Khi lãnh đạo… bất ngờ

GD&TĐ - Cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa phát hiện một vụ phá rừng thông quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại thành phố này với hơn 400 cây thông ba lá hàng chục năm tuổi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa phát hiện một vụ phá rừng thông quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại thành phố này với hơn 400 cây thông ba lá hàng chục năm tuổi, có đường kính từ 20cm đến 60cm bị chặt hạ nằm ngổn ngang. Số diện tích thông bị chặt phá này nằm trên địa bàn Phường 8, TP Đà Lạt, do Ban Quản lý rừng Lâm Viên quản lý.

Theo báo cáo của lực lượng kiểm lâm, vùng này ở độ cao 1.600m so mực nước biển, đường đi lại rất khó khăn hiểm trở, không có đường ô tô mà phải đi bộ, không có nước để sản xuất… nên cơ quan chức năng không thể xác định được mục đích của việc phá rừng thế này để làm gì? Nếu lấy gỗ thì vận chuyển không được mà lấy đất sản xuất thì không có nước. Lãnh đạo TP Đà Lạt… bất ngờ vì lý do này!

Còn người dân thì cũng rất “bất ngờ” trước việc lãnh đạo “bất ngờ” như thế. Thứ nhất, trong 400 cây thông bị triệt hạ nói trên, có khoảng 100 cây bị ken gốc. Tức là, những kẻ phá rừng đã lột vỏ quanh gốc thông để nhựa từ gốc không dẫn lên ngọn nuôi cây được và cây thông sẽ chết từ từ.

Đây là cách làm phổ biến của những kẻ phá rừng thông lâu nay ở Lâm Đồng. Sau khi thông chết, diện tích đất này sẽ bị chiếm, hoặc là trồng cà phê hoặc là san ủi, nếu thuận lợi thì bán đất nền.

Một “bất ngờ” nữa từ người dân là mới hôm đầu năm nay, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tái khẳng định rằng, tỉnh này quy định mỗi tháng, lãnh đạo huyện sẽ đi kiểm tra diện tích rừng trên địa bàn 2 lần, còn lãnh đạo xã thì kiểm tra diện tích rừng trên địa bàn xã mỗi tuần một lần.

Sáu năm trước (2016), tỉnh Lâm Đồng cũng ban hành quy định “kiểm tra rừng” theo hình thức này và báo cáo trước Chính phủ như là một giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả nhất của địa phương này.

Tuy nhiên, hầu như năm nào tỉnh Lâm Đồng cũng để xảy ra những vụ phá rừng “động trời”, không phải chỗ thâm sơn cùng cốc gì mà ngay trên địa bàn thành phố Đà Lạt! Vì vậy, lãnh đạo mà nói “bất ngờ” trước việc phá rừng là chuyện khôi hài.

Ai cũng biết, một trong những “thương hiệu” làm nên Đà Lạt, bên cạnh hoa và quanh năm mát mẻ thì rừng thông đã làm nên nét đặc trưng không trộn lẫn Đà Lạt với những thành phố khác. Vì vậy, bảo vệ rừng thông ở Đà Lạt khỏi bị tàn phá là giữ gìn một thương hiệu, một “đặc sản” vậy.

Chuyện phá rừng thông ở Lâm Đồng nói chung và Đà Lạt nói riêng gần như người dân đã nghe quen tai lâu nay. Việc lãnh đạo tỉnh này ra chỉ thị “phải điều tra xử lý nghiêm” những vụ phá rừng, người dân cũng được nghe thường xuyên sau mỗi lần được đưa lên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là rừng thông thì ngày một teo tóp còn các vụ phá rừng thì vẫn “khó tìm ra” thủ phạm!

Đã có nhiều tiếng kêu cứu của những công dân sống lâu năm ở thành phố này trước những cánh rừng thông bị “xuống tóc”. Đã có những cảnh báo từ các nhà hoạt động xã hội và bảo vệ môi trường trước một Đà Lạt có nguy cơ không còn nét đặc trưng vì rừng thông ngày một ít đi, nhường chỗ cho bê tông cốt thép.

Chính quyền cần có giải pháp cụ thể chứ không chỉ biết “bất ngờ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ