việt hóa kịch bản nước ngoài có dễ?
Dựng nguyên xi kịch bản hay tiến hành công đoạn “Việt hóa” cả kịch bản cho tới dàn dựng, diễn xuất? Đây là một băn khoăn không dễ giải ngay cả đối với những người làm. Thế nên mới có chuyện khi Nhà hát X diễn Macbeth thì được sự đón nhận ủng hộ của đồng nghiệp và công chúng còn Nhà hát B cũng ra mắt vở Hamlet thì lại không được như vậy. Nguyên nhân bởi lẽ đạo diễn của Macbeth đã mạnh dạn cắt bớt những đoạn quá dài từ kịch bản, viết thêm thoại, bồi đắp thêm cho tính cách nhân vật rõ nét. Đạo diễn của Hamlet thì lại quá phụ thuộc vào kịch bản tới độ kéo dài vở diễn tới 3 tiếng đồng hồ mà cách dàn dựng lại quá cũ, không có gì hấp dẫn, dẫn tới sự thất bại của vở. Trong khi Hamlet nhanh chóng bị rơi vào quên lãng thì Macbeth liên tiếp giành được thắng lợi như giải thưởng quốc tế ở Trung Quốc, được mời tham gia Liên hoan Shakespeare quốc tế.
Vì sao ngay cả những vở kinh điển như Hamlet, Đêm giông tố mà khi dựng lại trên sân khấu Việt hiệu quả lại không cao? Phải chăng vấn đề chính là ở hội đồng nghệ thuật và chỉ đạo nghệ thuật đơn vị đó phải là những người thật sự tinh tường, phải có con mắt xanh nắm bắt được xem khán giả của mình sẽ thích món ăn gì thay vì việc kịch bản của bạn đã từng được kiểm chứng thành công thì sẽ thành công khi ta dựng lại.
Đừng nghĩ rằng khán giả Việt Nam không ưa kịch bản nước ngoài vì nó đặt ra những vấn đề và con người hoàn toàn xa lạ với hiện thực xã hội Việt Nam. Vấn đề đặt ra là các nhà sân khấu VN nên lựa chọn kịch bản nào cho phù hợp với thị hiếu của khán giả Việt, tác phẩm dựng lên không bị lạc lõng với xã hội và con người Việt Nam. Bài toán này không phải đơn vị nào, đạo diễn nào cũng có thể hóa giải...