Dạy - học môn Ngữ văn Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Chương trình Giáo dục phổ thông mới được xây dựng và chuẩn hóa theo hướng hiện đại, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; cho phép vận dụng nhiều phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát triển phẩm chất, năng lực ở học sinh… Tuy nhiên, có không ít những điểm nếu thiếu sự tập huấn, chuẩn bị kỹ cho người thực thi, chắc chắn chương trình khó có thể vận hành và được thực hiện hiệu quả.

Giờ học Ngữ văn. Ảnh: IT
Giờ học Ngữ văn. Ảnh: IT

Luyện kỹ năng giao tiếp

Việc lấy rèn luyện các kĩ năng giao tiếp làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học, nhìn từ phương diện “thao tác luận” là đúng và yêu cầu phải thực hiện. Nhưng nếu không cẩn thận sẽ dễ bị hiểu nhầm, dẫn đến thực hiện không nhằm đúng bản chất và đặc thù đích thực của môn Ngữ văn. Việc “lấy rèn luyện các kĩ năng giao tiếp làm trục chính xuyên suốt cả ba cấp học” hoàn toàn sát đúng với bản chất, đặc thù của môn ngoại ngữ.

Nhưng với môn Ngữ văn, điều này nếu hiểu và thực hiện không đúng, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy. Hệ quả, hệ lụy của nó là có thể biến giờ dạy - học Ngữ văn thành giờ thực hiện các thao tác cơ giới, máy móc, vô cảm giữa người dạy và người học, người học với người học, trên cứ liệu là các văn bản của môn Ngữ văn.

Để khắc phục nguy cơ rất có thể diễn ra này, ngoài sự tự xác định của giáo viên, cần phải có những hướng dẫn cụ thể, có kế hoạch tập huấn cụ thể cho giáo viên. Chương trình được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về tiếng Việt, văn học và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc đối với học sinh toàn quốc.

Cũng tương tự như điều vừa nói trên, việc “không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp” rất dễ có nguy cơ khiến giáo viên chỉ chăm chăm vào “kỹ thuật”, “thao tác” dạy học. Giờ dạy - học Ngữ văn sẽ trở nên rất vô hồn, khó có thể khơi dậy niềm hưng phấn thẩm mỹ - nhân văn… ở người học mà chỉ có môn Ngữ văn mới có ưu thế mang lại. Tính mở của chương trình cũng có nguy cơ dẫn đến những tán loạn ở cả hai loại hoạt động dạy - học và đánh giá kết quả.

Nhận thức về lịch sử văn học

Chương trình Ngữ văn mới dựa hẳn vào trục thể loại/ kiểu văn bản để dạy học đọc, viết, nói, nghe; dạy phân tích, cảm thụ văn học. Ưu điểm của Chương trình Ngữ văn mới ở vấn đề này là thuận tiện cho việc dạy học đọc, viết, nói, nghe; dạy phân tích, cảm thụ văn học, nhất là với các tác phẩm thuộc thời kỳ văn học hiện đại – các tác phẩm “thuận tai”, “thuận mắt” và dễ tiếp thu hơn không chỉ đối với người học mà còn đối với cả người dạy có thể được dạy - học trước.

Nhưng nhược điểm là ở chỗ nó khiến cho học sinh sẽ dễ bị lẫn lộn, thậm chí tán loạn trong nhận thức về lịch sử văn học, không thấy đâu là diễn trình, bước đi của lịch sử văn học dân tộc, hiện tượng ra đời trước cứ tưởng là sau, và ngược lại. Đành rằng ở cuối cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, có bài khái quát những nét lớn về lịch sử văn học Việt Nam, nhưng như thế không đủ. Tiếp nhận tri thức Ngữ văn đối với học sinh trong nhà trường phổ thông là cả một quá trình, theo lối thấm dần, ngấm dần. Ấn tượng thời học sinh với bất cứ ai cũng vậy, thường có khả năng neo đậu trong tâm trí suốt cả cuộc đời.

Để khắc phục sự mơ hồ, lẫn lộn, tán loạn rất có thể diễn ra trong nhận thức về lịch sử văn học dân tộc, khi dạy học đọc, viết, nói, nghe; dạy phân tích, cảm thụ văn học qua từng tác phẩm, người giáo viên phải chú ý kết hợp với trục lịch sử văn học. Và để tạo một sự thống nhất trong toàn quốc, cũng nên có văn bản hướng dẫn cụ thể.

Giáo viên là người thuần túy hướng dẫn?

Do yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực của người học, Chương trình Ngữ văn mới chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh; rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói, nghe, cách thức tạo lập văn bản… Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, tổ chức, khơi gợi. Điều này là hết sức cần thiết đối với hướng dạy học theo mô hình phát triển năng lực.

Nhưng khi người dạy “được quyền”, “được phép” xem mình chỉ là người thuần túy hướng dẫn, tổ chức các hoạt động dạy - học, tất cả còn lại phó thác cho người học, riêng với môn Ngữ văn, do đặc thù của môn học này, chắc chắn nguy cơ sẽ không nhỏ. Giáo viên rất dễ rơi vào tình trạng ỷ lại học trò, lấy cớ là phát huy trí sáng tạo của học trò; môn Ngữ văn rất có thể sẽ trở thành “sân chơi” ồn ào, vô cảm, vô bổ…

Dạy học Ngữ văn theo mô hình phát triển năng lực, yêu cầu người giáo viên đóng vai trò là người hướng dẫn, tổ chức, khơi gợi, không lấy việc phân tích, bình giảng của mình thay thế cho những suy nghĩ của học sinh. Nhưng như thế không có nghĩa là người giáo viên không cần dùng đến phương pháp diễn giảng, phân tích mẫu, thuyết trình tích cực.

Tuỳ vào đối tượng học sinh ở từng cấp học, lớp học và thể loại của văn bản văn học mà vận dụng các phương pháp, kỹ thuật và hình thức dạy học cho phù hợp. Dẫu trong trường hợp nào, người truyền cảm hứng vẫn là người thầy giáo trên lớp. Phương pháp diễn giảng, phân tích mẫu, thuyết trình tích cực đối với môn Ngữ văn vẫn là một phương pháp khó có thể thay thế. Vấn đề là cách dùng nó trong những trường hợp nào với mức độ nào, và trong sự phối - kết hợp với các phương pháp khác ra sao cho phù hợp và mang tính hữu hiệu. Điều này chỉ có thể do năng lực và vốn liếng văn hóa – văn học – ngôn ngữ của người dạy quyết định…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ