Khi quá khứ đã không trở thành quá khứ

GD&TĐ - Khi quá khứ đã không trở thành quá khứ, đó là khi chấn thương tâm lý hình thành.

Khi quá khứ đã không trở thành quá khứ

Tôi đọc cuốn truyện mang tên “Người PTSD” này thấy lạ. Lạ ở tên tác giả và tên truyện. Thường khi cái lạ gây sự hồi hộp và chờ đợi. Có thể ta sẽ được đọc một cuốn truyện hay và phát hiện một tác giả mới. Cũng có thể ngược lại. Nhưng cũng chính vì thế cái lạ lại tạo sự tò mò. Người PTSD là ai? Và tác giả của người đó là ai?

Sam, nhân vật chính trong cuốn truyện này, là một cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam. Trở về nước sau chiến tranh, Sam sống cuộc sống bình thường của một người độc thân khi người vợ đã mất từ trước, rồi ông nhận Thu, một bé gái Việt Nam di dân, làm con nuôi.

Truyện bắt đầu khi Sam cảm thấy mình bị ám ảnh bởi quá khứ chiến tranh. Người đọc bắt gặp Sam trong tình cảnh tâm lý đó ngay từ trang đầu cuốn sách. Và suốt mấy trăm trang sách tác giả kể cho ta về hành trình vật lộn chống chọi sự ám ảnh đã trở thành một căn bệnh của Sam. Căn bệnh PTSD.

Bốn chữ này xuất hiện khá sớm trong truyện nhưng tác giả không chú thích, không nói rõ. Bởi đây là một cuốn truyện nên tác giả cứ để nhân vật tự mình trải qua những cơn mơ trở thành ác mộng hành hạ thân xác và tâm trí ông ngày càng nhiều lên, càng nặng thêm.

Hiện về trong những ác mộng của Sam là cảnh tượng chiến tranh ở Việt Nam. Đó là cảnh người phụ nữ bị dí súng vào đầu nhưng vẫn âu yếm đứa con nhỏ trong tay, hát cho nó nghe những lời ru ngọt ngào. Đó là cảnh binh lính bắn chết những người dân vô tội ở giữa phố phường hay ở làng quê.

Sự khốc liệt tàn bạo của chiến tranh dội lại trong ký ức Sam gây ra nỗi đau nhức nhối tâm lý và mặc cảm tội lỗi. Dần dần PTSD được nói ra trong câu chuyện của các nhân vật.

PTSD là viết tắt của “Post-traumatic Stress Disorder” (Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương). Theo tâm lý học PTSD là một rối loạn tâm thần có thể xảy ra ở những người đã trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đau thương mạnh như thiên tai, tai nạn nghiêm trọng, hành động khủng bố, chiến tranh/chiến đấu hoặc bị hiếp dâm, hoặc những người bị đe dọa tử vong, bạo lực tình dục hoặc tổn thương nghiêm trọng.

Hội chứng PTSD hay gặp nhất ở những người tham chiến, tuy nó vẫn có thể xảy ra ở những đối tượng khác. Sam trong cuốn truyện này là một người PTSD vì chiến tranh. Ông không tìm được cách điều trị ở Mỹ nên quyết định quay lại nơi là chiến trường xưa.

Tác giả cho nhân vật chuyển không gian sang Việt Nam trong một chuyến đi du lịch tới Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và miền tây Nam Bộ. Tại đây Sam đi tìm thuốc chữa PTSD cho mình qua những cuộc chuyện trò với Lâm, người hướng dẫn du lịch, với ông Đức bố Lâm, một cựu chiến binh phía Bắc Việt Nam, và với Diễm, bạn cùng nghề của Lâm.

Sam như được nâng đỡ, tiếp sức khi gặp sự đồng cảm của ông Đức, nhưng thấy đau khổ, căng thẳng khi vấp phải sự phản ứng quyết liệt của Diễm.

Trong suốt chuyến đi người cựu chiến binh Mỹ vẫn luôn liên lạc trò chuyện với người con nuôi Việt, quá khứ của Thu vẫn là điều chưa biết của Sam và cô cũng chưa dám đối diện với nó. Nhưng cuối truyện tác giả đã để Thu quyết định bay về nước và cùng bố nuôi đến thăm một trại trẻ nạn nhân chất độc da cam. Từ đây Sam thấy ra việc làm cuối đời của mình để chuộc lỗi, để thoát khỏi PTSD, là sẽ xin vào đây làm việc thiện nguyện. Sau cơn mưa cầu vồng lại hiện ra, trời lại đẹp.

Cuốn truyện của Thương Hà viết về một chủ đề khó. Thực tế chiến tranh, hội chứng PTSD của người lính đi qua chiến tranh, lại là của một cựu chiến binh Mỹ, trong khi tác giả là một người Việt sinh ra sau chiến tranh. Nhưng tác giả đã thể hiện khá sinh động những cơn vật vã trong ác mộng của Sam.

Chi tiết cái băng cassete cũ ghi bài hát ru tiếng Việt mà Sam cứ nghe đi nghe lại dù không hiểu lời luôn gắn với hình ảnh người mẹ bồng con trước lúc bị bắn là một chi tiết có sức ám gợi, nhất là khi tác giả biết tiết chế chỉ hé ra một câu hát “Ví dầu cầu ván đóng đanh…”.

Tác giả để Sam được ông Đức mời về nhà chơi và cuộc đối thoại của hai cựu thù xưa là một cách chị muốn lý giải PTSD từ cả phía những người lính Việt Nam. Đây là một khoảng trống gần như chưa được khai thác trong văn chương viết về chiến tranh nhìn từ phía Việt Nam.

Nhìn ở góc độ này thì có thể coi Kiên trong tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh cũng là một “người PTSD”, và có lẽ là ca bệnh loại này đầu tiên trong văn chương nước ta.

Chắc hẳn Thương Hà trước khi viết câu chuyện của Sam đã phải đọc nhiều những tài liệu về tâm lý học. Khi quá khứ đã không trở thành quá khứ, đó là khi chấn thương tâm lý hình thành. Một tác phẩm và một tác giả khiến tôi có thể chờ đợi những cái viết tiếp sau của Thương Hà.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ