Hệ 9+ chưa có ý thức nghề nghiệp

GD&TĐ - Tuyển sinh học sinh sau tốt nghiệp THCS đặt ra nhiều vấn đề cho các trường nghề khi tâm lý của người học khác hẳn với học sinh đã tốt nghiệp THPT.

Học sinh các trường THCS trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) trải nghiệm hướng nghiệp tại Trường CĐ Nghề.
Học sinh các trường THCS trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) trải nghiệm hướng nghiệp tại Trường CĐ Nghề.

Học sinh chưa có ý thức nghề nghiệp

Không đỗ vào trường THPT công lập, Hồ Công Thành (cựu học sinh Trường THCS Trần Đại Nghĩa, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) được thầy cô tư vấn theo học nghề tại Trường CĐ Nghề. Anh Hồ Thanh Phước – phụ huynh của em Thành chia sẻ: “Con còn nhỏ, cho đi học nghề sớm thấy thương nhưng không đủ sức học văn hóa, nhà lại không có điều kiện theo học lớp 10 ở trường tư. Thầy cô cũng động viên học nghề thì sớm có việc làm nên nhà tui cứ theo”. Chọn theo ngành công nghệ ô tô, Thành đồng thời học thêm văn hóa với dự định sẽ thi lấy bằng tốt nghiệp THPT. Với lựa chọn này, em sẽ có thể học liên thông lên cao đẳng sau khi hoàn thành trung cấp nghề.

Những băn khoăn của anh Phước cũng đồng thời là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh khi quyết định cho con đi học nghề khi vừa tốt nghiệp THCS. Dự định ban đầu của gia đình em Phan Trí Hoàng Kiệt là sẽ cho con học chương trình 9+ tại Trường CĐ Nghề. Thế nhưng, sau đó, gia đình thay đổi kế hoạch vì “con chưa biết mình phù hợp với nghề nào, tuổi cũng còn nhỏ nên cho học hết THPT rồi tính”. Vì vậy, từ sau năm 2020 trở đi, mặc dù số học sinh sau THCS theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại Quảng Nam có tăng nhưng cũng chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu phân luồng của địa phương. Đại diện Phòng GD&ĐT Nam Trà My (Quảng Nam) cho rằng, phụ huynh rất ngại cho con đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vì xa nhà khi tuổi còn nhỏ, khó quản lý con em.

Ông Võ Lê Anh Huy – Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và giới thiệu việc làm, Trường CĐ Nghề cho biết: “Năm nay, nhà trường kết thúc sớm công tác tuyển sinh với hệ 9+ vì đã đủ chỉ tiêu. Số học viên này được chia thành 2 chương trình đào tạo: học bổ sung văn hóa gồm 4 môn: Toán, Lý, Hóa, Ngữ văn và nhóm theo học chương trình ở các trung tâm giáo dục thường xuyên”.

Hồ Công Thành kể: “Em cứ nghĩ đi học nghề thì không phải học văn hóa nữa. Em học không tốt lắm, nhất là các môn phải tính toán. Nhưng thầy cô sắp xếp lịch học xen kẽ với học nghề nên cũng đỡ “đau đầu”.

Ông Võ Lê Anh Huy cho biết, nhờ thay đổi cách thức tổ chức nên học sinh có hứng thú với việc học, bớt đi tâm lý chán nản khi không đỗ vào lớp 10. Nhưng cái khó hơn cả, theo ông Huy, là rèn cho học sinh về thái độ và ý thức với nghề nghiệp. “Để có những phương pháp quản lý phù hợp với tâm sinh lý học sinh vừa học xong lớp 9, nhà trường đã kết nối với các trường THCS để nhờ hỗ trợ, tư vấn tâm lý phù hợp với lứa tuổi”. Trường CĐ Thaco (Quảng Nam) còn tổ chức tập huấn tâm lý giáo dục cho những giáo viên đảm nhận dạy học ở các lớp hệ 9+.

Sinh viên Trường CĐ Thaco (Quảng Nam) học thực hành tại xưởng trường.
Sinh viên Trường CĐ Thaco (Quảng Nam) học thực hành tại xưởng trường.

Em Hoàng Thanh Hải (xã Hòa Sơn, Hòa Vang, TP Đà Nẵng) nhớ lại khoảng thời gian mới theo học trung cấp cơ khí tại Trường Cao đẳng giao thông vận tải 5 (Liên Chiều, TP Đà Nẵng): “Lúc đó em thấy gò bó lắm, thỉnh thoảng lại nghĩ hay thôi bỏ học. Các bạn em thì đang đi học lớp 10, học thêm rồi vui chơi đủ kiểu, em thì bắt đầu lúi húi với máy móc, học cả kỷ luật, an toàn lao động… Đến khi đi làm rồi thì em mới thấy đó là những quy định rất cần thiết để không phải rơi vào những tình huống nguy hiểm chứ hồi đang học thì kiểu học cực học khổ để thi cho qua thôi”. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều học sinh chọn học nghề ngay sau khi tốt nghiệp THCS.

Gắn chất lượng đào tạo với đầu ra

Tại Hội nghị triển khai công tác phân luồng HS và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2021 của Quảng Nam, đại diện Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, những HS học hết lớp 9 học tại các trường nghề khi tốt nghiệp mới 17 tuổi. Với độ tuổi này, không thể tuyển dụng các em tham gia làm việc ở các công ty lĩnh vực công nghiệp nặng. Đây là một hạn chế trong đào tạo nghề chương trình 9+ hiện nay. Tương tự, đại diện Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cho biết HS phân luồng sau khi học nghề xong chưa đủ 18 tuổi nên công ty không thể tiếp nhận vào làm việc và đây là một rào cản trong công tác phân luồng vào đào tạo nghề.

Ông Phan Tiềm – Hiệu trưởng Trường CĐ Thaco cho rằng, sẽ giải quyết được vướng mắc này nếu học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn tiếp tục học chương trình giáo dục thường xuyên để thi lấy bằng tốt nghiệp THPT song song với học nghề. Hiện nay, Trường CĐ Thaco đang liên kết với một số trường THPT ở huyện Núi Thành để tổ chức dạy – học chương trình văn hóa cho học viên 9+. “Một khi học viên yên tâm về đầu ra của chương trình thì tỉ lệ bỏ học giữa chừng sẽ giảm đáng kể. Trong 2 năm đào tạo hệ 9+, nhà trường chỉ có 23 học viên bỏ học” – ông Tiềm thông tin.

Trường Cao đẳng Quảng Nam đã cam kết kết nối với doanh nghiệp để tạo việc làm khi cho người học kể cả bậc học trung cấp. Trong năm học 2021 - 2022, nhà trường đã có khóa học viên – sinh viên đầu tiên tốt nghiệp sau khi sáp nhập. Nhà trường bàn giao học sinh, sinh viên tốt nghiệp cho một số doanh nghiệp trên cả nước đến tiếp nhận về làm việc như Công ty CP Chăn nuôi Green Feed, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.