Khi giảng viên là doanh nhân

Khi giảng viên là doanh nhân

Những giảng viên là doanh nhân này đang từng ngày góp phần kết nối sự gần nhau hơn giữa trường học với doanh nghiệp.

Góp sức mở ngành cho trường

Tham gia giảng dạy được cả cho hai khoa (Khoa Quản trị kinh doanh và Khoa Du lịch và Việt Nam học) tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ThS Nguyễn Đức Minh Trí - Tổng Giám đốc Nam Á Châu Group cho biết, anh bắt đầu khởi nghiệp từ năm 25 tuổi. Đam mê du lịch và từng đặt chân tới rất nhiều quốc gia, sự trải nghiệm về văn hóa, cuộc sống của người bản địa đã giúp anh có nhiều kinh nghiệm chia sẻ với sinh viên trong các giờ giảng dạy của mình.

"Việc điều hành chuỗi công ty du lịch, vận tải và khách sạn trong nhiều năm qua, cùng với sự trải nghiệm của bản thân đã giúp tôi góp phần xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Du lịch cho nhà trường" - ThS Nguyễn Đức Minh Trí chia sẻ.

Theo anh, doanh nhân đi giảng dạy là một công việc rất đặc biệt. "Đặc biệt ở chỗ kiến thức mà tôi giảng dạy cho học viên được đúc kết từ những kinh nghiệm thực tế. Đó là sự trải nghiệm khi mình làm kinh doanh, chứ không thuần lý thuyết. Bên cạnh đó, người giảng viên còn đóng vai trò là một nhà nghiên cứu. Các thông tin mới được cập nhật kịp thời và đưa vào giảng dạy trong khóa học" - ThS Nguyễn Đức Minh Trí chia sẻ.

Anh Trí cho rằng, giảng viên doanh nhân thực sự là chiếc cầu nối giữa bạn trẻ và doanh nghiệp. Vì doanh nhân là người thuộc bộ phận lãnh đạo của doanh nghiệp, nên hơn ai hết họ hiểu rõ rằng một ứng viên như thế nào sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Chính những chia sẻ của giảng viên doanh nhân sẽ rút ngắn khoảng cách cho ứng viên và doanh nghiệp.

Khi giảng viên là doanh nhân ảnh 1
ThS Nguyễn Đức Minh Trí - Tổng Giám đốc Nam Á Châu Group. Ảnh: NTCC

Giảng dạy giúp cân bằng công việc

Hiện đang tham gia giảng dạy môn Quản trị Makerting và Quản trị chiến lược tại Khoa Kinh tế, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF), ThS Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty CP Bất động sản Golden Land (Golden Land) chia sẻ: "Giảng dạy là công việc giúp tôi cân bằng. Đồng thời, khi tiếp xúc với sinh viên giúp tôi củng cố, cập nhật thêm kiến thức và học hỏi nhiều điều từ công việc đi dạy. Nhìn các em năng động, sôi nổi cũng làm cho mình nhiệt huyết hơn".

Làm tốt việc kinh doanh đồng thời tham gia giảng dạy là sự thách thức về thời gian nhưng đầy thú vị. "Sự trải nghiệm nhiều năm bên ngoài kết hợp với kiến thức nghiên cứu và những vấn đề mới phát sinh giúp tôi có cơ hội truyền đạt lại cho các em một cách có hệ thống hơn. Sinh viên UEF cũng rất năng động. Các em có nền tảng kiến thức khá tốt. Khi các em thực tập và ra trường, nhiều em làm việc tại Golden Land rất hiệu quả. Đồng thời, Ban Giám hiệu nhà trường và lãnh đạo Khoa Kinh tế cũng luôn tạo điều kiện và linh động thời gian để tôi có thể thu xếp công việc và giảng dạy".

Tham gia lĩnh vực kinh doanh bất động sản được 12 năm, ThS Nguyễn Văn Hùng từng kinh qua các vị trí lãnh đạo tại các tập đoàn lớn như: Đất Xanh Group, Cengroup trước khi ra thành lập Golden Land vào năm 2012.

Khi giảng viên là doanh nhân ảnh 2
ThS Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Golden Land đang giảng dạy tại UEF. Ảnh: NVCC

Quay trở lại trường để "trả nợ ân tình"

ThS Bùi Thị Anh Vi là Giám đốc Công ty TNHH SX Thủy Tinh Đại Dương. Công việc hiện tại của Vi là kinh doanh và quảng bá sản phẩm thủ công thủy tinh trong trang trí nội thất. Từng là sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT), Anh Vi đang tham gia giảng dạy môn Quản trị học và Quan hệ công chúng tại Khoa Quan hệ quốc tế HUFLIT.

Với Anh Vi, được gặp và chia sẻ kiến thức của mình trong quá trình làm việc thực tế với các bạn trẻ là một niềm vui. Đồng thời, chị cũng nhận thấy "mình có trách nhiệm hơn với cuộc sống, với công việc". ThS Anh Vi dành phần thu nhập từ giảng dạy, chuyển lại hỗ trợ cho quỹ sinh viên nghèo vượt khó của trường.

"Tôi dạy 1 lần (3 tiết)/tuần và chỉ dạy tại HUFLIT nên không mất quá nhiều thời gian. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác bỡ ngỡ, lo lắng, hồi hộp khi mẹ chở đến trường ngày nhập học. Một trong những thầy cô để lại ấn tượng trong lòng tôi nhiều nhất là thầy Quốc Anh. Lúc đó, sinh viên ở tỉnh như tôi, học thêm là điều gì đó quá xa xỉ. Thầy Quốc Anh đã dạy miễn phí lớp tiếng Anh ngoài giờ cho chúng tôi. Đó cũng là hình ảnh thôi thúc tôi sẽ quay lại trường truyền nhiệt huyết và kiến thức mình đi làm khi có thể…" - ThS Bùi Thị Anh Vi chia sẻ.

Nhận xét hiệu quả của việc các CEO tham gia giảng dạy tại trường, TS Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng phụ trách HUFLIT cho rằng: "Có nhiều cái lợi khi CEO đứng lớp. Trước hết đó là kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm thực chiến của các CEO là rất quý giá. Thông tin, lý thuyết thì sinh viên có thể tìm đọc trong sách vở, nhưng thực tiễn luôn sinh động và thú vị hơn. CEO là người có thể mang lại điều đó cho sinh viên. Cái lợi thứ 2 cũng không kém phần quan trọng, đó là phong thái, tính cách và bản lĩnh của CEO. Không CEO nào giống CEO nào. Mỗi người một cá tính. Tuy nhiên thông qua làm việc, tiếp xúc, học tập với từng CEO cụ thể thì sinh viên sẽ học được nhiều hơn nữa từ những người thành công…".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ