Trào lưu nghệ sĩ viết sách
Thời gian gần đây, giới showbiz Việt ấn hành khá nhiều tự truyện. Cuốn tự truyện của nghệ sĩ ra mắt sớm và “gây bão” mạnh đó có lẽ là “Yêu và sống” của nghệ sĩ Lê Vân. Cuốn tự truyện kể về tuổi thơ khó khăn, mối quan hệ của cha mẹ và cả chuyện tình cảm của bản thân... Ngay khi xuất bản, Yêu và sống đã trở thành chủ đề bàn tán với nhiều ý kiến trái chiều của cả những người trong cuộc cũng như dư luận.
Một tự truyện cũng gây “bão” sau khi công bố là “Hồi ký Thương Tín: Một đời giông bão”. Dư luận cũng tốn khá nhiều giấy mực để mổ xẻ cách viết và phản ứng về một số câu chuyện “nhạy cảm” được đề cập trong cuốn sách…
Mới đây, nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP đã chính thức phát hành cuốn tự truyện mang tên “Chạm tới giấc mơ”. Cuốn tự truyện nhanh chóng lọt vào top những cuốn sách bán chạy nhất trên hệ thống các kênh phát hành sách trực tuyến, 10.000 cuốn bán hết trong vỏn vẹn 2 ngày.
Dự kiến trình làng vào tháng 11 tới, ca sĩ - diễn viên Hoàng Thùy Linh cũng sẽ ra mắt tự truyện “Vàng Anh và Phượng Hoàng”. Từng nổi tiếng với vai Vàng Anh trong loạt phim truyền hình “Nhật ký Vàng Anh”, Hoàng Thùy Linh dính scandal và phải bắt đầu lại từ trong vũng lầy trớ trêu. Cuốn tự truyện này nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý bởi sức hút từ chính “chủ nhân”.
Sau mỗi cuốn tự truyện được phát hành, nhiều người đặt câu hỏi tự truyện có còn là chuyện đời, chuyện nghề hay một hình thức để đánh bóng tên tuổi. Ở một khía cạnh tích cực, những cuốn sách này cũng ít nhiều thỏa mãn sự “tò mò” của khán giả về đời sống riêng tư của người nghệ sĩ. Đằng sau ánh hào quang sân khấu, không thể không có những nước mắt, vấp ngã mà họ phải trải qua. Không phải nghệ sĩ nào cũng có khả năng viết, khả năng chắt lọc thông minh để cho ra đời những cuốn tự truyện có giá trị.
Ranh giới được mất mong manh
Trước đây, chỉ có những tác giả lớn mới viết tự truyện (hồi ký) như Nguyễn Hiến Lê, Đào Duy Anh, Lưu Trọng Lư… để trình bày cuộc sống và sự nghiệp nhiều say mê và thao thức về nghề.
Giờ đây, tự truyện nhiều nhưng không “chất”, ít mang giá trị văn học hay nhân văn mà nặng về chuyện kể mang tính tiểu sử cá nhân. Tự truyện không còn là câu chuyện đời, chuyện nghề của nghệ sỹ mà nó thực chất là một kênh PR. Có những nghệ sỹ viết tự truyện để đánh bóng, hâm nóng tên tuổi, phần lớn các cuốn sách của nghệ sĩ trẻ chủ yếu mang tính giải trí cho người hâm mộ.
Chính vì vậy, họ không ngần ngại đưa vào tự truyện chi tiết gây sốc mà không ai biết những chi tiết đó chứa đựng bao nhiêu phần trăm sự thật? Điều này lý giải tại sao tự truyện của nghệ sỹ luôn là những cuốn sách được chú ý trên thị trường xuất bản. Nghệ sỹ ra tự truyện trở thành một trào lưu hot trong showbiz Việt.
Nhiều người cho rằng, sức hấp dẫn của tự truyện chính là tính chân thực nhưng có lẽ, khi quyết định giãi bày quá khứ, nghệ sỹ cũng cần lựa chọn, cân nhắc, tính toán câu chuyện, tình tiết để đưa vào tự truyện.
Tuy nhiên, viết tự truyện là quyền, quyết định mang tính cá nhân của mỗi nghệ sỹ. Bên cạnh những cuốn tự truyện mang nhiều thông điệp ý nghĩa về khát khao cống hiến của người trẻ dù cuộc đời đầy rẫy bão dông, không ít những cuốn sách khiến công chúng hoang mang về nhân cách, đạo đức của người nghệ sĩ. Liệu họ có lường trước được rằng, những câu chuyện cũ với những scandal khi đưa ra công chúng có lẽ chỉ khiến chính họ “đeo” thêm gạch đá vào trái tim mình.
Thực tế đã chứng minh, tự truyện là con dao hai lưỡi, ranh giới giữa được - mất cũng rất mong manh, mà nhiều khi người trong cuộc mất nhiều hơn được.