“Khát” lối ứng xử văn hóa

GD&TĐ - Sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, nhiều người hi vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức, giúp cộng đồng ứng xử có văn hóa để hàn gắn xã hội.

Sau những sự kiện nóng, ví như ồn ào xung quanh “nghệ sĩ làm từ thiện” đã khiến dư luận xã hội chia rẽ đến mức trầm trọng. Người ta sẵn sàng văng tục chửi bậy, coi nhau là thù địch chỉ vì không chung quan điểm nhìn nhận.

Chia rẽ xã hội, dù từ mạng ảo vẫn bị áp sang đời sống thực. Nhiều thanh niên, chỉ vì mâu thuẫn trên Facebook mà hẹn nhau “hỗn chiến”. Nhiều cá nhân, tập thể thân bại danh liệt chỉ vì bị ai đó nhân danh “bóc phốt”. Dù thiếu căn cứ, không có bằng chứng nhưng cộng đồng mạng lại thường hay thiên lệch về phía những kẻ tung thông tin độc hại.

Nhiều gia đình vốn rất hạnh phúc, chỉ vì những bức ảnh cắt ghép và những lời bình luận xấu đầy chủ ý mà thành tan vỡ. Văn hóa ứng xử trên mạng xã hội còn khiến nguyên tắc “lựa lời mà nói” thành thứ “có đi có lại”: Anh khen tôi, tôi khen lại anh, nhưng anh chê tôi, tôi có thể “lôi 3 đời” nhà anh ra để xỉ vả!

Về bản chất, không phải cách ứng xử trên mạng xã hội lây lan sang đời sống thực tại, mà chính cách ứng xử trong thực tế được áp dụng trên mạng xã hội.

Cảnh khạc nhổ, đánh chửi nhau sau va chạm giao thông vẫn đầy rẫy đâu đó. Bệnh a dua bênh vực người thân hay nghệ sĩ mình yêu thích – bất kể lỗi lầm của họ ra sao. Thậm chí trong cơ quan, hiếm thấy sự giúp đỡ trong sáng nào để đồng nghiệp có thể phát triển. Thay vào đó, một số người luôn ủ mưu, tính kế sâu hiểm để hạ bệ người khác.

Văn hóa ứng xử của chúng ta thế nào, ở những nơi công cộng sẽ thấy rõ nhất. Hãy nhìn những chiếc cốc uống nước, luôn phải khóa vào đó một cái dây xích. Dù rất phản cảm, nhưng nếu không “xích” cái cốc lại, nó sẽ biến mất!?

Cùng với cái gay gắt của mùa hè, điều xã hội đang khao khát nhất chính là những ứng xử có văn hóa. Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, có thể không tiêu trừ được “nọc độc” của thói xấu, nhưng hi vọng sẽ khiến cho cái xấu không thể phát lan.

Nếu muốn xã hội lành mạnh, ứng xử thực sự có văn hóa thì mỗi người đều phải ý thức được tầm quan trọng của giao tiếp xã hội. “Học ăn, học nói” phải được gia đình và toàn xã hội chú trọng.

Cha mẹ không dạy được con cái cách ăn nói, thì làm sao nhà trường uốn nắn được học sinh? Người lớn không gương mẫu, không thể hiện được cách ứng xử có văn hóa thì trẻ con làm sao có thể học hỏi?

Cho nên bất luận trong mọi tình huống, người lớn phải có ý thức và hiểu được tầm quan trọng của văn hóa cũng như cách ứng xử chuẩn mực. Ăn không có phép tắc, sống không có trên – dưới, nói không có thưa – gửi, thì một điều chắc chắn con em mình sẽ là những người đầu tiên học theo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.