Nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra, đáng buồn là đằng sau đó có sự “giúp sức” của cộng đồng mạng.
Nạn nhân mới nhất của vụ trả thù tình bằng “kế bẩn” lại là cô bé N.T.A.T ở huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai mới chỉ 15 tuổi. Cái chết của nữ sinh tuổi mới lớn gây căm phẫn dư luận bắt nguồn từ nam thanh niên có nick name Lộc NôBi (tên thật là P.Đ.Lộc, sinh năm 1994) đã đăng tài clip quan hệ với N.T.A.T khi chia tay. Clip này đã được lan truyền một cách chóng mặt bởi người dùng mạng xã hội facebook.
Clip đã bị nhiều cư dân mạng đã tải lên các diễn đàn và trang mạng của mình rồi đồng loạt xỉ vả A.T. Quá đau lòng vì bị người yêu cũ dùng đòn thù hèn hạ, cộng với những bình phẩm, nhạo báng của cộng đồng mạng, nữ sinh A.T đã không chịu được sức ép đã quên sinh, kết thúc cuộc đời ở tuổi 15.
Trước khi mất, A.T lấy điện thoại của mẹ ghi âm lời trăng trối của mình: “Mẹ ơi! Con thương bố mẹ nhiều lắm. Lộc ép con chết, tung video ép con chết. Bố mẹ chôn con gần nhà, đừng đưa con đi xa…”. Đoạn ghi âm cùng sự ra đi của A.T khiến không ít người cảm thấy đau lòng, căm phẫn kẻ nhẫn tâm đưa clip lên mạng, cũng như thói vô cảm của cư dân mạng.
Nữ sinh A.T và kẻ đã nhẫn tâm tung clip sex lên trang facebook cá nhân dẫn đến việc T tự tử.
Trước đó, sự việc dù không đến mức nghiêm trọng như trên, nhưng cũng đã khiến nạn nhân khổ sở, sống trong nỗi bất an vì bị người yêu cũ tung clip sex lên facebook. Vừa qua, công an huyện Ninh Giang (Hải Dương) đã hoàn thành bản kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân huyện Ninh Giang truy tố Vũ Đình Đức (26 tuổi, huyện Ninh Giang) về tội làm nhục người khác.
Sự việc như sau, khoảng tháng 8/2013, Đức và Đào Thị T (SN 1994, cũng ở Ninh Giang) có quan hệ tình cảm với nhau. Trong một lần “quan hệ” ở nhà nghỉ, Đức sử dụng điện thoại di động để quay lại cảnh quan hệ tình cảm giữa hai người. Sau đó hai người chia tay nhau. Nhưng đến đầu tháng 6/2014, Đức đã đăng tải clip quay ảnh “nóng” của Đức và T lên facebook .
Cũng ở Hải Dương, vừa qua cơ quan CSĐT Công an TP Hải Dương (Hải Dương) cũng đã thực hiện lệnh bắt tạm giam bị can đối với Phạm Văn Duy (SN 1982, huyện Nam Sách) về hành vi cướp tài sản. Trước đó, chị N.T.M (27 tuổi, huyện Kinh Môn) đã gửi đơn trình báo đến các cơ quan chức năng để tố cáo và cầu cứu về việc loạt bức ảnh nóng của chị bị tung lên facebook mạo danh.
Ngoài ra, chị N.T.M cũng tố cáo Duy nhiều lần đe dọa, ép buộc chị phải quan hệ tình dục với hắn. Dù khổ sở xin xỏ, nhưng chị N.T.M vẫn không được Duy buông tha. Hoảng loạn, suy sụp suốt một thời gian dài bị người tình cũ phát tán những hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội. Sự việc chỉ đến khi khép lại khi cơ quan công an vào cuộc điều tra, bắt tạm giam Duy vì hành vi cướp tài sản.
Trên đây chỉ là ba trong vô số vụ việc đau lòng đã xảy ra từ mạng xã hội ảo tới đời sống của con người. Điều đáng nói, đằng sau những kẻ đáng bị lên án khi nhẫn tâm đăng ảnh nóng, clip sex lên mạng để thóa mạ, hủy hoại người khác lại có sự tham gia của cộng đồng mạng, là những “anh hùng bàn phím” không động viên người bị hại mà thả sức “ném đá”, lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt.
Những bức ảnh "nóng" có sự "giúp sức" của đồng mạng với tốc độ chóng mặt.
Từ những lần facebook "giết người", nạn nhân đau lòng, suy sụp, thậm chí tự tử vì thông tin cá nhân, ảnh, clip nhạy cảm bị tung lên facebook và vượt quá sức chịu đựng của bản thân. Đặt ra cho mỗi người dùng facebook có nên vội vàng share, comment thể hiện thái độ trước một thông tin chưa rõ ràng. Có nên “tiếp tay” cho những kẻ xấu “mượn” facebook để “ghiết” ai đó, với những bình phẩm thái quá của mình? Hãy thận trọng vì có thể chỉ một comment đã vô tình đẩy người khác vào con đường cùng.
Đánh giá về những mặt tiêu cực của facebook, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, facebook là một trang mạng xã hội tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Không thể cấm được người dân, nhất là tầng lớp thanh niên không dùng facebook... Bởi thế, Bộ TT&TT nên đưa ra luật để kiểm soát nhiều tầng lớp khác. Cần phải thành một luật, khi đã vi phạm nhân cách, nhân phẩm của người khác trên mạng cũng phải được coi như ở ngoài đời thực.
“Đối với người dùng, không nên chạy theo trào lưu xấu, cổ vũ hay góp phần làm phát tán những cái xấu, ảnh hưởng tới nhân phẩm, đời tư của người khác” - TS Lâm đưa ra lời khuyên.