Song, để đạt được miễn dịch cộng đồng, số người được tiêm chủng có thể cao hơn 70%. Bởi, con số này phụ thuộc vào biện pháp y tế công cộng, thay vì chỉ vắc-xin.
Phụ thuộc biện pháp y tế công cộng
Theo Bộ Y tế, mục tiêu của chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 là tiêm cho khoảng 70 triệu người dân Việt Nam. Lý giải về nguyên nhân đặt ra mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ Y tế - GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết: “Hiện nay, nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và 2022 có miễn dịch cộng đồng. Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 - đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng”.
Trong khi đó, lãnh đạo ngành Y tế nhấn mạnh, muốn có miễn dịch cộng đồng, việc quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Đây là yếu tố để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu di truyền dịch tễ học và loãng xương, thuộc Viện Nghiên cứu Y khoa Garvin (Australia) cho biết: “Khi số người được tiêm chủng trong cộng đồng càng nhiều, nguy cơ lây lan trong cộng đồng càng thấp. Theo thời gian, dịch sẽ được dập tắt. Đây là nguyên lý chính của khái niệm miễn dịch cộng đồng”.
Song, theo chuyên gia này, để đạt được miễn dịch cộng đồng, số người được tiêm chủng có thể cao hơn 10% so với 70%. Bởi, con số này phụ thuộc vào biện pháp y tế công cộng, thay vì chỉ vắc-xin.
Theo đó, vấn đề quan trọng là xác định tỷ lệ tiêm chủng phải cao bao nhiêu để đủ “nội lực” cộng đồng chống lại dịch bệnh. Đây là vấn đề của thống kê học. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã tóm tắt mô hình thống kê học bằng phương trình: T = 1 - 1 / R0. Trong đó, T là tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, R0 là hệ số lây nhiễm. Như vậy, hệ số lây nhiễm R0 càng cao, T càng lớn. Ngược lại, R0 càng thấp, T càng nhỏ.
“Đó chính là lý do tại sao hệ số lây nhiễm R0 rất quan trọng trong dịch tễ học bệnh truyền nhiễm”, chuyên gia giải thích.
Công thức trên dựa vào một giả định rất quan trọng là: Tiêm vắc-xin có thể bảo vệ tuyệt đối (100%). Tuy nhiên, Giáo sư Tuấn cho biết, thực tế, mức độ hiệu quả của đa số vắc-xin không cao như 100%, thường là 50 - 95%. Ngoài ra, khi triển khai trong cộng đồng, hiệu quả của vắc-xin sẽ thấp hơn trong quần thể nghiên cứu. Do đó, T phải được điều chỉnh cho hiệu quả của vắc-xin.
Kết hợp hiệu quả vắc-xin
Chuyên gia tiếp tục đưa ra phương trình Te = (1 - 1 / R0) / E. Trong đó, E là hiệu quả của vắc-xin, Te là tỷ lệ miễn dịch cộng đồng. Như vậy, Te phụ thuộc vào hệ số lây lan và hiệu quả vắc-xin.
Phương trình này cho thấy, để kiểm soát dịch, chỉ vắc-xin là chưa đủ. Thực tế, cần kèm theo các biện pháp y tế công cộng. Trong trường hợp giả định rằng, R0 là 2,87, trong khi hiệu quả trung bình của vắc-xin là 70%, thì tỉ lệ cần tiêm chủng là 93%.
“Giả sử biện pháp y tế công cộng sẽ giúp giảm R0 xuống còn 2,5, tỉ lệ cần tiêm vắc-xin vẫn khá cao: 86%. Nếu ở tình huống tối ưu (R0 = 1,5 và hiệu quả vắc-xin là 90%), chỉ cần tiêm cho khoảng 37% là đạt miễn dịch cộng đồng”, Giáo sư Tuấn lý giải.
Do đó, theo chuyên gia này, chỉ khi giảm R0 xuống còn 2,0, tỉ lệ người cần tiêm vắc-xin mới là 71%.
“Điều này có nghĩa, vắc-xin chỉ là một vế của vấn đề, vì các biện pháp y tế công cộng (như hạn chế tụ tập đông người) rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch và đạt miễn dịch cộng đồng”, chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Huỳnh - Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ) giải thích, khi vượt qua đại dịch cũng có nghĩa là đã đạt miễn dịch cộng đồng. Nếu không tiêm vắc-xin, chỉ vài người bị Covid-19 cũng có thể lây ra cộng đồng.
Nếu độ phủ vắc-xin cao, dù có người bị mắc, tỷ lệ ca nhiễm và phát bệnh nặng không cao. PGS Huỳnh nhấn mạnh, mục tiêu của tiêm vắc-xin là giảm triệu chứng bệnh và khả năng lây lan.
Trước đó, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cũng cho biết, một tỷ lệ lớn người được tiêm phòng trong quần thể dân cư sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng. Từ đó, góp phần ngăn chặn đại dịch.
“Miễn dịch cộng đồng được hình thành khi hầu hết dân số miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm. Đối với một số bệnh truyền nhiễm, miễn dịch cộng đồng xuất hiện khi có trên 80 - 90% dân số được bảo vệ. Bởi, họ đã bị nhiễm bệnh hoặc được tiêm vắc-xin”, chuyên gia nhận định.