Giáo viên ảnh hưởng lớn đến nhân cách học sinh
Theo TS Hoàng Gia Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng Khoa học GD, Trường ĐH GD (ĐHQG Hà Nội), lứa tuổi HS THCS,THPT đang có những biến đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý. Các em có nhu cầu thể hiện bản thân trước mọi người. Trong một số trường hợp, HS có hành vi sai lệch để tỏ rõ bản lĩnh trước HS khác. Điều đó gây nên những bất ổn trong trường học và ảnh hưởng đến tâm lý HS cũng như văn hóa chung nhà trường. Những hành vi lệch chuẩn rất cần được hỗ trợ, phòng ngừa nhằm xây dựng mối quan hệ lành mạnh giữa các em.
Theo TS Hoàng Gia Trang, nhà giáo có vị trí và ảnh hưởng lớn đến nhân cách HS. Mỗi lời nói, việc làm, hành vi ứng xử của GV đều tác động trực tiếp đến các em. Vì thế có thể nói rằng, GV là hình mẫu cho HS, là chuẩn mực để HS làm theo và tạo nên sự tôn trọng yêu mến thầy cô giáo xuất phát từ tâm thức của học trò.
Đồng quan điểm, cô Lê Thị Thanh Huyền, Trường Tiểu học Thụy Lâm A, Đông Anh (Hà Nội) cho rằng: Mọi hành vi ứng xử sẽ chỉ có giá trị khi nó xuất phát từ cái tâm của con người với con người. Bên cạnh những bài học đạo đức trong nhà trường, hay những tiết GD khác trên lớp, con đường nhanh nhất nhưng hiệu quả nhất để GD các con chính là cái tâm trong sáng của người thầy. Mọi bài học đạo đức, mọi lời giáo huấn cũng không bao giờ bằng cách người thầy dùng chính cái tâm trong sáng của mình để làm gương cho học trò.
Ảnh minh họa |
Giáo dục bằng sự hiểu biết, trái tim yêu thương
Cô Lê Thị Thanh Huyền phân tích, việc GD văn hóa cho HS cần phải giúp các em nhận thức rõ những nét đẹp trong các ứng xử văn hóa. Phải nhìn thấy giá trị của những hành vi đó thì HS mới tiếp nhận nó một cách tự nhiên. GD hành vi có văn hóa chính là dạy cư xử sao cho đẹp, hướng các em tới việc sử dụng hợp lý các hành vi ứng xử phù hợp hoàn cảnh. Biết như thế nào là hành vi đẹp, ý nghĩa của việc sử dụng những hành vi ấy trong cuộc sống như thế nào sẽ có tác dụng không nhỏ đối với việc thúc đẩy HS sử dụng chúng trong cuộc sống. Giúp HS phân biệt được những chuẩn mực hành vi để sử dụng chúng đúng lúc và đúng cách.
Hơn ai hết, khi GD cho HS, người thầy luôn luôn phải tự bồi dưỡng hiểu biết và vốn sống để mình trước hết phải là người có văn hóa và cư xử có văn hóa. Đừng vì bất kỳ một lời sáo rỗng nào để mong GD những đứa trẻ của bạn. Chỉ có lòng chân thành, sự hiểu biết, trái tim yêu thương và nhân ái cộng với tính gương mẫu mới có thể giúp GV đạt được hiệu quả trong hoạt động GD.
Theo TS Hoàng Gia Trang, cần xây dựng giá trị, niềm tin vào trường học hướng người học là trung tâm, đóng vai trò chủ chốt trong viêc tạo dựng nên giá trị nhà trường. Các mối quan hệ chủ đạo trong môi trường học đường gồm GV - HS, HS - HS, GV và cán bộ quản lý. Cần tạo lập được niềm tin của HS và GV vào nhà trường. Muốn vậy sự chuẩn bị của đội ngũ quản lý, GV và nhân viên trường học là yếu tố rất quan trọng. Điều này đòi hỏi mỗi thầy cô giáo phải thực sự gương mẫu và là tấm gương sáng về đạo đức và lối sống cho HS noi theo.
Theo cô giáo Lê Thị Thanh Huyền, hành vi giao tiếp, ứng xử văn hóa trong nhà trường chính là một căn cứ để đánh giá sự phát triển và văn minh của xã hội. GD những hành vi giao tiếp, ứng xử văn hóa trong nhà trường là một việc làm cần thiết và vô cùng quan trọng. Nó đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội. Chúng ta không thể bỏ mặc nhà trường, bỏ mặc thầy cô loay hoay tìm cách để GD HS. Bản thân mỗi cơ quan trong xã hội, mỗi ban ngành trong xã hội, mỗi người và cả các thầy, cô giáo đều cần bắt tay làm với tinh thần trách nhiệm cao.