Nước mắt đau đớn vì những đứa con có lớn nhưng không có khôn
Ông Nguyễn Văn Chinh (xã Yên Dưỡng, Cẩm Khê, Phú Thọ) đã dành tuổi thanh xuân của mình để tham gia chiến đấu ở trường miền nam vào những năm bom đạn bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Thời gian đó, ông cũng giống như mọi thanh niên khác, đều chung một lí tưởng đánh đuổi giặc Mỹ để thống nhất 2 miền đất nước.
Bà Sửu bên hai con và cháu Thắm. |
Không chỉ dừng lại ở đó, trong một cuộc tập kích ông bị bắt và đem đi đầy tại nhà tù Côn Đảo. Trải qua những năm cùng cực của cuộc đời, với 8 năm ròng rã phải chịu cảnh tra tấn đánh đập đau khổ, ông vẫn một lòng hướng về tổ quốc, quê hương, mong ngày độc lập. Sau này khi đất nước thống nhất, ông được tại ngoại và trở về quê hương phát triển kinh tế, rồi kết hôn với bà Nguyễn thị Sửu người vợ của ông bây giờ.
Thế nhưng cuộc sống lại trớ trêu khi ông không biết rằng, mình đã mang trong mình chất độc chết người, để rồi cứ thế những đưa con ra đời. Người con cả của ông có lẽ là người may mắn nhất trong gia đình khi bị di chứng nhẹ nhất, vì còn biết chút nhận thức về cuộc sống.
Bà Sửu bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối nên phải thường xuyên trị xạ, cơ thể chỉ còn 38 kg, da bọc xương. |
Ông bà lần lượt sinh những đứa con. Đứa đầu rồi đứa con thứ 2, thứ 3, thứ 4 cứ thế lần lượt ra đời. Nhưng trong số đó người con thứ 2 của ông bà đã chết vì bị một căn bệnh lạ mà chính ông bà cũng không hay biết. Với mong muốn mình sẽ có một gia đình hạnh phúc, và những người con khôi ngô tuấn tú, ông bà quyết tâm sinh thêm một người con nữa, rồi lại sinh thêm một người con nữa.
Khi những người con lớn hơn một chút, ông bà mới nhận ra rằng, hình như những đứa con của mình không được thông minh và nhanh nhẹn như những đứa bạn cùng trang lứa. Chúng có lớn mà không có khôn, cái thân hình to lớn kia lại được điều khiển bởi một tâm hồn khờ khạo.
Vậy là ông bà đã biết, những người con của mình đang mang một căn bệnh, mang tên di chứng chất độc màu da cam.
Cuộc sống khó khăn, những đứa con lớn dần, gánh nặng tiền bạc càng nặng nề. Cái thời mà người dân quê chỉ ăn cơm độn sắn độn khoai đã nuôi những người con của ông bà lớn lên cùng những bữa cơm chỉ ăn cho qua ngày.
Bà Sửu nhớ lại khoảnh khắc khốn khổ: "Cuộc sống thật cơ cực cháu ạ, nhìn những đứa con mình đẻ ra không được bằng bạn bằng bè, không biết suy nghĩ, không biết tự lo cho cuộc sống của mình mà tủi thân lắm.
Con của anh Tuyến và người vợ bị bệnh tâm thần nay đã bỏ nhà đi. |
Lắm đêm vợ chồng ngồi nói chuyện với nhau mà nước mắt cứ ứa tràn trên má, nhìn bề ngoài thì chỉ là cái vỏ, chứ làm một người mẹ có 3, 4 người con bị di chứng chất độc màu ra cam như vậy đau xót biết bao. Xót cho mình thì ít, xót cho số phận của chúng sau này thì nhiều cháu ạ. Cứ nghĩ vậy thôi, người làm bố làm mẹ như tôi nào dám an lòng".
"Nếu mai sau tôi chết, mọi người hãy cứu con cháu tôi với"
Ông bà luôn ước mong là có một tổ ấm nho nhỏ, nghèo cũng được nhưng hạnh phúc với những đứa con, đứa cháu khỏe mạnh. Thế nhưng hiện thực đã lấy đi ước mơ nhỏ nhoi nhất của bà.
Tuổi đã cao, bà Sửu tâm sự, bà chết cũng được nhưng những đứa con khờ khạo của bà sẽ ra sao nếu một ngày bà không còn.
Vì vậy, bà Sửu đã kiếm cho anh một cô vợ và một đứa con để sau này, chẳng may khi ông bà qua đời, sẽ có người chăm sóc các con của mình. Ông bà học hành nhận thức thấp đâu có hiểu, chỉ nghĩ rằng, hai đứa sau cũng như anh trai cả nó, chỉ bị di chứng chút ít thôi, đẻ ra các con chắc sẽ được bình thường.
Ông bà cứ luôn cầu mong như vậy nên đã cưới đại cho anh thứ 2 một cô gái ở làng bên, nghe đâu cô ấy cũng bị mắc bệnh tâm thần do di chứng của một cuộc tình ngang trái nào đó để lại.
Thế rồi đám cưới cũng đến. Niềm hạnh phúc như vỡ òa khi bà biết con dâu mình mang bầu. Bà mừng như mình được sống lại một lần nữa. Vậy mà, may mắn lại không mỉm cười với gia đình khốn khổ này.
Đứa cháu sinh ra, cuộc sống lâm vào bế tắc vì tiền trợ cấp chất độc của đứa con thứ 2 được 790.000 VND, không đủ để nuôi hai cha con, làm sao có thể nuôi thêm được cô vợ nữa. Trong khi đó, đứa con thứ 2 của bà cũng không có khả năng lao động, tất cả đều dựa vào tiền lương của anh và của chồng bà.
Phương tiện đi lại chỉ có một chiếc xe đạp cà tàng. |
Cuộc sống khó khăn vất vả như vậy nhưng cuộc đời càng bất công hơn khi người lao động duy nhất trong gia đình là bà lại mang căn bệnh ung thư. Chẳng biết sống được tới bao giờ, trong khi hàng tháng bà phải đi xạ trị thường xuyên để kéo dài cuộc sống, sức của bà đã dần cạn kiệt khi cơ thể giờ chỉ còn da bọc xương.
Khó khăn chồng chất khó khăn, ông Chinh giờ đã quá tuổi lao động, lương cũng chỉ đủ trang trải phần nào cuộc sống, bà Sửu thì không còn khả năng làm việc, chỉ ngồi một chỗ. Anh Tuyến (người con trai thứ) cũng không biết làm gì ngoài việc đi chăn giúp gia đình con trâu, hoặc cho lợn, gà ăn khi được mẹ sai bảo.
Đang ngồi nói chuyện với bà trong nhà thì tôi nghe tiếng cậu út quát, anh Tuyến đang phát mông đứa bé, rồi đòi quăng đứa bé ra ngoài đường vì nó quấy anh không dỗ nổi. Dìu bà Sửu ra, rồi tôi nịnh anh đưa tôi bế cháu cho anh đỡ mệt. Sang tay tôi chưa được một phút cháu lại khóc quá nên bà Sửu lại phải bế cháu. Nhìn người bà khắc khổ chỉ còn da bọc xương mà tôi thật không cầm được nước mắt.
"Dạo này khó khăn quá, gần một năm nay tôi ốm, có làm lụng được gì đâu, nhà giờ khổ quá, lại còn phải nuôi đứa cháu còn đỏ hỏn này nữa, giờ tiền mua sữa cũng chẳng có, nên mỗi tháng tằn tiện, ăn mắm tôm, muối với chút lạc rang để đành tiền mua cho cháu chút sữa. Mà số tiền thì cũng gọi là có thôi, chứ nào được bao nhiêu. Vì phần nhiều còn dành cho tôi đi chữa chạy nữa. Nhưng mà ung thư chữa sao được, cố sống ngày nào hay ngày đó thôi. Lắm lúc tôi nghĩ, thà chết đi cho nhẹ nhàng còn hơn chịu cảnh đau đớn, hành hạ thế này", bà Sửu than thở.
Anh Tuyến và đứa con gái của mình. |
"Giờ thực sự tôi cũng chẳng biết làm thế nào để nuôi cháu nó nữa, tôi chắc chỉ sống tính bằng tháng thôi, chứ nào mong được bằng năm. Bao năm ăn chay niệm phật mà cuộc sống của tôi sao chẳng được tốt lành thêm chút nào vậy", bà Sửu tự trách số phận bạc bẽo của mình.
Bà Sửu chỉ có một nguyệt vọng duy nhất: "Nếu có một phép mầu, tôi cầu mong mọi người dang tay cứu giúp cháu tôi khi tôi tạ trần về với tổ tiên. Còn căn nhà, với số nợ 25 triệu kia, thực sự tôi cũng không biết sẽ trả thế nào, đành phó mặc cho số phận thôi cậu ạ", bà thở dài.
Liên hệ với lãnh đạo địa phương, ông Nguyễn Xuân Tú - Chủ tịch UBND xã Yên Dưỡng xác nhận, gia đình ông Nguyễn Văn Chinh thuộc hộ nghèo trong xã, "Gia đình ông Chinh, bà Sửu rất khó khăn, ông Chinh đi kháng chiến chống Mỹ và bị chất độc mầu da cam. Ông bà già cả rồi mà các con của ông bà lại bị như thế nên trăm cái khổ".
Quý độc giả có tấm lòng hảo tâm muốn chia sẻ phần nào cho gia đình ông Chinh, bà Sửu vui lòng liên hệ: Ông Nguyễn Văn Chinh (Khu 4, xã Yên Dưỡng, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) - Báo điện tử Người Đưa Tin Đ/c: Tầng 4, tòa nhà Star Tower, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: 04 6295 0202/ 0466754477 Tên chủ tài khoản: Báo điện tử Người Đưa Tin Số tài khoản: 19129185908996/ Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Chi nhánh Hoàn Kiếm, phòng giao dịch Lĩnh Nam. Hướng dẫn độc giả cách ghi nội dung chuyển tiền ủng hộ: Để tòa soạn có thể dễ dàng liên hệ lại cho độc giả hỏi lại thông tin, khi chuyển khoản ủng hộ, bạn đọc hãy ghi đầy đủ họ tên, số điện thoại và tên nhân vật tình thương muốn ủng hộ nhé! VD: Nguyễn Văn A/ SĐT: 01233**** ủng hộ (tên người nhận) Xin trân trọng cảm ơn tấm lòng hảo tâm của quý độc giả báo điện tử Người Đưa Tin. |