Hiện giờ, các nhà thiên văn học thông báo về hiện tượng tiếp theo, hầu như chưa ai biết: Đó là, lần đầu tiên họ quan sát thấy sự phát tán các đám mây khí lạnh từ trung tâm thiên hà của chúng ta.
Tại trung tâm Dải Ngân hà xảy ra nhiều quá trình năng lượng cao. Một số quá trình hoàn toàn xa lạ đốivới chúng ta. Một phần năng lượng đó, dưới dạng bức xạ gamma và bức xạ roentgen tạo ra cái gọi là bong bóng Fermi - đó là các bong bóng khổng lồ, được “thổi lên” ở phía trên và phía dưới mặt phẳng thiên hà, trải dài trên khoảng cách 50.000 năm ánh sáng trong không gian vũ trụ.
Thành phần các bong bóng Fermi rất phức tạp và là hỗn hợp nhiều loại khí nóng, chủ yếu là hydro.
Các nhà khoa học không biết, nguyên nhân nào khiến các bong bóng Fermi hình thành, bản chất của chúng là gì. Hơn nữa, gần đây, các nhà thiên văn học quan sát thấy hiện tượng lạ mới. Cụ thể, trong các bong bóng Fermi, họ phát hiện thấy 2 đám mây khí lạnh và khá đặc, được “bắn ra” với tốc độ cao lên phía trên và xuống phía dưới mặt phẳng thiên hà.
Cách thức phát tán khí vẫn là một bí mật, tuy nhiên nhóm nghiên cứu ở ĐH Quốc gia Australia (ANU) khẳng định rằng, phát hiện của họ có thể có hiệu quả quan trọng đối với tương lai của thiên hà chúng ta.
“Khi một thiên hà “sụt cân” tức là nó tự đánh mất một phần vật chất có thể được dùng để tạo thành sao. Nếu lượng vật chất bị mất đi đủ lớn, thiên hà sẽ không thể tạo ra bất kỳ ngôi sao mới nào nữa. Khả năng quan sát thấy dấu vết dòng khí tạo sao bị mất đi trong Dải Ngân hà là khá lớn, khiến chúng ta phải suy nghĩ về điều gì sẽ tiếp tục xảy ra” - Giáo sư McClure-Griffiths, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết như vậy.
Công trình nghiên cứu cũng đặt ra câu hỏi liên quan đến những gì đang diễn ra tại trung tâm thiên hà của chúng ta.
“Gió từ trung tâm Dải Ngân hà là đề tài của nhiều cuộc tranh luận, kể từ khi các bong bóng Fermi được phát hiện, tức là từ khoảng 10 năm trước. Các bong bóng Fermi là 2 khối cầu khổng lồ chứa khí nóng và bức xạ vũ trụ. Chúng tôi quan sát thấy rằng từ trung tâm Dải Ngân hà không chỉ có khí nóng mà có cả khí lạnh và đậm đặc thoát ra. Thứ khí lạnh này nặng hơn, cho nên dễ phát tán hơn” - Giáo sư McClure-Griffiths giải thích.
Ở trung tâm Dải Ngân hà có siêu lỗ đen Sagittarius A, nhưng các nhà khoa học không rõ có phải lỗ đen này là nguồn phát ra khí hay không. Cũng có khả năng là các đám mây khí do hàng nghìn ngôi sao khổng lồ ở khu vực trung tâm phát ra.
“Chúng tôi chưa biết, bằng cách nào lỗ đen hoặc các ngôi sao đang hình thành có thể gây ra hiện tượng phát tán khí này” - Tiến sĩ Enrico Di Teodoro ở ĐH Johns Hopkins (Mỹ), cho biết.
Hai đám mây khí có khối lượng bằng khoảng 380 và 375 lần khối lượng Mặt trời. Cả hai di chuyển với tốc độ tương ứng là 240 km/s và 300 km/s.