Khi người trẻ thổi hồn vào chất liệu truyền thống

GD&TĐ - Tưởng rằng sự phát triển của giấy công nghiệp ngày nay đã lấn át những trang giấy dó vang bóng một thời, tuy nhiên, nhiều người trẻ đã có những sáng tạo tuyệt vời nhằm gìn giữ chất liệu truyền thống và tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế

Nếu không được "bật mí", ít ai biết những bông hoa hồng tuyệt đẹp này được làm từ giấy dó.
Nếu không được "bật mí", ít ai biết những bông hoa hồng tuyệt đẹp này được làm từ giấy dó.

Những bông hoa làm từ giấy dó

Tốt nghiệp khoa tạo dáng công nghiệp, Đại học Mở Hà Nội, cô bạn 8X Nguyễn Mai Hương quyết định khởi nghiệp từ một sở thích, đó là làm hoa giấy.

Dành thời gian theo học một lớp dạy làm hoa cơ bản, tự học hỏi cách hướng dẫn làm hoa trên mạng, tham gia các hội nhóm làm hoa là những bước đi đầu tiên của cô.

Sau đó, cô mua những mẫu hoa đẹp của những chị em khéo tay về ngắm nghía, tự mày mò nghiên cứu cách làm hoa trên giấy nhún, giấy xốp…

Nếu không được "bật mí", ít ai biết những bông hoa hồng tuyệt đẹp ấy được làm từ giấy. Điều đặc biệt hơn là hoa được làm bằng giấy dó, một loại giấy truyền thống đang dần vắng bóng tại Việt Nam.

Với dự án làm hoa bằng giấy dó của mình, Nguyễn Mai Hương và những người bạn trong dự án gửi vào đó tình yêu và mong muốn bảo tồn, phát triển những sản phẩm giấy truyền thống từ ngàn đời của cha ông.

Mở đường cho một phong cách làm hoa giấy mới, có rất nhiều người đã tìm đến xưởng của Nguyễn Mai Hương để học cách làm hoa từ giấy dó và phát triển sản phẩm.

Thêm người cạnh tranh, thêm “đối thủ”, nhưng Nguyễn Mai Hương lại thấy vui, vì “càng có nhiều người làm hoa giấy dó, người thợ làng nghề sẽ càng bán được nhiều giấy dó, giá trị của giấy dó càng được trân trọng, cây dó và nghề làm giấy dó sẽ không bị thất truyền.

Bên cạnh đó, có thêm nhiều người làm nghề, cộng đồng làm hoa giấy thủ công sẽ càng lớn mạnh. "Hương là người đi đầu sẽ hướng dẫn các bạn để phát triển thêm nhiều loại hoa từ giấy truyền thống" - Nguyễn Mai Hương hào hứng bày tỏ.

Tạo thêm nhiều công năng cho giấy dó

Họa sĩ Lê Minh Hiền và “người bạn” tri kỷ của mình: giấy dó.

Họa sĩ Lê Minh Hiền và “người bạn” tri kỷ của mình: giấy dó. 

Năm 2015, Trần Thế Nhật tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Kinh doanh giấy và các sản phẩm làm từ giấy dó là hướng đi mà anh cùng các thành viên nhóm Thăng Long Thư Quán ("Thăng Long Thư quán" là dự án kinh doanh của nhóm đã đạt giải nhì cuộc thi Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2015 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức) đang thực hiện nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, đồng thời khôi phục làng nghề truyền thống sản xuất giấy dó tại Bắc Ninh.

Nhật cho biết, khác với dòng giấy công nghiệp, giấy dó có độ gồ ghề nhất định, thêm tính năng hút ẩm và không bị mối mọt. Đây cũng là nguyên liệu duy nhất có thể dùng để sản xuất các loại giấy hiếm của Việt Nam như giấy sắc phong, giấy điệp dùng làm tranh Đông Hồ.

Tuy nhiên, vì nguyên liệu sản xuất giấy dó phụ thuộc vào thiên nhiên, chủ yếu do người dân vùng Yên Bái, Tây Bắc đi rừng lấy cây dó giấy về, lại đòi hỏi quy trình sản xuất thủ công khá công phu nên giấy dó khá đắt và không còn đủ sức cạnh tranh với các loại giấy công nghiệp giá rẻ trên thị trường, đặc biệt là giấy xuyến xuất xứ từ Trung Quốc.

Trong một lần về thăm làng nghề sản xuất giấy dó truyền thống tại Bắc Ninh, Nhật nhận ra đa phần các hộ gia đình làm giấy dó trước kia giờ đã chuyển qua sản xuất giấy ăn và giấy vệ sinh theo nhu cầu của thị trường, còn những gia đình vẫn giữ nghề làm giấy dó truyền thống thì chỉ sản xuất cầm chừng với số lượng nhỏ và chủ yếu bán cho làng tranh Đông Hồ hoặc một số cơ sở bán giấy tại Hà Nội.

Nhật chia sẻ: "Vì nhu cầu giấy dó quá ít nên cần tạo ra nhiều công năng cho loại giấy này mới mong mở rộng được thị trường, từ đó kích thích sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ”.

Tới đây, nhóm dự định sẽ tìm kiếm các đối tác tại Nhật Bản và phát triển hệ thống website cũng như đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho dự án nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Tạo hình trên giấy dó

Nhắc đến xu hướng tạo hình hiện đại trên giấy dó thì có lẽ người trong giới đều biết đến Lê Hiền Minh. Chị cũng là một trong những tên tuổi nổi bật của nghệ thuật đương đại thế hệ 7X. Chính xác hơn, chị là một trong số ít các nghệ sĩ mỹ thuật đương đại đủ sức “du đấu” quốc tế cùng “người bạn” tri kỷ của mình: giấy dó.

Cụ thể, Lê Hiền Minh đã tham gia nhiều triển lãm nhóm tại Việt Nam, Mỹ, Đức, Hàn Quốc và có 4 triển lãm cá nhân, “Dó 10” là triển lãm quy mô nhất, tụ hội 13 tác phẩm trong 10 năm.

Các sáng tác của chị gồm 4 giai đoạn: 2002: tranh bột màu trên giấy dó; 2002 - 2004: tác phẩm sắp đặt với kỹ thuật xé, đốt, ngâm, tẩm, phơi, đốt; 2005 - 2007: điêu khắc và không gian; 2007 - 2012: biến giấy dó thành vật thể điêu khắc.

Lê Minh Hiền chia sẻ: “Là nghệ sĩ, ai cũng muốn tác phẩm của mình được công nhận và “để đời”. Chọn giấy dó để gắn bó, tôi biết loại giấy này không bền vì nó thấm ẩm cao, do được làm thủ công.

Nhưng không có sự vật nào sống mãi, tôi chấp nhận tuân theo vòng đời tự nhiên. Tôi rỗi sẽ già, sẽ chết; tác phẩm của tôi cũng sẽ bục bở, bị phá hủy. Tôi trực tiếp nắn chỉnh, tạo hình vật thể tránh các dụng cụ trung gian (trừ khuôn gỗ) cũng là muốn tôn trọng sự tự nhiên”.

Khi được hỏi về những kế hoạch sáng tạo nghệ thuật sắp tới, nữ họa sĩ khẳng định: “Tôi chỉ vẽ bằng họa phẩm Việt Nam. Tôi không hứng thú khi sử dụng những họa phẩm và vật liệu nước ngoài. Tôi sẽ sáng tác điêu khắc quy mô lớn, ít vật thể, vẫn là giấy dó, không bao giờ chán...”

Có thể nói, duy trì và tiếp nối chất liệu giấy dó không phải vấn đề cần đến sự hô hào, bởi đây là chất liệu mang đến niềm cảm hứng dồi dào cho những người trẻ. Có lẽ sự lo ngại duy nhất về các tác phẩm mỹ thuật được sáng tạo trên nền giấy dó hiện nay chính là kỹ thuật bảo quản để tác phẩm có thể “sống” mãi cùng năm tháng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ