Qua đợt giám sát vừa rồi cho thấy, sự gắn kết với DN còn là một khâu yếu của GDNN hiện nay. DN và cơ sở GDNN chưa tạo thành một gắn kết hữu cơ. DN chưa thực sự đóng góp và có trách nhiệm với GDNN.
“Bức tranh” có sự khởi sắc
* Qua đợt giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa qua ông có thể đánh giá khái quát về “bức tranh” giáo dục nghề nghiệp của nước ta?
- Để có những đánh giá khái quát về vấn đề này, tới đây Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sau khi hoàn thiện các khâu của quy trình giám sát sẽ có báo cáo đánh giá, nhận định chính thức. Tuy nhiên, với tư cách là thành viên tham gia giám sát tôi cảm nhận “bức tranh” GDNN qua đợt giám sát có những khởi sắc.
Đặc biệt, sau khi có Luật GDNN thì nhận thức, sự quan tâm của xã hội với lĩnh vực này tốt lên, định hướng phân luồng học GDNN cũng tốt lên. Sau khi Chính phủ giao cho một cơ quan thống nhất sự quản lý nhà nước về GDNN, về nguồn lực có sự tập trung hơn và có những chuyển biến về chất lượng, hiệu quả đào tạo; việc tuyển sinh, phân luồng của cơ sở GDNN tốt lên. Xã hội, phụ huynh, học sinh quan tâm đến GDNN nhiều lên. Đây là chuyển biến bước đầu, cần tiếp tục có sự quan tâm, hỗ trợ...
Tuy vậy, những cơ sở có chất lượng, uy tín mà sản phẩm là sinh viên ra trường được DN, nền kinh tế đón nhận đã có nhưng chưa nhiều. Hệ thống GDNN vẫn còn khá phân tán, số lượng cơ sở còn nhiều, thuộc nhiều cơ quan quản lý khác nhau nên còn có những khó khăn trong quản lý, đầu tư, hiện đại hóa nâng cấp trang thiết bị.
Yếu trong gắn kết với doanh nghiệp
* Như ông nói ở trên, sản phẩm của GDNN bảo đảm chất lượng được nền kinh tế đón nhận đã có nhưng chưa nhiều, vậy làm sao để gắn kết DN với cơ sở GDNN để nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo theo nhu cầu?
- GDNN khác với giáo dục đại học là đào tạo ra lực lượng lao động trực tiếp nên gắn rất nhiều với nền kinh tế, đặc biệt là DN, sinh viên tốt nghiệp GDNN trực tiếp tham gia vào sản xuất. Chính vì thế, việc gắn kết giữa DN và GDNN là một trong 3 chủ đề của Hội thảo GDNN năm 2019 sẽ được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tới đây.
Đối với sản phẩm của GDNN thì tay nghề và kỹ năng là yêu cầu bắt buộc mà DN mong muốn nhận được. Chính vì vậy, đánh giá và sử dụng sản phẩm của GDNN chính là các DN. Qua đợt giám sát vừa rồi cho thấy, sự gắn kết với DN còn là một khâu yếu của GDNN hiện nay; DN và cơ sở GDNN chưa tạo thành một gắn kết hữu cơ; DN chưa thực sự đóng góp và có trách nhiệm với GDNN. Các DN mới dừng lại ở việc tiếp nhận sinh viên thực tập và không phải DN nào cũng mặn mà tạo điều kiện.
Các DN tham gia vào quản lý đào tạo, đặt hàng, tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, trực tiếp tham gia đào tạo chưa nhiều. Đó cũng là vướng mắc từ cơ chế của chúng ta như việc mời giảng viên là nghệ nhân, công nhân lao động trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo còn khó khăn. Theo tôi, cần có quy định cụ thể, gắn trách nhiệm của DN vào GDNN. Ví dụ, nếu họ tham gia vào đào tạo sẽ khuyến khích, tạo thuận lợi cho họ về mặt nào đó.
* Theo ông, chính sách khuyến khích ở đây có thể là gì?
- Với DN thì mục tiêu là hiệu quả kinh tế. Chính sách đó là những khuyến khích về kinh tế. Nếu DN tham gia trực tiếp vào đào tạo, thu nhận sinh viên sau tốt nghiệp có thể khuyến khích về thuế... Thực ra vấn đề này đã được quy định trong Luật GDNN; tuy nhiên, có thể chưa có những quy định cụ thể nên chưa thu hút được DN tham gia. Cần có những quy định, chế tài cụ thể về vấn đề này.
* Liệu khuyến khích có là đủ hay phải có những ràng buộc cụ thể để DN tham gia vào GDNN thưa ông?
- Về lý thì khi DN nộp thuế là đã hoàn thành trách nhiệm xã hội theo luật định. Tuy nhiên, có thể đẩy thêm một bước là khuyến khích, chế tài để DN có thêm những đóng góp về mặt xã hội. Nhưng trước mắt theo tôi nên khuyến khích để DN nhìn nhận được lợi ích của họ và tự nguyện tham gia vào công tác GDNN.
Đáp ứng nhu cầu xã hội
* Có ý kiến cho rằng, một trong những lý do DN ít quan tâm đào tạo nghề là do quy định lao động có tay nghề được cộng 7% lương, trong khi đó DN lại muốn sắp xếp lương theo vị trí việc làm để giảm chi phí? Ông nhìn nhận về việc này thế nào?
- Đây đúng là một mâu thuẫn cần giải quyết, mà suy cho cùng là yếu tố lợi ích. Quy định lao động có tay nghề được cộng 7% lương là khuyến khích đào tạo nghề khuyến khích người lao động có tay nghề cao nhưng lại ảnh hưởng đến quỹ lương của DN, họ phải chi nhiều hơn. Có lẽ đã đến lúc phải nghiên cứu để có sự đồng bộ của hệ thống pháp luật trong đó có lĩnh vực GDNN, làm sao vừa khuyến khích được người lao động học tập để có tay nghề cao, đãi ngộ xứng đáng và người sử dụng lao động nếu thực hiện tốt sẽ được những khuyến khích cụ thể; nếu vi phạm sẽ có chế tài xử lý.
* Trong bối cảnh cách mạng khoa học, công nghệ một số nghề sẽ mất đi và nghề mới sẽ hình thành, các cơ sở GDNN sẽ phải đối mặt với sự thay đổi này thế nào, thưa ông?
- Không chỉ trong giai đoạn này mà mọi giai đoạn đều có những khó khăn tương tự nhưng giai đoạn này trở đi thì sự thay đổi diễn ra ngày càng nhanh chóng. Khi ta coi GDNN là một dịch vụ xã hội thì dịch vụ ấy phải đáp ứng được nhu cầu xã hội; khi đó cơ sở đào tạo đó mới tồn tại và phát triển. Trong thời đại hiện nay, việc chuyển đổi nhu cầu lao động, việc làm diễn ra rất nhanh buộc các cơ sở GDNN phải năng động thích ứng. Quan niệm đào tạo nghề theo kiểu truyền thống sẽ khó đáp ứng trong giai đoạn hiện nay. Các cơ sở GDNN phải năng động, thay đổi công nghệ hiện đại, phương pháp giảng dạy, nắm bắt được xu thế và các nghề có thể hình thành trong tương lai thì mới có thể đào tạo theo nhu cầu xã hội.
* Vậy, cơ chế nào để các cơ sở GDNN không bị “bó chân” khi chuyển đổi?
- Ở đây phải giải quyết đồng thời hai yêu cầu; một mặt tạo điều kiện để các cơ sở GDNN năng động, thích ứng với sự biến động của xã hội, mặt khác phải có giải pháp quản lý để bảo đảm chất lượng đào tạo.
* Xin cám ơn ông!