(GD&TĐ) - Những năm gần đây, nhằm thắt chặt và quan tâm hơn nữa đến việc nuôi dạy, chăm sóc, quản lý HS trong nhà trường các cấp cũng như tại gia đình, đã hình thành ban phụ huynh (còn gọi là ban đại diện cha mẹ HS). Có ban phụ huynh trường, ban phụ huynh của lớp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, để hợp lý hóa các khoản lạm thu, lạm chi của mình, ban phụ huynh đã cố tình lách luật các khoản thu vượt mức trần qui định.
Lạm chi nên phải lạm thu
Tình trạng ban phụ huynh lạm thu diễn ra khá phổ biến |
Nhằm giảm gánh nặng chi tiêu đầu năm học mới cho các bậc phụ huynh, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo trực tiếp đến hệ thống các cơ sở GD. Hưởng ứng tinh thần chỉ đạo này, các sở hướng dẫn đến cấp phòng, rồi đến tận cấp trường phải công khai các khoản thu, thu đủ chi. Tất cả không ngoài mục tiêu duy nhất đó là nhằm tránh tình trạng lạm thu, gây ảnh hưởng không tốt tới gánh nặng chi tiêu của phụ huynh HS.
Nhiều trường học làm rất tốt theo tinh thần chỉ đạo, nhưng vẫn chỉ là bề nổi của tảng băng chìm mà thôi. Bởi lẽ thực tế, nguyên nhân lạm thu lại xuất phát từ chính ban phụ huynh mà ra. Tại Hà Nội, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học ở trường Đ., cô giáo chủ nhiệm các lớp đã công khai ghi lên bảng các khoản thu theo qui định, các khoản thu hộ và thứ ba là các khoản thu thỏa thuận, trong đó ghi chú rất rõ: Quĩ phụ huynh lớp không quá 200.000 đồng.
Qui định đưa ra thì theo tinh thần như vậy nhưng hầu hết ban phụ huynh các lớp đều tăng tiền thu quĩ. Mức thu vượt qui định gấp nhiều lần. Với lý do ngay từ đầu năm đã chi chuyển điều hòa cho lớp, trang trí, quét sơn lớp học, mua sắm dụng cụ dọn vệ sinh lớp, chi tết trung thu cho HS, chi ngày 20/11... trưởng ban đại diện cha mẹ HS lớp ước tính chi khoảng 23.400.000 đồng. Nếu chỉ thu theo qui định 200.000 đồng/HS thì cả lớp hơn 50 HS chỉ thu được hơn 10.000.000 đồng. Như vậy, tiền thu quĩ chưa đáp ứng được 50% nhu cầu thực chi cho hoạt động của lớp.
Để tạo điều kiện cho ban phụ huynh hoạt động tốt trong học kỳ 1, một số phụ huynh theo gợi ý đã ấn định mức đóng góp 1.2000.000 đồng/HS. Nếu trừ khoản thu hộ gồm tiền bảo hiểm y tế 289.000 đồng, bảo hiểm thân thể 60.000 đồng, quĩ đoàn đội 18.000 đồng, quĩ cha mẹ HS trường 50.000 đồng, quĩ chữ thập đỏ 10.000 đồng, tiền nước uống 10,000 đ/tháng (thu 4 tháng), dịch vụ sổ liên lạc điện tử 40.000 đồng/tháng (thu 4 tháng học kỳ 1) thì khoản đóng góp cho quĩ phụ huynh vẫn còn gần 700.000 đồng/HS, gấp hơn 3 lần so với qui định.
Theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng ban phụ huynh lạm thu hoàn toàn có thật và diễn ra khá phổ biến ở các trường học trên địa bàn các thành phố lớn. Trong khi ngành GD Hà Nội quyết liệt chấn chỉnh lạm thu đầu năm thì ban đại diện phụ huynh các lớp vẫn ngấm ngầm thu trội tiền quĩ. Như năm học này, có trường công lập mang mác chất lượng cao nên HS phải học bằng máy chiếu, do đó ban phụ huynh lớp lại phải lạm thu để mua ti vi màn ảnh lớn, lắp thêm quạt trong lớp để tạo độ thoáng gió cho máy hoạt động. Ban phụ huynh chịu chi, còn phụ huynh cứ thế đóng góp.
Lách luật một cách... bài bản
Lạm thu có nguyên nhân không nhỏ từ chính cha mẹ HS |
Việc lạm thu trong trường học hiện nay, đa số bắt nguồn từ các khoản thu do chính ban đại diện cha mẹ HS đề ra. Bởi thực tế, các khoản thu theo qui định là khoản thu bắt buộc. Chỉ có lạm thu ở các khoản ngoài qui định, thu thỏa thuận. Đặc biệt là ban phụ huynh thu quĩ để chi cho các hoạt động của HS lớp, trường. Và để hợp lý hóa các khoản chi, biện pháp lách luật cũng đã được thực hiện khá bài bản.
Có con đang học trường MN thuộc địa bàn quận Ba Đình, chị Yến Trang cho biết: Tại buổi họp phụ huynh đầu năm nay, cô giáo chủ nhiệm thông báo rất kỹ quĩ phụ huynh thu không quá 150.000 đồng/HS nhưng thực tế phụ huynh lớp đã đóng quĩ 450.000 đồng/HS. Nhìn chung cho thấy, để hợp lý hóa khoản lạm chi của ban phụ huynh, những hiến kế lách luật đã được thông qua khá bài bản.
Cụ thể, tại buổi họp phụ huynh lớp của con chị Yến Trang, một số vị phụ huynh đã đưa ra ý kiến, thôi thì cứ lập một danh sách, phụ huynh đóng góp đúng 200.000 đồng, có ký nhận, số tiền quĩ đóng dôi ra lập ra danh sách phụ huynh ủng hộ lớp cho hợp lý hóa khoản thu. Tất nhiên, cũng tại cuộc họp phụ huynh đầu năm, kêu gọi phụ huynh có điều kiện thì đóng góp ủng hộ nhiều hơn, gia đình nào khó khăn, trình bày với ban phụ huynh để được trợ giúp.
Mấy năm trở lại đây, để tránh tiếng lạm thu đầu năm, ban phụ huynh thu rất ít ở buổi họp phụ huynh đầu năm, đến khi họp phụ huynh học kỳ một thu tăng gấp đôi và buổi họp cuối năm phụ huynh lại thêm một lần dốc túi đóng góp các khoản thu không đủ chi, chi còn âm.
Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ; sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ HS lớp và các cuộc họp toàn trường. Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ HS. Qui định là như vậy nhưng thực tế cho thấy, ở nhiều tỉnh, thành phố hiện nay, ban đại diện cha mẹ HS vẫn “cố tình lạm thu” với nhiều hình thức lách luật.
Rõ ràng, trong thông tư đã có qui định rõ nhưng thực tế, ban phụ huynh vẫn cố tình thu sai, thu thêm các khoản thu ngoài qui định. Có lẽ, để chấn chỉnh tốt tình trạng lạm thu đầu năm học trực tiếp ban giám hiệu các trường học, cấp phòng cũng như sở GD&ĐT phải quản lý chặt chẽ hoạt động thu, chi của ban phụ huynh lớp. Quản lý chặt các khoản chi thì mới chấn chỉnh được việc lạm thu của ban phụ huynh.
Thông tư số 55/ 2011/TT- BGD&ĐT kèm theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS có hiệu lực từ ngày 7/1/2012 qui định: Kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ HS lớp có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ HS và nguồn tài trợ hợp pháp khác. Trưởng ban đại diện cha mẹ HS lớp chủ trì phối hợp với GV chủ nhiệm lớp dự kiến kế hoạch chi tiêu kinh phí được ủng hộ, tài trợ và chỉ sử dụng sau khi đã được toàn thể các thành viên cha mẹ HS lớp thống nhất ý kiến. |
Nguyệt Ánh