Khen ngợi trẻ đúng cách

GD&TĐ - Khen ngợi là việc cần thiết để nuôi dưỡng lòng tự tin của trẻ. Nhưng lời khen có thể là con dao hai lưỡi.

Khen ngợi đúng cách giúp nuôi dưỡng lòng tự tin của trẻ.
Khen ngợi đúng cách giúp nuôi dưỡng lòng tự tin của trẻ.

Nếu bạn “hà tiện” quá sẽ khiến con mất hết niềm tin, nhưng lúc nào cũng bốc con lên tận mây xanh, sẽ hình thành trong đầu trẻ những ảo tưởng về bản thân.

Khen về nỗ lực, không khen về tài năng

Tiến sĩ Carol Dweck (Đại học Stanford) phát hiện ra rằng lời khen tập trung vào tài năng sẽ khiến trẻ dần trở nên mất tự tin vào bản thân trong khi lời khen tập trung vào nỗ lực sẽ khuyến khích trẻ học được nhiều hơn và hào hứng đón nhận thử thách mới.

Bà đã thực hiện nhiều cuộc thí nghiệm về lời khen với hàng trăm học sinh tại Mỹ. Trong thí nghiệm, các em sẽ trải qua hai bài kiểm tra ngắn. Bài đầu tiên, tương đối dễ để các em đều vượt qua. Sau đó, các em được chia thành hai nhóm, nhóm một được khen tập trung vào khả năng. (Em làm được 8/10 câu cơ đấy, em chắc giỏi môn này nhất đấy nhỉ), và nhóm hai được khen về nỗ lực (Em làm được 8/10 câu cơ đấy, em chắc đã bỏ nhiều công sức để học môn này nhỉ).

Sau đó, các em được chọn để xem có muốn tiếp tục làm bài kiểm tra thứ hai hay không. Đa số các em được khen về tài năng đã từ chối vì sợ bị người khác đánh giá khả năng của mình, trong khi 90% các em được khen về nỗ lực muốn thử sức tiếp.

Bài kiểm tra thứ hai được thiết kế là dạng bài rất khó, trong nhóm học sinh không hoàn thành bài kiểm tra, các em thuộc nhóm được khen về tài năng đã suy nghĩ rằng “mình thật ngu dốt”. Còn nhóm học sinh được khen về nỗ lực thì nghĩ rằng “mình cần cố gắng hơn”, và không coi đây là thất bại.

Lời khen về nỗ lực đã khuyến khích trẻ đón nhận cơ hội để học tập và phát triển bản thân thông qua thử thách, trong khi đó, lời khen về tài năng đã khiến trẻ đưa ra quyết định an toàn để giữ gìn hình ảnh và đánh mất cơ hội rèn luyện của mình.

Tiến sĩ Carol Dweck cũng chỉ ra thêm, lời khen tập trung vào tài năng dễ biến trẻ thành người có tư duy đóng, và lời khen tập trung vào nỗ lực sẽ giúp trẻ hình thành tư duy mở.

Khen vào quá trình

Thường khi thấy thành quả, sản phẩm của con trẻ tạo ra là tốt, bố mẹ thậm chí cả thầy cô thường dành ngay lời khen cho chính thành quả, sản phẩm ấy luôn. Đơn giản như khi con tự xúc ăn, bố mẹ không nên khen “Con giỏi quá! Con đã tự xúc được ăn”. Đây là lỗi phổ biến của rất nhiều cha mẹ. Thay vào đó nên nói “Hôm nay, con rất nỗ lực đấy, mẹ thấy con xúc gọn gàng và tốt hơn những lần trước rất nhiều rồi”.

Cũng tương tự như thế, khi con được điểm 10, không nên khen “con mẹ được những 10 điểm, giỏi quá!”. Thay vào đó, nên nói với con: “Con đã rất nỗ lực, lúc con làm bài mẹ thấy con toát hết cả mồ hôi, viết mỏi nhừ cả tay phải không con? Điểm 10 của con hôm nay là sự tiến bộ hơn so với ngày hôm qua…”

Việc khen quá trình sẽ giúp trẻ hiểu rằng những nỗ lực của con khi thực hiện việc gì đó mới khiến mọi người để tâm quan sát và đánh giá nhiều nhất. Trẻ sẽ chú trọng và tiếp tục nỗ lực hơn nhiều để được người lớn công nhận, khen ngợi.

Không phải đứa trẻ nào cũng giỏi, thông minh, nên nếu được khen nhiều những phẩm chất này, khi ra đời, nếu làm điều gì không được, không thành công, trẻ có thể thấy những lời khen trái với thực tế và thất vọng về mình, và nghĩ bố mẹ nói dối. Từ đó, trẻ sẽ cảm thấy tự ti về bản thân và có thể sống buông thả, thiếu nỗ lực, thậm chí nghĩ đến những điều tiêu cực khác.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Khen cả những thứ nhỏ nhặt nhất

Bố mẹ cần chú ý khen cả những thứ nhỏ nhặt nhất, những thứ con không để ý. Bởi thường tình, chúng ta chỉ quan tâm đến những sản phẩm, thành quả lớn lao của các con mà ít để ý đến những tiến bộ nho nhỏ của chúng. Nhưng những điều lớn lao, những kết qủa to lớn không phải mọi đứa trẻ đều đạt được. Do vậy, lời khen cho trẻ trong thực tế cũng rất ít khi được bố mẹ dành cho.

Và thậm chí, những đứa trẻ luôn dành được thành quả, thành tích đặc biệt xuất sắc thì bản thân cũng rất cần bố mẹ dành lời khen cho những thứ bình thường, nhỏ nhặt.

Tôi quan sát trong các gia đình có trẻ nhỏ và nhận ra rằng, đến bữa cơm, một số trẻ cứ ngồi chơi, bố mẹ làm mọi việc. Nhưng rồi một hôm con bê giúp mẹ cái xoong, cái bát, thì bố mẹ lại không để ý dành tặng lời khen cho sự tiến bộ đó của chúng. Nếu khi đó, bố mẹ lập tức khen ngay hành động này của trẻ thì sẽ mang lại nhiều năng lượng tích cực cho con.

Trong gia đình tôi, bọn trẻ cũng thường được bố mẹ làm thay cho nhiều việc. Nhưng một hôm nhờ được sự bãy vẽ của ông bà nội nên đứa đầu đã giành phần rửa bát với mẹ. Hôm đó, tôi đã khen nó rằng: “Con của bố đã trưởng thành thật sự, biết giúp đỡ cho gia đình rồi!”. Không ngờ từ lời khen ấy, mà bây giờ cứ ăn xong là nó lại tự giác rửa bát.

Trẻ con thường cực kỳ sung sướng về điều này, việc khen con cả những thứ con vô tình làm như thế sẽ giúp trẻ hiểu rằng hóa ra mọi công việc mình làm đều có mẹ quan sát và để tâm. Từ đó, trẻ sẽ cố gắng thực hiện những điều này tốt hơn.

Truyền đạt lời khen của người khác

Đây cũng là một phương pháp giúp trẻ biết tự hào, tự tin về bản thân mình nhiều hơn. Người lớn nên tích cực truyền đạt lại lời của người khác khen con. Đôi khi có thể là mượn lời người khác.

Ví như khi mình muốn khen con rất lễ phép với người lớn tuổi. Thay vì khen: “Con rất lễ phép với người lớn”, mẹ có thể mượn lời của ba, hoặc người hàng xóm…: “Hôm nay đi qua nhà bác hàng xóm, bác ấy bảo mẹ, con rất lễ phép, lịch sự, biết chào hỏi người lớn đấy!”.

Điều này làm lời khen có vẻ khách quan hơn. Con sẽ vui vẻ và những ngày sau đó luôn chào hỏi khi gặp mọi người, đặc biệt là sẽ lễ phép hơn với người lớn tuổi. Như thế, cách giáo dục con phải lễ phép với người lớn tuổi sẽ rất tự nhiên, không cần phải lên gân kiểu “lên lớp” khiến bọn trẻ không nghe.

Trong dạy học, tôi cũng thường vận dụng phương pháp này và thấy rất hiệu quả. Tôi nhớ có lần làm công tác chủ nhiệm, trong lớp, có em Việt thường xuyên cãi lời các thầy cô. Một hôm, có đồng nghiệp dạy môn Hoá có bảo rằng hôm nay trong giờ em Việt lại nói chuyện riêng và bị cô nhắc nhở. Sau đó, hết tiết, em ấy đã tìm cô gửi lời xin lỗi.

Cô nói thêm rằng, cô đã rất ngạc nhiên và cảm động trước lời xin lỗi chân thành của Việt. Sau đó, đến giờ sinh hoạt lớp, tôi đã dành lời khen đối với Việt và có nhắc lại lời của cô giáo dạy Hoá “cô rất cảm động trước lời xin lỗi của Việt….”. Và như một phép màu, từ đó, Việt đã cố gắng học tập chăm chỉ và trở thành một trong những học trò xuất sắc của lớp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ