Sự khích lệ của bạn tri âm là cần thiết
Trao đổi với nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim về giải thưởng cho tác phẩm “Dòng sông mía”, nhà văn Đào Thắng đã hé lộ với độc giả một số vấn đề thú vị xoay quanh tác phẩm này.
Nhà văn Đào Thắng đã thai nghén “Dòng sông mía” 14 năm. Ông cho rằng, với một người viết văn, thời gian đó cũng chưa đủ dài. Có những tác giả cả đời mới xong một cuốn tiểu thuyết thì sao? “Dòng sông mía” được khởi thảo năm 1991, khi ông tham dự trại viết của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Dự trại viết có nhiều bạn bè cùng thời ông như Nguyễn Khắc Trường, Bảo Ninh, Chu Lai...
Trước khi viết, Đào Thắng có kể cho bạn bè nghe về ý định của mình, Nguyễn Khắc Trường bảo: “Có miếng thịt bò bắp rồi, không chịu chế biến đi còn chờ gì nữa”. Vậy là ông bắt tay vào viết một cách hào hứng. Đang ở với mấy người bạn cùng phòng, Đào Thắng khiêng bàn lên tum tầng 4 và ngồi viết một mình trên đó. Viết được phần I Lửa hoang và 2 chương của phần II thì bà xã bị tai nạn, ông phải để mọi thứ dở dang trở về. Năm 1997, ông mới hoàn thiện phần II.
Nhà văn Bùi Bình Thi |
Mặc dầu đứt quãng nhưng lại có thời gian nghiền ngẫm. Năm 2000, tại trại viết Nha Trang, Đào Thắng đã sửa xong. Năm 2004, ông mới đưa bản thảo đi in. Để viết được “Dòng sông mía” nhà văn kể, ông đã phải về sống ở quê, mua một cái máy ép mía, lao động ngày đêm như giời đày để nấu nước mía thành đường. Mọi đoạn được ông làm một cách lén lút trong một căn phòng nhỏ. Mệt lắm, có lúc nghĩ dừng tay để nghỉ ngơi chút xíu nhưng lại ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy lại hì hục ngồi ép mía, nấu đường...
Để có “Dòng sông mía”, Đào Thắng bảo, ông phải cảm ơn rất nhiều những người bạn đã ủng hộ cuốn sách ngay từ những trang bản thảo. Đặc biệt là nhà văn Nguyễn Khắc Trường. Đó không phải là một sự tán tụng, khen hoắng mà là những lời khích lệ thực sự có giá trị.
Viết văn - cần cái say mê của kẻ nhập đồng
Nhà văn Bùi Bình Thi sinh năm 1939, quê Ứng Hòa Hà Tây (nay là Hà Nội). Các tác phẩm chính: Ký sự Xiêng Khoảng (1970), Đường về cánh đồng Chum (1971), Âm vang của rừng (1971), Tây Nguyên mùa cày (1972), Mặt trời trên đỉnh thác (1987), Mùa mưa đến sớm (1973), Hành lang phía đông (1987), Kiếp người (1996), Dại tình... |
Bùi Bình Thi, một “cựu trưởng lão” trong làng văn, là người rất bốc và cá tính - tới mức người nghe không quen sẽ cảm thấy khó chịu, vì sự kẻ cả, bỗ bã thái quá của ông. Nghe ông nói và viết, có cảm giác như ông già béo tốt phương phi gần cả tạ này giỏi món “sex” lắm. Nhưng khi gặp đối thủ tranh luận về chuyện này, ông ngẩn ngơ và lúng túng, chắp tay lạy ngay. Tuy nhiên, có những lúc nhà văn tự tin thái quá, viết ào ào về sex, và khi đọc lại, mới thấy ông quá “non nớt” về vấn đề này.
Có một nhà thơ nữ đã chỉ ra chỗ “non” ấy trong tác phẩm “Dại tình” của ông. Rằng, chi tiết khi chị em phá thai bởi lỡ làng, không phải thai nhỏ đến nỗi, chỉ đựng trong lọ “penicillin” như ông mô tả đâu... Nhà văn đã bé cái nhầm quá trình phát triển của thai nhi - với sự suy diễn cảm tính - một thói quen thường gặp ở các nhà văn, nhà thơ.
Nhà văn Bùi Bình Thi, trước khi in tiểu thuyết “Dại tình”, đã trao đổi về ý đồ trong tác phẩm, giữa vấn đề sex và câu chuyện đời sống của các cô gái - theo kiểu tự truyện. Bố cục tác phẩm gần giống Chuyện mười ngày của Boccaccio. Đọc Dại tình, ta thấy hấp dẫn, mang tính giải trí cao, đặc biệt, dấu ấn là đậm về sex. Tuy nhiên, các nhà văn trẻ có nói đùa, ông mà bàn về sex, không lại được với họ. Vì viết về vấn đề tế nhị này, nhà văn ngoài 70 của chúng ta chỉ là ký ức, nhớ lại - và lại là thế hệ cổ kính về sex mất rồi. Nghe vậy, Bùi Bình Thi cười trừ... và tâm phục khẩu phục.
Nhà văn Bùi Bình Thi rất thân với nhà văn Ma Văn Kháng. Nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: "Mỗi lần gặp nhau trên sóng điện (điện thoại) là Bùi Bình Thi lại nói về cuốn sách anh đang theo đuổi. Nói một cách thật say mê. Cái say mê bất tử của một kẻ nhập đồng, nhập cuộc, dấn thân, chỉ một lòng một dạ triệt để dâng hiến cho văn chương. Cái mê say bất chấp của một viên đạn đã ra khỏi nòng, chỉ một đường bay thẳng!"
Nhà văn Đào Thắng sinh năm 1946 tại Bình Lục (Hà Nam). Ông từng là chiến sỹ pháo cao xạ chiến đấu ở khu IV tuyến lửa những năm tháng chống Mỹ. Ông tốt nghiệp trường viết văn Nguyễn Du (khoá I), và công tác tại Xưởng phim quân đội, từng là chuyên viên Cục Tư tưởng - Văn hóa. Hiện ông là Chánh văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Đào Thắng đoạt giải A cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn VN với tác phẩm “Dòng sông mía”. |
Ngân Hà