Dành thật nhiều lời khen để dạy trẻ có trái tim ấm áp, tự lực

GD&TĐ - Các chuyên gia giáo dục Nhật bản cho rằng, áp dụng phương pháp SPM cần khen trẻ thật nhiều. Không phải khen những gì trẻ làm được mà là công nhận những gì trẻ đã tự mình tìm tòi, hành động. ...

Dành thật nhiều lời khen để dạy trẻ có trái tim ấm áp, tự lực

Mới đây, tại buổi hội thảo “Triết lý giáo dục nuôi dạy trẻ có trái tim ấm áp, tự lực, hợp tác”, giáo viên trường Mầm non thực hành Hoa hồng đã được nghe về phương pháp giáo dục SPM.

Đây là phương pháp tiếp cận bồi dưỡng năng lực nuôi dạy trẻ kiểu Nhật Bản cho giáo viên nhằm nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ. Từ đó, trẻ được phát triển toàn diện, đặc biệt về nhân cách (điểm nhấn trong GDMN tại Nhật Bản). Đồng thời, giúp nhà trường – trẻ - phụ huynh luôn là một khối thống nhất.

Buổi hội thảo thu hút đông đảo khách mời, giáo viên, chuyên gia đến dự.
Buổi hội thảo thu hút đông đảo khách mời, giáo viên, chuyên gia đến dự.

Buổi hội thảo cũng trả lời câu hỏi phương pháp SMP được thực hiện như thế nào? Các chuyên gia giáo dục Nhật bản cho rằng, áp dụng phương pháp SPM cần khen trẻ thật nhiều. Không phải khen những gì trẻ làm được mà là công nhận những gì trẻ đã tự mình tìm tòi, hành động. Việc khen trẻ sẽ nuôi dưỡng sự tự tin và hăng hái cho trẻ.

Phương pháp SPM cũng khuyến khích chờ đợi trẻ, lắng nghe trẻ. Giáo viên không hướng dẫn trẻ trước mà chờ đợi trẻ nhận ra và chủ động. Từ đó, mở rộng hứng thú và kinh nghiệm cho trẻ. Ngoài thời gian học tập, thời gian vui chơi và sinh hoạt cũng đều là thời gian quý giá để trẻ tiếp thu năng lượng và kiến thức.

Vậy, tại sao phải sử dụng phương pháp SPM? Các chuyên gia trong buổi hội thảo chỉ ra rằng, phương pháp này nuôi dưỡng trẻ và có tấm lòng ấm áp sẽ nảy sinh sự tự lực, hợp tác và có phẩm chất tốt.

Trẻ lặp đi lặp lại trải nghiệm suy nghĩ – tìm tòi – hành động, qua đó, trẻ rèn luyện được khả năng tự học và khả năng phát huy những điều mình đã học. Chính những điều này sẽ trở thành năng lực phát triển và sức sống mạnh mẽ cho trẻ trong tương lai. Phương pháp này đã nuôi dưỡng tâm hồn hình thành nền tảng nhân cách.

Phát biểu tại buổi hội thảo, TS Đào Thị My – Hiệu trưởng trường Mầm non thực hành Hoa Hồng - chia sẻ: “Nhà trường luôn tiếp thu và tìm ra phương pháp tối ưu nhất để hướng đến việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ tốt nhất. Đồng thời, Ban giám hiệu và các giáo viên luôn hướng đến mục tiêu xây dựng trường mầm non hạnh phúc cho trẻ, để mỗi ngày trẻ đến trường thực sự là một ngày vui.

Cùng với đó, nhà trường mong muốn có được sự đồng hành, tin tưởng từ phía xã hội, phụ huynh để trẻ nhận được những điều tốt đẹp nhất”.

TS Đào Thị My cũng nhấn mạnh: Mục tiêu mỗi đứa trẻ trưởng thành từ ngôi trường MNTH Hoa Hồng đều có trái tim ấm áp, tự lực, hợp tác nên nhà trường - trẻ - phụ huynh luôn là một khối thống nhất để trẻ được phát triển toàn diện, đặc biệt là về nhân cách.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ