Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 14 đơn vị dạy học chương trình GDTX cấp THPT + Trung cấp nghề, gồm 8 trung tâm (TTGDTX tỉnh, 7 TT GDNN-GDTX cấp huyện), 6 trường cao đẳng với quy mô 270 lớp, 9.077 HS, trong đó: học sinh học chương trình GDTX + Nghề là 8.611 HS, chiếm tỷ lệ 94,5%.
Từ nhiều năm qua, các TTGDTX - dạy nghề ở tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng giáo dục, giúp học sinh có định hướng đúng đắn trong lựa chọn ngành nghề, rút ngắn thời gian học và có việc làm ngay sau khi ra trường.
Tại Hội nghị tổng kết Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT), đại diện Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, giai đoạn 2006-2015, hàng năm tại các trung tâm GDTX và các trường chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề có từ 7.000 đến 10.000 học sinh BT THPT + nghề (15-16% học sinh tốt nghiệp THCS). Các nghề đưa vào giảng dạy phong phú và đa dạng như: điện, may công nghiệp, tin học, cốt thép –hàn ...
Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có từ 25% tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS vào học chương trình GDTX cấp THPT + nghề tại các trung tâm GDNN-GDTX và các trường cao đẳng.
Hiện nay mô hình dạy chương trình GDTX cấp THPT + nghề đã được tổ chức nề nếp, đảm bảo chất lượng và được quản lý chặt chẽ tại các TT GDTX, TTGDNN-GDTX và các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua do kinh tế Vĩnh Phúc luôn tăng trưởng, nhu cầu lao động tại các khu, cụm công nghiệp cao nên đa số học sinh tốt nghiệp hệ Bổ túc THPT + nghề có việc làm. Theo báo cáo của các TT GDTX, trường chuyên nghiệp có hệ Bổ túc THPT + nghề, tỷ lệ học sinh có việc làm sau khi học từ 70-80%.
Có thể khẳng định, mô hình học chương trình GDTX cấp THPT + nghề phù hợp với chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2020, góp phần tích cực phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS, trước mắt đã đáp ứng nhu cầu vừa học nghề vừa học văn hóa của một bộ phận học sinh.
Dạy văn hóa kết hợp dạy nghề là giải pháp quan trọng cho các TT GDTX, trường chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh ổn định, phát triển quy mô tuyển sinh.
Mô hình học chương trình GDTX cấp THPT + nghề phù hợp với thực tế, nhu cầu và trình độ của học sinh; tiết kiệm thời gian, chi phí học tập.
Tuy nhiên, thực tế chất lượng học chương trình GDTX cấp THPT và chất lượng đào tạo trung cấp nghề chưa tốt do năng lực “đầu vào” của học sinh hạn chế lại học đồng thời 2 chương trình trong 3 năm học.
Các điều kiện cho các TT GDTX tổ chức dạy học nghề và các trường chuyên nghiệp tổ chức dạy văn hóa chưa thực sự đảm bảo. Mô hình học chương trình GDTX cấp THPT + nghề mới chỉ đáp ứng thị hiếu, nhu cầu chung của xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Hi vọng, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT phối hợp Bộ LĐTB&XH và các ngành liên quan sẽ ban hành các văn bản qui định, hướng dẫn về phân loại và xếp hạng các cơ sở GDNN-GDTX để thuận lợi trong hoạt động và đảm bảo quyền lợi, chế độ cho CBQL, GV, NV.